Khởi nghiệp với nghề mộc thủ công

Theo baobinhphuoc 22/08/2018 06:05

Từ sự khéo léo, sáng tạo, Phạm Vĩnh Long ở ấp 6, xã Minh Thắng đã phát huy thế mạnh bản thân làm giàu từ nghề mộc và còn “tiếp lửa” cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian qua, phong trào thi đua làm kinh tế giỏi trong lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Chơn Thành phát triển mạnh, tạo sức lan tỏa rộng. Được hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật, nhiều thanh niên nông thôn đã lập nghiệp thành công, đem lại thu nhập cao, đồng thời tạo việc làm cho không ít thanh niên tại địa bàn.

Phạm Vĩnh Long (1993) ở ấp 6, xã Minh Thắng, là thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm. Từ sự khéo léo, sáng tạo, Long đã phát huy thế mạnh bản thân làm giàu từ nghề mộc và còn “tiếp lửa” cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Phạm Vĩnh Long với sản phẩm giường tầng

Phạm Vĩnh Long với sản phẩm giường tầng

Từ nhỏ được tiếp xúc với nghề mộc qua người thân nên Long rất thích và sớm gắn bó với công việc này. Học xong lớp 9, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Long nghỉ học để làm kinh tế. Sau 6 tháng học nghề Long xin vào làm công ở một số xưởng sản xuất đồ gỗ. Với tính cần cù chịu khó và đôi bàn tay khéo léo nên Long thường được giao vẽ và làm các chi tiết hoa văn. Vì thế, tay nghề của Long ngày càng nâng lên. Năm 2015, Long quyết định mở một xưởng mộc của riêng mình. Khi mới hoạt động, quy mô xưởng còn nhỏ, lại thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị, sản phẩm Long làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của anh em họ hàng và một số người dân trong xã. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự nỗ lực của bản thân, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, anh đã vượt qua khó khăn, sản phẩm mộc của anh ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng ưa chuộng, lựa chọn.

Mấy năm gần đây, Long đã tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chơn Thành. Trong đó vốn vay hộ nghèo được 50 triệu đồng, vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường 12 triệu đồng, đặc biệt là nguồn vốn vay giải quyết việc làm 79 triệu đồng. Long đã đầu tư mua các loại máy móc và nguồn nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất. Với bàn tay tài hoa của người thợ giỏi, mỗi tháng cơ sở sản xuất của Long làm ra hàng chục sản phẩm, như bàn, ghế, giường, tủ và các đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Sản phẩm gỗ của Long ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường. Do vậy không chỉ phục vụ người dân trên địa bàn xã, nhiều cơ sở kinh doanh đồ gỗ ở Chơn Thành và các vùng phụ cận đã tìm đến cơ sở của Long, bởi sản phẩm chất lượng và mẫu mã đa dạng.

Long chia sẻ: “Ban đầu tôi mở xưởng mộc không có vốn nên rất khó khăn. Khi vay được vốn tôi đầu tư mua máy móc, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nhiều mẫu hàng bắt mắt nên đã thu hút được khách hàng. Công việc “chạy đều” nên thu nhập cũng ổn định. Thời gian tới, tôi muốn mở rộng quy mô xưởng sản xuất và mở một cửa hàng bày bán sản phẩm gỗ”.

Hơn 4 năm làm thợ mộc, Long tự tin với tay nghề của mình. Nhờ sự đầu tư đúng hướng và chăm chỉ làm ăn, đến nay xưởng sản xuất đồ mộc của Long đã đi vào hoạt động ổn định. Từ chỗ khó khăn, Long đã biết phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, tạo việc làm cho 4 thanh niên ở địa bàn có thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ xưởng sản xuất, Long có thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng.

Với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, thanh niên Phạm Vĩnh Long đã vươn lên làm kinh tế giỏi, lại phát huy được nghề truyền thống, đồng thời tạo việc làm cho thanh niên ở nông thôn. Có thể nói Long là điển hình để khuyến khích thanh niên nông thôn khởi nghiệp, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo baobinhphuoc