Ông Trương Gia Bình: 'Startup đừng quá tham lam khi bắt đầu dự án'
Giám khảo Startup Việt 2018 đưa lời khuyên sau phần trình bày của đại diện dự án hệ sinh thái kết nối điểm bán và người tiêu dùng GầnNhà.com.
Không mất quá nhiều thời gian trình bày về dự án, anh Nguyễn Trung Khánh - sáng lập kiêm Giám đốc công ty Gần Nhà cung cấp khá rõ ràng về ý tưởng, mô hình kinh doanh, hệ sinh thái sản phẩm và mục tiêu tăng trưởng.
Gannha.com là nền tảng kết nối người mua và các điểm bán trong phạm vi vài kilomet xung quanh. Với ứng dụng này, người dùng có thể biết được trong một vùng tìm kiếm nhất định, có những thương hiệu nào trong các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản cho thuê, tuyển dụng, vận tải và giải trí, làm đẹp. Khi nhấn chọn một điểm bán, người dùng sẽ nhận thông tin cập nhật liên tục về sản phẩm, dịch vụ và các ưu đãi đang triển khai.
Theo đại diện dự án, đây là ứng dụng có tiềm năng tăng trưởng lớn do nhắm đến tất cả lĩnh vực kể trên với tổng quy mô các thị trường này tại Việt Nam lên đến 25 tỷ USD.
"Mô hình kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu kết nối trực tiếp giữa người mua, người bán và bên giao nhận. Ví dụ khi tôi muốn mua một mặt hàng đang bày bán gần nhà, tôi có thể chọn mua trực tiếp trên ứng dụng này và sẽ có bên giao hàng lập tức liên hệ nhận hàng và giao đến nhà tôi", anh Khánh diễn giải.
Khi nhận câu hỏi về tính khác biệt giữa ứng dụng này với các đối thủ lớn trong ngành kết nối vận tải hiện hữu, đại diện Gannha.com cho biết lợi thế của nền tảng này nằm ở việc cộng gộp nhiều điểm bán thuộc nhiều lĩnh vực vào cùng một ứng dụng. Người dùng chỉ cần tải một ứng dụng để tiếp cận hàng nghìn thương hiệu thuộc các ngành khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, việc tập hợp quá nhiều dịch vụ trong cùng một sản phẩm là một điểm yếu của startup chứ không phải lợi thế.
"Khi mới khởi sự kinh doanh không nên tham vọng, hãy suy nghĩ đơn giản, bắt đầu bằng một dịch vụ và làm thật tốt dịch vụ đó rồi mới nghĩ đến chuyện mở rộng ra một hệ sinh thái khổng lồ", ông Bình khuyên.
Giám khảo cuộc thi Startup Việt 2018 nêu điển hình, các "kỳ lân khởi nghiệp" trên thế giới dù hiện bao quát nhiều lĩnh vực nhưng đều có xuất phát điểm từ một sản phẩm duy nhất. Amazon bắt đầu từ một website bán sách, Uber, Grab chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến trong giai đoạn đầu hay, hay Airbnb chỉ là nền tảng để người dùng chia sẻ và tìm kiếm phòng thuê...
Mặt khác, ông Bình cũng băn khoăn về tính hấp dẫn và khả thi của mô hình này. Bởi mô hình kết nối thường được triển khai khi có khoảng cách lớn giữa người mua và người bán. Từ đó, giải pháp kết nối mới được đặt ra nhằm giải bài toán làm thế nào để tăng sự thuận tiện giữa điểm bán và người tiêu dùng.
"Tôi không rõ yếu tố gần nhà quan trọng đến đâu đối với một mô hình kết nối vì nếu đã là một điểm bán gần nhà thì người dùng có thể đã biết đến rồi, không cần bạn giúp đỡ", ông Bình chất vấn startup.
Dù đánh giá mô hình sẽ gặp nhiều khó khăn, các giám khảo vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào nền tảng kết nối Gannha.com. Nếu thành công, đây sẽ là phương án giúp tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và giảm chi phí cho các bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Hiện Gannha.com đang trong giai đoạn thử nghiệm với 500 điểm bán thuộc 6 thương hiệu tham gia. Mỗi điểm bán có trung bình 200 giao dịch mỗi ngày. Ứng dụng chính thức ra mắt vào 25/11 tới. Mục tiêu trong ba năm tới, startup đạt 5.000-15.000 giao dịch một ngày, doanh thu trong năm thứ hai (11/2019-11/2020) dự kiến 90-100 tỷ đồng.