Sếp quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital nói về những hiểu lầm của giới startup
Nhiều startup Việt cho rằng, doanh nghiệp của họ luôn bị định giá thấp hơn so với khu vực nhưng Phó Giám đốc điều hành Đầu tư mạo hiểm của VinaCapital lại có cách giải thích khác.
VinaCapital là một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản hơn 2 tỷ USD. Các quỹ đầu tư của VinaCapital hoạt động trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản, tài chính với những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp lớn.
Vài năm gần đây, VinaCapial đầu tư nhiều hơn vào các công ty quy mô nhỏ với giá trị các khoản đầu tư thấp hơn. Riêng trong lĩnh vực khởi nghiệp, VinaCapital mới mở thêm một quỹ quy mô 100 triệu USD, VinaCapital Ventures.
Tại sự kiện Tech Summit 2018 do báo Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức mới đây, Phó Giám đốc điều hành Đầu tư mạo hiểm của VinaCapital, ông Hoàng Đức Trung đã có những chia sẻ về hoạt động đầu tư của quỹ này.
Startup Việt Nam khó gọi vốn hơn các nước trong khu vực
Đại diện một startup trong sự kiện cho rằng, dường như startup Việt Nam đang gặp rất nhiều thiệt thòi cho với startup ở các nước trong khu vực.
Ở Singapore, việc kêu gọi đầu tư khoảng 50.000 USD rất dễ dàng. Ở mức gọi vốn này, các startup không bị đặt quá nhiều cầu hỏi như ở Việt Nam. Trong khi đó, các quỹ đầu tư ở Việt Nam thường định giá doanh nghiệp rất thấp, so với các startup các nước trong khu vực. Chính điều đó gây thiệt thòi và khiến nhiều startup rất e ngại khi nghĩ đến chuyện gọi vốn.
Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, dường như có sự hiểu lầm đâu đây và các startup Việt đang đánh giá mình quá cao. “Đúng là ở Việt Nam gọi vốn khó hơn Singapore, nhưng vấn đề định giá không thế. Sau 15 năm làm đầu tư ở Việt Nam, tôi cho rằng định giá cao hay thấp tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Hôm nay tôi bán một căn nhà 50 cây vàng, có người nói mắc; nhưng ngày mai, tôi bán ngôi nhà đó 100 cây vàng, có người nói rẻ. Đầu tư cũng giống như vậy”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, chuyện định giá một công ty startup phụ thuộc nhiều vào mắt nhìn của nhà đầu tư. Cùng một công ty, cùng một mức giá, nhưng sẽ có nhà đầu tư cho rằng định giá cao, nhưng cũng có nhà đầu tư nghĩ là thấp. Nhưng nhìn chung, các công ty ở Việt Nam định giá không hề rẻ hơn các công ty ở Đông Nam Á.
Nếu các startup Việt vẫn cứ nghĩ đang bán rẻ mình, thì họ nên xem lại, bởi Việt Nam chưa có công ty kỳ lân (unicorn – công ty 1 tỷ USD), trong khi các nước trong khu vực như Phillipines, Indonesia, Malaysia hay Singapore đều đã có, ông Trung kết luận.
Định giá startup sẽ chính xác hơn trong tương lai
“Cách đây 10 năm, khi tôi đi huy động vốn về đầu tư startup công nghê ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã hỏi tôi: Việt Nam ở đâu? Việt Nam thật sự có ngành công nghệ để đầu tư? Lúc đó, chúng ta không có bất cứ hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh nào, cũng không có nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp. Bản thân các startup lúc đấy thường chỉ là những người làm đơn thuần về kỹ thuật. Họ đưa một mô hình đã thành công ở nước ngoài về thực hiện ở Việt Nam và mong nó sẽ thành công”, ông Trung nói với các khác mời tại sự kiện.
Bây giờ, môi trường startup ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Việt Nam đã có rất nhiều trung tâm, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Các startup có thể nhận tiền đầu tư từ quỹ đầu tư nhà nước, các công ty lớn hoặc quỹ chuyên nghiệp. Thậm chí, nhiều quỹ còn tìm kiếm ý tưởng đầu tư từ các trường đại học, ví dụ như quỹ của Yeah1 Network – AppWorld.
Làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài năm gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và việc gọi vốn của các startup có phần dễ hơn. Trong tương lai, định giá của các công ty startup trong nước sẽ chính xác hơn khi có nhiều trường hợp tương tự trước đó để so sánh.
Quỹ đầu tư không chỉ đầu tư tài chính cho các startup
Đại diện một startup cho rằng việc ngày càng có nhiều quỹ ngoại có mặt ở Việt Nam sẽ tạo ra sự cạnh tranh với VinaCapital trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Tuy vậy ông Trung nói: Chúng tôi thấy rất vui mừng vì điều đó. Vì khi các quỹ đầu tư vào Việt Nam, họ không chỉ mang theo tiền mà còn mang theo các mối quan hệ, các nhà quản lý cao cấp - mentor vô cùng hữu ích cho giới startup.
“Trước đây, khi đề nghị cùng đầu tư vào thị trường Việt Nam, câu hỏi mà chúng tôi thường nhận được là: họ sẽ thoát ra như thế nào. Lúc đó, VinaCapital thường không tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Bây giờ, khi nhiều quỹ đầu tư vào Việt Nam, khả năng thoái vốn của các nhà đầu tư sẽ dễ hơn rất nhiều”, ông Trung chia sẻ
Ông Trung nói thêm rằng, hệ thống mentor có vai rò quan trọng trong thành công của các startup và nhiều mentor giỏi thường đến từ giới quản lý ở các quỹ đầu tư.
Các nhà quản lý quỹ thường là những người đã đầu tư vào nhiều công ty ở quốc gia khác nhau. Họ đã chứng kiến nhiều mô hình thành công, hay thất bại khác nhau. Do đó khi đầu tư vào một startup, ngoài nguồn tài chính, các mentor còn cung cấp những kinh nghiệm đã từng thấy ở các thương vụ trước đó cho các founder.
Trong tương lai, khi muốn mở rộng công ty lên quy mô lớn hơn, các startup cũng phải dựa vào những mối quan hệ với các quỹ đầu tư và các đối tác của quỹ. Ông Trung cho biết, nhờ mối quan hệ tốt giữa VinaCapital và quỹ đầu tư Draper Fisher Jurvetson (DFJV là quỹ hợp tác giữa hai bên), thương vụ IPO của Yeah1 Network mới đây đã thành công.
VinaCapital đã thành lập thêm một quỹ đầu tư mạo hiểm mang tên VinaCapital Ventures chuyên giành cho giới startup với quy mô vốn 100 triệu USD.
Quỹ đầu tư này này có đặc điểm sẽ không bao giờ đóng hoặc thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam, tiêu chí đầu tư là sẽ đầu tư vào những dự án tác động tích cực vào nền kinh tế Việt Nam và giới công nghệ, đầu tư sẽ xoay quanh các công nghệ về trí thông minh nhân tạo - blockchain – nội dung số.
Sau khi ra mắt, VinaCapital Ventures quyết định đầu tư 1,75 triệu USD vào Logivan (ứng dụng trong lĩnh vực logistics) và 3 triệu USD vào Fastgo (ứng dụng gọi xe). Ngoài ra quỹ cũng đồng sáng lập chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp mang tên Zone Startups Việt Nam.