Thu 4 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi “thần dược” đông trùng hạ thảo
Hiện cơ sở Loan Nhẹ sản xuất nấm giống phân phối đi các tỉnh, Đà Lạt, Đắk Nông, T.P Hồ Chí Mình…, doanh thu mỗi năm không dưới 4 tỷ đồng.
Năm 2015 khi nhiều người còn chưa biết đến công năng của sản phẩm đông trùng hạ thảo, thì anh nông dân Nguyễn Hữu Nhẹ, trú tại tổ 24, phường Mường Thanh, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên “cả gan” bỏ hơn 3 tỷ đồng vốn liếng tích góp đầu tư cơ sở, thiết bị kỹ thuật nuôi “thần dược” đồng trùng hạ thảo mặc sự can ngăn của vợ và người thân.
Nhâm nhi chén nước chè, anh Nhẹ tâm sự cách anh học nuôi loại nấm mà mọi người bảo là “thần dược” này từ người thầy rất đặc biệt, đấy là thầy Dũng, con trai anh. Anh Nhẹ tâm sự: “Trước kia vợ chồng tôi vẫn nghĩ sẽ làm nghề bán thịt lợn và làm thịt khô lâu dài vì thu nhập rất khá. Cơ duyên đổi nghề mưu sinh nuôi đông trùng hạ thảo bắt đầu từ năm 2015. Sau khi con trai cả của gia đình tôi tên là Nguyễn Hữu Tuấn Dũng tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học - Đại học Đà Lạt và du học 1 năm bên Hàn Quốc về...".
Anh nhẹ kể, tại Hàn Quốc, con trai anh được học, nghiên cứu và từng sản xuất thành công loại nấm đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm. Trở về nhà, Dũng, xin vợ chồng anh mở cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. "Khi đó mẹ cháu kiên quyết phản đối, còn tôi bình tĩnh lắng nghe con trình bày, rồi lên mạng internet tìm hiểu về công năng, quy trình sản xuất loại nấm này xem nó như thế nào…Đắn đo suy nghĩ rồi tôi quyết định dồn hết số tiền tiết kiệm buôn bán bao năm của 2 vợ chồng, được trên 3 tỷ đồng ủng hộ ý tưởng và cùng cháu khởi nghiệp.”.
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Nhẹ phải mượn một phần đất của người anh trai xây dựng cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo, trong đó có các phòng: nghiên cứu, bảo quản giống, cấy vô trùng cấp 2, các thiết bị kỹ thuật đảm bảo.
“Năm đầu tiên, do Dũng là người nắm giữ kỹ thuật, quy trình sản xuất nên ra làm chính, còn tôi phụ nhập nguyên liệu, làm các khâu đơn giản và học hỏi dần từ cháu. Ngoài làm thử nghiệm ở nhà, cháu Dũng còn đưa tôi đi thăm quan, học tập trong nhiều phòng thí nghiệm nuôi đông trùng hạ thảo dưới Hà Nội, tiếp xúc với các giáo sư đầu ngành của Trung tâm nghiên cứu Bộ Quốc phòng…” ông Nhẹ cho biết.
Sau gần 2 tháng chăm chút, mẻ đông trùng hạ thảo thử nghiệm đầu tiên của 2 cha con anh Nhẹ ra lò và thành công ngoài mong đợi. Thời gian 3 năm liên tiếp, từ năm 2015 – 2017, cơ sở của anh Nhẹ làm cầm chừng, sản xuất thử nghiệm là chính và đây cũng là thời gian để Dũng chuyển giao công nghệ nuôi nấm đông trùng hạ thảo lại cho cho bố trước khi về làm việc và học tập ở T.P Hà Nội.
“Đầu năm 2018 vợ chồng tôi thuê thêm 2 kỹ thuật và 5 người làm để mở rộng sản xuất nấm đông trùng hạ thảo thương phẩm, bình quân mỗi tháng tôi sản xuất vài chục lứa nấm, bán trên 5.000 hộp và đạt doanh thu trên 400 triệu đồng.” anh Nhẹ cho biết.
