Tại sao các startup y tế liên tục thất bại

Theo Fastcompany 26/10/2018 04:16

Lý do đơn giản khiến các startup y tế thất bải bởi chiến lược startup trong công nghệ không thể áp dụng được trong y tế.

Mười năm trước, thế giới chứng kiến một làn sóng các công ty startup tấn công vào y tế. Họ hứa hẹn dùng công nghệ theo dõi dữ liệu về việc ăn uống, giấc ngủ, tập thể dục và các thói quen để cải thiện sức khoẻ của mọi người.

Một trong số đó, Zeo, đã kêu gọi được các nhà đầu tư chi hơn 30 triệu USD làm một loại khăn buộc đầu cùng ứng dụng đi kèm để theo dõi giấc ngủ. Mặc dù được nhiều người ủng hộ, Zeo vẫn lặng lẽ “rút lui” vài năm sau đó.

Zeo chỉ là một trong nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế không thể đạt được mục tiêu của mình. Tiền đầu tư liên tục được rót vào – đạt mức 12 tỷ USD vào năm 2017 – nhưng rất ít công ty có thể tận dụng nguồn vốn đó để cung cấp các sản phẩm công nghệ thực sự hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe. Tại sao lại như vậy?

Lý do đơn giản: bởi vì chiến lược startup trong công nghệ không thể áp dụng được trong y tế.

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thường nhanh chóng thúc đẩy để có được một sản phẩm khả dụng tối thiểu cho thị trường, sau đó liên tục cải thiện sản phẩm dựa trên phản ứng của người dùng.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư từ thế giới công nghệ nghĩ rằng họ có thể áp dụng phương pháp này vào y tế. Rất tiếc, đây lại là một ngành phức tạp hơn nhiều với những luật lệ riêng biệt.

Các sản phẩm y tế cần thu hút không chỉ người tiêu dùng cá nhân mà còn cả với các bên liên quan – từ bác sĩ và bệnh nhân đến các nhà quản lý và bảo hiểm. Các sản phẩm, đặc biệt là những thiết bị được coi là thiết bị y tế, có thể mất nhiều năm trải qua các vòng kiểm tra phức tạp trước khi có thể ra thị trường, và việc cập nhật liên tục sản phẩm có thể không dễ dàng như trước.

Trong ngành y tế, mô hình phát triển nhanh chóng như đã thấy với các sản phẩm công nghệ có thể không còn tính khả thi. Ví dụ, nhiều người sáng lập đến từ thế giới công nghệ đang tập trung xây dựng và tiếp thị sản phẩm cho người tiêu dùng. Phải đến khi phát triển công ty được một thời gian, họ mới nhận ra rằng chính các bác sĩ và công ty bảo hiểm mới thực sự là những nhóm khách hàng họ nên tiếp cận đầu tiên.

Đây là lý do tại sao 61% các công ty y tế kỹ thuật số bắt đầu bằng chiến lược B2C lại chuyển sang B2B và bán cho các công ty bảo hiểm, nhà tuyển dụng, bệnh viện hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.

Các công ty cũng có thể tiếp cận thị trường bằng cách cải tiến sản phẩm theo nhu cầu. Thay vì phát minh ra công nghệ mới, hãy bắt đầu bằng việc hiểu sâu sắc một vấn đề quan trọng đang tồn tại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Sau khi xác định nhu cầu, các công ty cần đi sâu để hiểu rõ vấn đề, giải pháp hiện có cũng như nhu cầu và quan điểm của tất cả các bên liên quan.

Các hoạt động mà startup có thể làm bao gồm nghiên cứu chuyên sâu, phỏng vấn bác sĩ, bệnh nhân và các bên liên quan; cũng như quan sát trực tiếp để xem cộng đồng đang giải quyết vấn đề như thế nào.

Arlen Myers, chủ tịch của Hiệp hội Doanh nhân Bác sĩ, nhấn mạnh rằng nhiều công ty khởi nghiệp trong ngành y tế thất bại vì họ “không thỏa mãn nhu cầu của các bên liên quan, luôn tạo ra các sản phẩm can thiệp vào quy trình làm việc của bác sĩ thay vì hỗ trợ họ, hoặc phát triển sản phẩm chưa được xác nhận về mặt lâm sàng.”

Một ví dụ thành công là Zio Patch, một sản phẩm theo dõi nhịp tim có thể đeo được. Cũng như Zeo, sản phẩm sử dụng cảm biến để thu thập dữ liệu về những rối loạn trong nhịp tim.

Trước khi Zio Patch ra đời, để theo dõi nhịp tim một cách chuẩn xác, các bác sĩ phải dựa vào màn hình Holter, một thiết bị ghi di động có nhiều dây và điện cực gắn vào da. Đây là một thiết bị cồng kềnh, không thể sử dụng khi đang làm việc khác, và rất dễ bỏ qua các rối loạn phức tạp.

Qua quan sát nhiều nhóm bệnh nhân, nhóm nghiên cứu của Zio thấy rằng công nghệ hiện tại có quá nhiều vấn đề đến mức không thể chẩn đoán chính xác qua nhiều lần khám. 

Từ đây, họ xác định giải pháp của mình phải là một thiết bị có chi phí thấp, có độ chính xác cao, dễ sử dụng và có thể giám sát hay hoạt động trong một khoảng thời gian dài. Và Zio Patch ra đời: một miếng dán nhỏ, linh hoạt, chống nước có thể ghi lại nhịp tim liên tục trong tối đa hai tuần. Giải pháp này đơn giản đến mức có thể cung cấp cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận ra rằng sản phẩm cũng phải dễ sử dụng đối với các nhóm khách hàng liên quan khác. Các bác sĩ có thể dễ dàng phân tích thông tin từ máy và áp dụng trong điều trị, trong khi các công ty bảo hiểm cũng dễ dàng có được các kết quả lâm sàng quan trọng từ máy.

Bằng cách tiến hành 18 nghiên cứu lâm sàng trên Zio Patch và xuất bản các kết quả trên nhiều tạp chí uy tín, họ đã chứng minh được độ chính xác và khả năng của mình.

Kết quả là, họ đã thuyết phục các công ty bảo hiểm cung cấp bồi hoàn cho Zio Patch, một mốc quan trọng trong việc áp dụng một công nghệ y tế mới. Tính đến năm 2017, Zio Patch đã huy động được hơn 230 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm 110 triệu USD trước khi chào bán lần đầu vào tháng 10 năm 2016. Năm nay, công ty dự kiến doanh thu khoảng 140 triệu USD.

Kể câu chuyện của Zio Patch để thấy rằng, khi các công ty bắt đầu với sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu, họ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của mình. Đã đến lúc gạt bỏ tư duy chiến lược cũ, và tạo ra sự thay đổi trong chính mình trước khi mang lại sự thay đổi cho cộng đồng.

Theo Fastcompany