Startup muốn xuất ngoại trước tiên phải trụ vững tại sân nhà

Theo Vnexpress 27/10/2018 03:36

Khi đã đạt được tăng trưởng lợi nhuận, mô hình kinh doanh có tiềm năng mở rộng với một lộ trình phù hợp thì startup mới có thể tính đến chuyện mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Startup Việt Nam tìm đường vươn ra thế giới

Tham gia sự kiện Starup Việt 2018 có các chuyên gia đến từ vườn ươm khởi nghiệp trong nước, quốc tế và các doanh nhân startup đã thành công trên cả sân nhà lẫn thị trường ngoại.

Tại sự kiện, các chuyên gia nhấn mạnh, nếu có tham vọng chinh phục sân chơi toàn cầu, các startup cần xem xét rất nhiều vấn đề. Theo bà Priscilla Han - Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Reapra (trụ sở Singapore), có 4 yếu tố quan trọng các nhà sáng lập cần hiểu rõ.

Trước hết, startup tìm ra vấn đề cần giải quyết trong xã hội và phải có một hoặc nhiều giải pháp cho vấn đề đó. Giải pháp này cần sát sườn thực tế, mang ý nghĩa thiết thực. Một vấn đề có thể giải quyết bằng nhiều cách. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, không nên xem sản phẩm đầu tiên của startup là sản phẩm duy nhất và tốt nhất.

Bà Priscilla Han - Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Reapra chia sẻ những yếu tố quan trọng startup cần xem xét nếu muốn

Bà Priscilla Han - Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Reapra chia sẻ những yếu tố quan trọng startup cần xem xét nếu muốn "Go Global" trước 10 đội vào vòng trong của chương trình Startup Việt 2018. Ảnh: Hữu Khoa.

Thứ hai, trước khi nghĩ đến chuyện khai thác thị trường ngoại, doanh nghiệp bắt buộc phải chiến thắng ở sân nhà.

"Một startup chưa chinh phục được chính thị trường quen thuộc nhất, dễ khai thác nhất thì đừng mơ đến chuyện chiến thắng ở các thị trường khác", bà Han nhấn mạnh.

Đại diện quỹ đầu tư có 60 công ty thành viên tại nhiều quốc gia phân tích, để tạo ra chiến thắng, startup cần bắt đầu bằng mô hình nhỏ, từ đó tăng quy mô và khẳng định độ chín chắn của doanh nghiệp bằng số liệu doanh thu, lợi nhuận cụ thể và một quy trình hoạt động chính xác, hoàn chỉnh.

Chuyên gia đến từ Singapore cũng trấn an các startup đừng quá lo lắng nếu mô hình ban đầu nhỏ bởi càng nhỏ thì khả năng đạt những thành tựu ban đầu càng cao.

"Thành công của startup tại một thị trường không chỉ đo đếm bằng tăng trưởng người dùng mà phải thể hiện rõ bằng lợi nhuận, thậm chí phải là một mức lợi nhuận khủng, tăng nhanh, thì mới có thể xuất ngoại", bà Han nói.

Yếu tố tiếp theo bà Han khuyên startup đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Việc phát triển với quy mô rộng lớn cần có đội ngũ đủ lớn và những đối tác đủ mạnh cùng đồng hành. Do đó startup đừng ngại lắng nghe phản hồi và tìm kiếm sự chia sẻ từ nhân viên, đội ngũ, khách hàng, nhà cung cấp, doanh nhân đàn anh hoặc từ chính các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Việt Đức - CEO Innovation Capital Management cho rằng startup không nên vì quy mô nhỏ mà ngại chia sẻ, cần có cái nhìn cởi mở để có giải pháp khắc phục điểm yếu trong giai đoạn khởi đầu. Ảnh: Hữu Khoa.

Ông Nguyễn Việt Đức - CEO Innovation Capital Management cho rằng startup không nên vì quy mô nhỏ mà ngại chia sẻ, cần có cái nhìn cởi mở để có giải pháp khắc phục điểm yếu trong giai đoạn khởi đầu. Ảnh: Hữu Khoa.

Đồng tình với đại diện Reapra, ông Nguyễn Việt Đức - CEO Innovation Capital Management cho rằng nhiều startup Việt còn e ngại việc chia sẻ về khó khăn, điểm yếu và những thông tin liên quan đến sức khỏe doanh nghiệp.

