Thảo Organic khởi nghiệp: Nhiều lúc tưởng chết rồi, đi ra ngoài không muốn quay về nhà
Ý tưởng khởi nghiệp nảy sinh trong thời gian... mang bầu, chị Phạm Phương Thảo trải qua nhiều khó khăn để thành lập được chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên khó khăn vẫn chưa hết...
Chị Phạm Phương Thảo, thường được gọi là Thảo “ogarnic”, chủ một chuỗi 5 cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ tại ba thành phố lớn ở Việt Nam. Trang trại của chị đạt các chuẩn về rau hữu cơ có thể xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu nhưng chị cho biết vẫn kiên định tập trung chính vào việc phục vụ khách hàng trong nước, để người Việt có thực phẩm hữu cơ ăn hàng ngày.
“Cho đến sáng nay trên đường đi làm, đọc báo cáo doanh thu vẫn căng thẳng, vẫn không biết mình có làm đúng không. Mình có nên đóng bớt cửa hàng để tập trung dịch vụ khách hàng hay không”, chị Thảo nói tại Tọa đàm "Khởi nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao: Để không bị bỏ lại phía sau" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 7/9.
“Tháng 10/2015 trang trại đạt được chứng nhận đạt chuẩn nhưng hồi tháng 8 tưởng chết rồi, đi ra ngoài không muốn về nhà nữa”, chị Thảo xúc động.
“Bây giờ có 5 cửa hàng, hơn ba chục nhân viên, nhập thêm hàng hoá cho đủ sản phẩm, gia vị lại nảy sinh chuyện nhập khẩu, phân phối, rồi quản lý con người. Nhiều thách thức còn lớn hơn khi mới khởi nghiệp nữa. Chuyện quản lý nhân sự thôi nhiều lúc nản muốn bỏ cuộc”, nữ giám đốc bày tỏ.
Ý tưởng khởi nghiệp đến với Phạm Phương Thảo ở giai đoạn chị… có bầu. Chị nói trong giai đoạn này, cả nhà cùng tìm nguồn thực phẩm sạch để an toàn cho thai nhi, tuy nhiên đi tìm tất cả các nguồn thì lượng rau củ hữu cơ (organic) rất ít, chủ yếu các loại xà lách, cà chua,... vốn giành cho khách hàng nước ngoài ở Việt Nam. Trong khi đó, rau muống, mồng tơi,... được nhiều người Việt thích ăn lại không có. Thế là chị nung nấu ý định tìm nguồn sản phẩm hữu cơ phục vụ cho người Việt, đây chính là tôn chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động của chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ Organica.
Năm 2013, chị Thảo mở cửa hàng Organica đầu tiên. Chị thuyết phục nông dân trồng rau hữu cơ, không bón phân. Tuy vậy nguồn hàng vẫn không đủ, chưa kể nhiều khách mua hàng đòi các loại chứng nhận thực phẩm hữu cơ các loại,...
Để có thêm nguồn hàng và hiểu rõ những khó khăn của nông dân, chị Thảo quyết định… bán nhà, dùng tiền đầu tư trang trại. Không hề có kinh nghiệm gì về nông nghiệp, đứng trước mảnh đất trống đầy cỏ, chị Thảo chết lặng vì không biết bắt đầu từ đâu, thế là thuê công ty tư vấn. Những ngày làm trang trại thực phẩm hữu cơ của chị Thảo bắt đầu như thế.
“Làm nông nghiệp nên phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và vụ mùa, như mùa mưa này cũng ảnh hưởng không ít”, chị Thảo tâm sự.
Sau khi có trang trại và nguồn hàng từ nông dân, thấy cửa hàng còn thiếu gia vị và các loại thực phẩm đặc trưng khác, chị Thảo quyết định phải có thêm yến mạch, dầu oliu,... nên buộc phải nhập từ nước ngoài.
“Từ câu chuyện trang trại, Organica lại chuyển sang chuyện nhập khẩu, phân phối. Có sản phẩm, có cửa hàng rồi lại phải nghĩ sao để dịch vụ khách hàng cho tốt, làm sao để tất cả các cửa hàng đều đồng nhất một chuẩn chăm sóc khách hàng… Có thể nói chúng tôi đang đối mặt với các thử thách khác nữa có thể lớn hơn cả câu chuyện làm trang trại…”, chị Thảo tiếp tục phần trao đổi cùng với những khách mời trong hội thảo.
Chị Thảo cho biết hiện nay vẫn đang trong quá trình nâng cao nhận thức của người dùng về các loại thực phẩm hữu cơ, cố gắng biến việc tiêu thụ các sản phẩm này thành phong cách sống.
Cùng trao đổi tại sự kiện này có những khách mời là nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn, người làm bán hàng-tiếp thị.
Nhận xét về trường hợp của chị Thảo, anh Trần Bằng Việt - cựu CEO Mai Linh Taxi, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp - cho rằng chị Thảo đã vượt qua được một cột mốc quan trọng trong khởi nghiệp, đó là từ quản lý nhân viên chuyển sang quản lý hệ thống. Giai đoạn này người lãnh đạo bước sang giai đoạn quản lý chuỗi cung ứng, hình thành quy trình quy chuẩn quản lý chuỗi để bộ máy vẫn vận hành khi không có mình ở đó.
Giai đoạn này khá khó khăn, vì trước đây chị Thảo một mình quyết định, sai sót do mình chịu. Hiện nay, một khi đã giao quyền, chi phí quản lý sẽ tăng lên, rủi ro cũng tăng, và những sai sót do nhân viên gây ra sẽ khiến người sáng lập khó chấp nhận. Tuy nhiên giao việc và vận hành hệ thống là bắt buộc để mở rộng quy mô kinh doanh.
“Bây giờ chị Thảo có thể sẽ phải tìm những người cộng sự, những người góp vốn, từ đó nảy sinh chuyện tôi/chúng ta, chuyện chung/riêng, công ty vốn là của mình giờ có thể phải chia sẻ như của chung. Việc này rất khó chấp nhận, chỉ cần 1 giây để quyết định nhưng chắc chắn mất vài ba năm cân nhắc”, anh Việt giải thích.
Câu chuyện của chị Phạm Phương Thảo nhận được sự đồng cảm của nhiều người tham dự trong khán phòng. Anh Hoàng Minh Ngọc Hải, CEO VCHub, cho rằng câu chuyện này rất truyền cảm hứng, tuy vậy nếu chị Thảo hiện nay khởi nghiệp sang lĩnh vực khác thì mọi thứ chắc chắn không khó khăn như thế.
Anh Hải cho rằng, việc khởi nghiệp giai đoạn của chị Thảo hay cách đây vài năm sẽ có những khó khăn nhất định, tuy nhiên thời điểm này khi khởi nghiệp các bạn trẻ nên nhìn ngó chung quanh để tìm kiếm trợ giúp. Vì hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp khá đầy đủ, nhiều quỹ đầu tư, nhiều nhà tư vấn, các vườn ươm, mentor có rất nhiều nên người khởi nghiệp có điều kiện tiếp cận, học hỏi, tránh những sai lầm hay khó khăn không cần thiết.
Thậm chí, anh Hải nói, chị Thảo hiện nay chính là một chuyên gia có thể đỡ đầu, hỗ trợ các startup trong lĩnh vực nông nghiệp để những khó khăn có thể được hạn chế thấp nhất.
Trong sự kiện này, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn thành lập Câu lạc bộ Hỗ trợ Khởi nghiệp với nhiều chuyên gia các lĩnh vực khác nhau trong ban chủ nhiệm. Câu lạc bộ sẽ hợp tác cùng nhiều vườn ươm, làm việc với các tổ chức để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.