Giờ đây mỗi khi nhắc đến tên Nguyễn Hữu Tuấn Dũng, ông Nhẹ rất tự hào và tâm đắc câu tục ngữ “con hơn cha là nhà có phúc”. Ông Nhẹ bộc bạch “Thời của mình thiệt thòi không được học hành đến nơi đến chốn, bọn trẻ bây giờ sáng dạ, có điều kiện ăn học tốt hơn, có kiến thức thì chuyện cha học con để làm kinh tế cũng là bình thường.
Làm “thần dược” kiểu “nghìn người có một”
Theo các nhà khoa học nghiên cứu, nấm đông trùng hạ thảo có 17 loại axít amin tốt cho sức khỏe con người, giúp bồi bổ cơ thể, khả năng ngừa ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa cơ thể; hỗ trợ chữa nhiều bệnh nan y, bệnh liên quan đến nội tiết cơ thể, đường sinh sản… Bởi vậy, không ngẫu nhiên nó được mệnh danh là “thần dược” và chỉ có những nhà giàu mới có điều kiện sử dụng.
Đến hiện tại, ở Điện Biên mới có duy nhất cơ sở Loan Nhẹ nuôi thành công nấm đông trùng hạ thảo. Ông Nhẹ cho biết: “Khí hậu Điện Biên rất phù hợp làm nấm này, nhất là vào mùa đông thời tiết lạnh, nhiệt độ từ dưới 18 độ C trở xuống là điều kiện lý tưởng nhất. Mặt khác, Điện Biên là vùng dễ tìm và phát triển nguyên liệu tự nhiên, sạch 100%, cho sản phẩm tốt và được thị trường ưa chuộng”.
Vốn là bệnh nhân có tiền sử và biến chứng tiểu đường hành hạ nhiều năm, khi biết đến công năng của nấm đông trùng hạ thảo, ông Phạm Văn Luyện, C17, Thanh Trường (T.P Điện Biên Phủ) đã tìm đến mua loại “thần dược” của cơ sở Loan Nhẹ về sử dụng đều đặn hơn 2 năm nay. Ông Luyện cho biết: “Tôi thường xuyên mua nấm đông trùng hạ thảo loại khô về hãm nước uống, vị thơm mát, dễ sử dụng. Từ ngày sử dụng thấy sức khỏe tốt lên, biến chứng mờ mắt thuyên giảm”.
Theo anh Nhẹ tiết lộ: “Trong khi nhiều cơ sở khác sản xuất nấm bằng cơ chất tổng hợp thì cơ sở chúng tôi chọn cách làm nấm bằng cơ chất tự nhiên. Sau khi nhập giống bao tử về chúng tôi làm môi trường nuôi đông trùng hạ thảo bằng hỗn hợp khoai tây, nước dừa đun để lắng. Chuẩn bị giá thể cho vào lọ thủy tinh vô trùng gồm: gạo lứt, nước tằm xay, nước cốt dừa; sau đó đưa nước môi trường vào và bọc kín miệng lọ để nuôi trong phòng thí nghiệm…”
Theo anh Nhẹ, “Học quy trình nuôi nấm không khó, cơ bản là phải cần cù chịu khó, còn để thành công sản xuất nấm thương phẩm thì không phải ai cũng học được. Hiện nay, ngoài bán các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khô, tươi, nấm mật ong, nấm ngâm rượu, cơ sở Loan Nhẹ còn sản xuất nấm giống phân phối đi các tỉnh, Đà Lạt, Đắk Nông, T.P Hồ Chí Mình…, doanh thu mỗi năm không dưới 4 tỷ đồng. Với bất kỳ ai muốn học hỏi kinh nghiệm, quy trình nuôi nấm đông trùng hạ thảo ông Nhẹ đều sắn lòng chia sẻ và tạo điều kiện học tập, thực hành ngay tại cơ sở sản xuất