Từ một startup bí ẩn, Lion Air đã trở thành tập đoàn hàng không hàng đầu Indonesia như thế nào?
Vụ tại nạn thảm khốc của chuyến bay mang số hiệu JT-610 đã hướng sự tập trung của truyền thông thế giới vào hãng hàng không Lion Air của Indonesia.
Khi máy bay Boeing 737 Max 8 của Lion Air rơi xuống biển ngày 29/10 vừa qua, truyền thông quốc tế đều đổ dồn sự chú ý vào một hãng hàng không giá rẻ đã đầu tư hàng tỷ USD cho những đơn đặt hàng máy bay nhưng vẫn còn ít được biết đến bên ngoài khu vực Đông Nam Á và ngành công nghiệp hàng không.
Theo Trung tâm Hàng không CAPA, trong vòng chưa đầy 20 năm, Lion đã trở thành tập đoàn hàng không hàng đầu của Indonesia, với tỷ lệ các chuyến bay nội địa theo lịch trình đạt trên 50% lần đầu tiên vào năm 2017. Hãng cũng trở thành tập đoàn hàng không có quy mô đội bay lớn nhất Đông Nam Á với 302 máy bay phục vụ tính đến ngày 1/8, nhiều hơn gần 100 máy bay so với hãng hàng không ở vị trí thứ hai là AirAsia.
Được biết Lion cũng là một nhà mua máy bay lớn với đơn đặt hàng lớn thứ hai trong số các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương tính đến tháng 9 năm nay. Hiện hãng có 369 máy bay trị giá 24 tỷ USD đang chờ giao hàng.
Trong khi các nhà chức trách Indonesia đang tiếp tục điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 189 hành khách thì nhiều người lại quan tâm đến hình ảnh của Lion, một hãng hàng không tư nhân khá kín tiếng và ít để lộ thông tin một cách rộng rãi.
Lion Air được thành lập bởi hai anh em Rusdi và Kusnan Kirana vào năm 1999 ngay sau sự sụp đổ của chế độ của Tổng thống Indonesia Suharto, kết thúc sự độc quyền của nhà nước đối với ngành hàng không.
Hai người có xuất thân khiêm tốn và có rất ít thông tin về Kusnan. Còn người anh em của ông, Rusdi (55 tuổi) đã từng làm việc bán thời gian với tư cách là nhân viên bán vé ở sân bay Soekarno-Hatta của Jakarta khi còn là sinh viên đại học. Trước Lion Air, họ từng sở hữu và điều hàng công ty du lịch Lion Tours.
Với khẩu hiệu "We Make People Fly", hoạt động kinh doanh của tập đoàn Lion bắt đầu khởi sắc khi người dân ở Indonesia và khu vực Đông Nam Á trở nên giàu có và có xu hướng đi du lịch bằng đường hàng không nhiều hơn. Năm 2011, họ đã đặt đơn hàng có giá trị lớn nhất từ trước tới nay mà Boeing từng nhận: thỏa thuận 21,7 tỷ USD cho 230 chiếc máy bay của hãng.
Thậm chí Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có mặt tại Bali để tham gia buổi lễ ký kết. Sau đó, Lion tiếp tục tạo nên một cú sốc vào năm 2013 với hợp đồng trị giá 24 tỷ USD với hãng sản xuất Airbus cho 234 chiếc máy bay A320. Thỏa thuận được ký tại Cung điện Elysee ở Paris và được chứng kiến bởi Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Khi tập đoàn nhanh chóng mở rộng đội bay và công việc kinh doanh, Rusdi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực chính trị. Ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch của đảng National Awakening Party, một thành viên của liên minh cầm quyền vào năm 2014 và sau đó trở thành cố vấn cho Tổng thống Joko Widodo. Đầu năm nay, ông rời bỏ công việc để trở thành đại sứ của Indonesia tại Malaysia.
Theo một tài liệu năm 2010 từ Ủy ban Kiểm soát cạnh tranh kinh doanh của Indonesia, Rusdi nắm giữ 45% cổ phần của PT Lion Mentari Airlines, nhà điều hành của Lion và Kusnan nắm giữ phần còn lại. Ngoài ra, Rusdi và Kusnan cũng sở hữu 50% Wings Abadi Airlines, đơn vị điều hành hãng hàng không Wings Air.
Năm ngoái, hai anh em Kirana được xếp hạng thứ 33 trong danh sách 50 người giàu nhất Indonesia của Forbes với tổng tài sản ròng khoảng 970 triệu USD. Tuy nhiên, theo ước tính gần đây nhất, do sự suy giảm của đồng rupiah của Indonesia nên tài sản của họ đã giảm xuống còn 520 triệu USD.
Giá vé thấp đã giúp Lion trở thành hãng hàng không đầu ngành của Indonesia và sự lựa chọn hàng đầu của người dân Indonesia có nhu nhập thấp và trung bình. Hãng thường xuyên đưa ra các chương trình giảm giá để tăng tính cạnh tranh với một số hãng hàng không giá rẻ khác trong khu vực.
Mặc dù vậy, sự mở rộng nhanh chóng về cả mặt kinh doanh và đội bay đã khiến Lion mất một số tiền đáng kể vào năm 2016 và 2017.
Vụ tai nạn ngày 29/10 là sự cố gây tử vong đầu tiên của Lion Air kể từ vụ việc xảy ra ở thành phố Solo khiến 25 người thiệt mạng cách đây 14 năm. Năm 2013, máy bay chở 108 hành khách đến Bali của hãng cũng đã gặp sự cố rơi xuống nước, tuy nhiên may mắn là không có thiệt hại về người.
Trong vài năm trở lại đây, Lion đã nỗ lực cải thiện các yêu cầu đảm bảo an toàn. Năm 2016, cơ quan hàng không châu Âu đã dỡ bỏ lệnh cấm bay đối với hãng này sau 9 năm. Bên cạnh đó, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế cho biết Lion cũng đã vược qua tiêu chuẩn an toàn vận hành hàng không vào tháng 2/2017.
Đến nay, vẫn chưa rõ liệu Lion Air có lỗi trong vụ tai nạn chết người vừa qua hay không nhưng tập đoàn này luôn thiếu tính minh bạch do công bố rất ít hoặc không cung cấp thông tin về tình trạng tài chính của mình.
Michael Allen, một biên tập viên tài chính châu Á của tạp chí Airfinance Journal cho biết Lion Air phụ thuộc rất nhiều vào việc cho thuê. Nhiều hợp đồng cho thuê của họ được thiết lập thông qua công ty cho thuê được thành lập bởi Rusdi năm 2011 tại Singapore.
Allen nói rằng một lợi thế mà Lion nhận được khi sử dụng công ty cho thuê là nếu hợp đồng được thiết lập ở Singapore, họ có thể được hưởng mức thuế ưu đãi lên tới 8% nhờ chính sách cho thuê máy bay của nước này.
Quay trở lại với vụ tai nạn mới đây, Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã ra lệnh cho Lion Air cách chức Giám đốc kỹ thuật và sa thải một số kỹ sư khi cuộc điều tra vẫn đang được tiếp hành. Tuy đã tìm thấy hộp đen máy bay nhưng chính quyền Indonesia có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để xác định nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn.
Theo đánh giá của chuyên gia tư vấn, đa số hành khách trong nước sẽ không chọn Lion Air cho các chuyến du lịch nội địa giá rẻ ở Indonesia do lo ngại vấn đề đảm bảo an toàn. Từ một hãng hàng không tiềm năng, giờ đây, Lion Air đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức sau thảm họa tai nạn JT-610.