"Những tính năng vượt trội của sản phẩm không quan trọng bằng việc các bạn cần phải có một đội ngũ hoàn chỉnh và đối tác đủ lớn mạnh để giúp các bạn khai thác các thị trường không quen thuộc", huấn luyện viên của chương trình Startup Việt 2018 cho biết.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường cần được đầu tư nghiêm túc về thời gian, công sức và tiền bạc. Các yếu tố quan trọng startup cần biết về một thị trường là nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng sở tại, hệ thống pháp lý, khung thuế quan, đối thủ...

Còn ông Phạm Bảo Long - quản lý chương trình của Viisa, nhìn nhận mỗi quốc gia đều có văn hóa, ngôn ngữ, đặc thù thói quen, lối sống, nhu cầu khác nhau. Ví dụ tại Thái Lan, người dân tôn kính hoàng gia, còn tại Indonesia - một quốc gia Hồi giáo, có nhiều điều cần kiêng kỵ.

"Startup cần tìm hiểu tất cả các yếu tố này, kể cả những chi tiết nhỏ nhất để biết càng nhiều về thị trường mục tiêu càng tốt", ông Long khẳng định.

Ông Phạm Bảo Long, quản lý chương trình của Viisa. Ảnh: Hữu Khoa.

Từ phía doanh nhân đã thành công ở nhiều thị trường, ông Lâm Trần - đồng sáng lập kiêm CEO WisePass thừa nhận khi gia nhập thị trường Thái Lan, Philippines... ông gặp khó khi trình bày cho đối tác địa phương hiểu WisePass là gì, hoạt động như thế nào, làm sao để có lợi nhuận.

"Ứng dụng di động kết nối người dùng với các quán ăn, nhà hàng thông qua gói thành viên là một mô hình mới, ít nhất là tại các thị trường tôi tham gia. Do đó tôi phải dành nhiều thời gian nghiên cứu các địa điểm quán ăn tại từng thành phố, liên hệ với các nhà hàng, đối tác... để thiết lập mạng lưới mới", ông Lâm Trần nói.

Ngoài ra, trên hành trình mở rộng hoạt động, startup cần hiểu rõ giới hạn của bản thân. "Không nên mở rộng quá nhanh. Mỗi thị trường đều có tính phức tạp riêng và các bạn cần dành thời gian kiên nhẫn tìm hiểu trước khi gia nhập. Các bạn phải chấp nhận lắng nghe phản hồi tiêu cực và biết rõ giới hạn, điểm yếu của bản thân", đại diện Reapra khuyến nghị.

Ông Phạm Bảo Long cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp cần lựa chọn thị trường phù hợp và giàu tiềm năng. Không phải thị trường nào tiềm năng với startup khác, lĩnh vực khác, cũng tốt đối với mô hình và sản phẩm của mình.

"Hãy xem xét và phân tích thị trường nào sẽ mang lại lợi nhuận, giá trị cao hơn chi phí mà chúng ta bỏ ra để khai thác", ông Long nói.

Sau khi cung cấp bức tranh tổng thể về lộ trình "Go Global", buổi đào tạo dành thời gian cho 10 đội vào top 25 chương trình Startup Việt 2018 trình bày mô hình kinh doanh và nhận lời khuyên từ chuyên gia. Nhiều nhà sáng lập tranh thủ đặt câu hỏi về việc làm thế nào để có đồng doanh thu đầu tiên ở thị trường ngoại, công tác tuyển dụng ra sao, tìm kiếm đối tác ở nước ngoài thế nào...

Anh Bùi Hải Nam - sáng lập kiêm CEO công ty Datamart Việt Nam cho biết với lời khuyên của các chuyên gia, anh đã có cái nhìn rõ hơn về kế hoạch xuất ngoại của doanh nghiệp.

"Tôi thấy vừa tự tin vừa thận trọng hơn, tự tin ở những khâu mình đã làm được và nhận ra những điểm yếu mình cần khắc phục", đại diện đội vào top 25 Startup Việt khẳng định.

Bùi Hải Nam từ đội Datamart Việt Nam muốn biết làm cách nào để tạo doanh thu bước đầu tại thị trường ngoại. Ảnh: Hữu Khoa.

SVF là quỹ xã hội hóa và phi lợi nhuận hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, tập trung lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó Viisa là quỹ chuyên đầu tư vào các startup ở giai đoạn ươm mầm, với mục tiêu rót 6 triệu USD xây dựng các công ty khởi nghiệp toàn cầu ở Việt Nam.

Theo Vnexpress