Trung tâm khởi nghiệp Panasonic: Nơi thúc đẩy tinh thần sáng tạo và đổi mới

Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei 23/10/2018 04:28

Tập đoàn trăm tuổi của Nhật hi vọng những ý tưởng của người trẻ sẽ trở thành yếu tố thúc đẩy tinh thần đổi mới của họ.

Doanh nhân trẻ Yuzo Hoshino đã sử dụng không gian làm việc chung của Panasonic để điều hành một startup bán đồ lót truyền thống của Nhật Bản.

Doanh nhân trẻ Yuzo Hoshino đã sử dụng không gian làm việc chung của Panasonic để điều hành một startup bán đồ lót truyền thống của Nhật Bản.

Khi nhắc đến Panasonic, có lẽ không ai nghĩ đến đồ lót kiểu cũ và biến côn trùng thành thức ăn cho cá nhưng trên thực tế, đây lại là những ý tưởng đang được phát triển tại 100BANCH, một không gian làm việc chung do nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới thành lập.

Ngoài việc bồi dưỡng thế hệ doanh nhân mới, dự án này còn nhằm mục đích khơi dậy niềm đam mê đổi mới trong công ty khi họ đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập.

"Vườn ươm ý tưởng" của Panasonic nằm trong một nhà kho ba tầng đã được tân trang lại chỉ cách Ga Shibuya vài phút đi bộ, tại trung tâm của một trong những quận sầm uất nhất ở Tokyo. Các giám đốc điều hành và cả Chủ tịch Panasonic, ông Kazuhiro Tsuga đã đến thăm 100BANCH từ khi mới thành lập.

100BANCH nằm trên một quán cafe ở tầng một và là một không gian mở lớn nơi những bức tường chỉ trát bê tông chứ không sơn màu mè. Khi bước vào trong, bạn sẽ thấy một cái lều bên trong có những hộp nhựa đựng dế. Ecologgie là dự án tìm cách nuôi côn trùng giàu protein chất lượng cao để sản xuất thức ăn cho cá thương phẩm.

Nếu thành công trong việc nhân giống trên quy mô đủ lớn và phát triển cách sử dụng chúng làm thức ăn nuôi trồng thuỷ sản, Ecologgie hi vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu trong tương lai.

Yuzo Hoshino, một Giám đốc điều hành trẻ của một công ty khác đang cùng sử dụng tòa nhà lại theo đuổi một giấc mơ hoàn toàn khác. Anh thành lập Fundoshibu vào năm 2016 với mục tiêu đưa những chiếc khố Nhật Bản truyền thống ra thế giới.

Ecologgie đang phát triển công nghệ để nuôi dế để sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản.

Ecologgie đang phát triển công nghệ để nuôi dế để sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản.

Hoshino học ngành may mặc tại Đại học Tokyo và anh đã được truyền cảm hứng từ sự thoải mái của fundoshi (khố Nhật) – một loại quần lót truyền thống của Nhật Bản dành cho nam giới được làm từ một miếng vải dài và có dây ở hai bên để buộc quanh eo.

Gần đây, công ty của Hoshino đã mở một cửa hàng trực tuyến bán khố Nhật với thiết kế cải tiến và nhiều màu sắc. Dự đoán công ty này sẽ sớm đem lại lợi nhuận trong tương lai.

Ngoài Ecologgie và Fundoshibu, một công ty trẻ khác cũng đang sử dụng không gian của 100BANCH là Shiitake Matsuri, nơi chuyên bán nước uống đậm đặc từ nấm shiitake và bộ dụng cụ để trồng loại nấm này tại nhà. Sản phẩm của họ hoàn toàn không có thành phần có nguồn gốc từ động vật nên rất phù hợp với người ăn chay.

Tháng 7/2017, Panasonic ra mắt 100BANCH với sự hợp tác của nhà phát triển web Loftwork và nhà điều hành nhà hàng Cafe Company. Họ quảng cáo chương trình thông qua truyền thông xã hội.

Nhà sáng lập Panasonic, ông Konosuke Matsushita thành lập công ty dựa trên những ý tưởng mạo hiểm.

Nhà sáng lập Panasonic, ông Konosuke Matsushita thành lập công ty dựa trên những ý tưởng mạo hiểm.

Để sử dụng không gian của 100BANCH, các doanh nhân phải từ 34 tuổi trở xuống và ý tưởng của họ phải được đánh giá bởi một nhóm gồm các nhà nghiên cứu và blogger nổi tiếng. Cho đến nay, khoảng 70 dự án và các công ty khởi nghiệp đã tham gia vào 100BANCH.

Nhân viên của Panasonic còn có thể dùng không gian làm việc để thảo luận về các dự án của riêng họ cũng như trao đổi ý kiến về lĩnh vực kinh doanh và công nghệ.

Shiitake Matsuri sản xuất nước dùng thuần chay và bộ dụng cụ trồng cây tại nhà giúp mọi người tự trồng nấm.

Shiitake Matsuri sản xuất nước dùng thuần chay và bộ dụng cụ trồng cây tại nhà giúp mọi người tự trồng nấm.

Được biết, những ý tưởng tại 100BANCH rất đa dạng, thú vị và thậm chí là kỳ quặc. Đa số đều không thuộc những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Panasonic.

Nhà tổ chức Rie Noritake của 100BANCH cho biết nhiều dự án sẽ khó thành công nhưng điều đó không khiến họ trở nên kém quan trọng. Ví dụ điển hình là việc người sáng lập Panasonic Konosuke Matsushita quyết định thành lập công ty dựa trên những ý tưởng liều lĩnh của mình vào thời điểm đó.

Một mục tiêu khác của 100BANCH là cải thiện hình ảnh của Panasonic. Theo một nhà cung cấp thông tin việc làm, Panasonic là một trong năm sự lựa chọn phổ biến của các nam sinh viên khoa học và công nghệ sẽ tốt nghiệp trong năm 2019.

Hơn nữa, theo Noritake, công ty hi vọng nhân viên của mình có thể lấy cảm hứng từ việc trở thành những doanh nhân trẻ. Panasonic đã mở một trung tâm nghiêc cứu và phát triển ở Thung lũng Silicon đồng thời mua một số công ty khởi nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, có lẽ điều khiến 100BANCH trở nên khác biệt chính là tập trung vào niềm đam mê, sáng tạo mà không quá đặt nặng kết quả.

Tựa bài do enternews đặt

Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei