Người trẻ khởi nghiệp: Cần chuẩn bị kế hoạch để… thất bại
Có đến 69% người trẻ mong muốn khởi nghiệp để chứng tỏ khả năng bản thân, tự do tài chính và tích lũy kinh nghiệm sống.
Khởi nghiệp để trải nghiệm và khám phá bản thân
Ông Nguyễn Duy Tấn, Trưởng phòng tư vấn tuyển dụng của trang việc làm Navigos Search, đã chia sẻ về số liệu thống kê này để nói về xu hướng khởi nghiệp phổ biến trong suy nghĩ của người trẻ Việt Nam. Khởi nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng các bạn trẻ vẫn muốn dấn thân vì muốn chứng minh khả năng của mình, tích lũy kinh nghiệm sống và được tự do về tài chính.
Tuy nhiên, ông Tấn cũng cho rằng, sự chủ động và năng lực rèn luyện về kỹ năng mềm là thứ mà các bạn trẻ Việt Nam đang thiếu. “Trong thực tế, làm việc trong startup phải có 80-85% kỹ năng mềm để giải quyết các công việc từ phức tạp đến đơn giản trong một đội nhóm. Các kỹ năng mềm này giúp startup tồn tại và phát triển trong môi trường đòi hỏi sự sáng tạo và chủ động”- ông Tấn nói.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ, một nghiên cứu mới đây trong trường ĐH, chỉ có 3 đến 5% sinh viên có thiên hướng khởi nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời đại chuyển dịch nhu cầu lao động, sinh viên cũng phải rèn luyện những tư duy mới, kỹ năng mới để không bị đào thải bởi robot, công nghệ 4.0.
Đó là tư duy về đổi mới sáng tạo, các kỹ năng mềm, làm việc nhóm, kỹ năng về STEM,…
“Đây là những kỹ năng để các bạn sinh viên có thể làm tốt hơn công việc của mình sau khi ra trường. Với những sinh viên có thiên hướng khởi nghiệp, những kỹ năng nghề nghiệp mới giúp các bạn khám phá, trải nghiệm khả năng của bản thân trong môi trường đầy năng động và nhiệt huyết của việc khởi nghiệp”- ông Thi nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay Chính phủ cũng như nhiều bộ ngành đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
“Vì vậy, các bạn trẻ chỉ cần hứng thú và nhận thức được mình có khả năng khởi nghiệp thì hãy mạnh dạn dấn thân. Mọi nguồn lực của nhà nước cũng như của cộng đồng luôn ở bên cạnh và hỗ trợ các bạn, miễn là các bạn có quyết tâm và đam mê”- bà Tâm chia sẻ.
Hãy chuẩn bị tâm thế để… thất bại
Chia sẻ về những câu chuyện thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã có chung nhận định, khởi nghiệp giúp họ khám phá ra nhiều thứ mới mẻ và thay đổi cuộc sống của mình.
Lê Hoàng Nhật, CEO startup Ami kể, bản thân đã khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM. Dự án đầu tiên của Nhật là phát triển một giải pháp chia sẻ bí quyết giải toán trên trang blog cá nhân của mình. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã thất bại. Nhật tiếp tục xây dựng một nền tảng chia sẻ các địa điểm vui chơi, giải trí, ăn uống. Dự án này sau đó cũng thất bại vì không cạnh tranh được với Foody.
“Từ những dự án thất bại, tôi nhận ra rằng, ngoài việc bị lép vế về công nghệ, nguyên nhân lớn hơn của những người mới khởi nghiệp như tôi là vấn đề quản trị. Đó là tôi chưa có kinh nghiệm quản lý dự án và đội ngũ của mình dẫn đến việc không có khách hàng mà tiền vốn không kiểm soát được”- Nhật nhớ lại.
Để giải quyết vấn đề đó, Nhật đã chạy xe từ trung tâm thành phố đến ĐH Quốc gia TP.HCM, tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng, quản trị cho startup. Tại đây, Nhật đã được các chuyên gia cố vấn, hướng dẫn về các kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, được kết nối trong môi trường khởi nghiệp với nhiều người có đam mê như mình.
“Những trải nghiệm đó giúp tôi cứng cáp, trưởng thành hơn. Dù biết rằng, các dự án tiếp theo cũng có thể thất bại, nhưng quan trọng là mình đã có sự chuẩn bị cho thất bại đó. Thất bại nhiều giúp cho tôi có kỹ năng sinh tồn lớn hơn”- Nhật nói.
Phạm Tấn Phúc, đồng sáng lập dự án Gcall (tổng đài ảo) cũng nói rằng, khi đã chọn khởi nghiệp phải có những bước chuẩn bị cho thất bại. Người khởi nghiệp thì tầm nhìn ước mơ phải lớn, nhưng khi thực thi phải làm những việc nhỏ. Phúc cùng các đồng sự đã nhiều lần thất bại với những dự án về game, sàn giao dịch việc làm trực tuyến…
Phúc nói rằng, suy nghĩ thực tiễn là việc mà mỗi người khởi nghiệp phải làm. Khi tìm ra một giải pháp mới, cần phải xây dựng một sản phẩm mẫu và liên tục thay đổi để phù hợp với nhu cầu và kiểm tra thị trường. Việc phát triển các sản phẩm mẫu cũng là cách để dự án có thêm nguồn thu và có nguồn kinh phí để vận hành doanh nghiệp.
“Hãy coi thất bại là trải nghiệm để có những kế hoạch chuẩn bị cho nó. Thất bại sẽ cho chúng ta bài học để sửa sai và cần phải chuẩn bị năng lượng cho sự dấn thân mới trên hành trình khởi nghiệp của mình”- Phúc tâm niệm.