CEO của Blacktrace Holdings: Startup hãy thiết kế sản phẩm tốt nhất!

Theo nhipcaudautu 09/12/2018 04:18

Khác nhiều suy nghĩ đầu tư hướng vào thị trường nội địa, Mark Gilligan khuyên start-up Việt hướng ra thị trường giàu có bên ngoài bằng những sản phẩm chất lượng cao.

Vương Quốc Anh là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sáng tạo công nghệ. Theo báo cáo của chính phủ, ngành công nghệ Anh quốc trị giá gần 184 tỉ bảng Anh, tăng trưởng với nhanh gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Anh và có 223.000 công ty công nghệ. Anh quốc cũng dẫn dầu thế giới về đầu tư công nghệ số, với hơn 2.645 thương vụ trị giá 3,3 tỉ bảng Anh năm 2016.

Xuất thân từ Anh, Mark Gilligan không chỉ là nhà sáng lập và CEO của Blacktrace Holdings, mà còn là chuyên gia trong ngành khoa học kiến tạo sản phẩm, khởi nghiệp công nghệ. Gia đình sinh sống ở Hà Nội giúp Mark Gilligan có một so sánh độc đáo về người Việt Nam và việc khởi nghiệp ở Việt Nam so với Anh quốc, được ông chia sẻ tại hội thảo Con đường tới Sáng tạo Công nghệ Đỉnh cao do Hội Đồng Anh tổ chức.

Điểm mạnh của người Việt Nam

“Người Việt Nam vô cùng sáng tạo”, là nhận xét được Mark nhấn mạnh. Ông lấy ví dụ về xe nước mía, có vô vàn hình thức khác nhau trên khắp các nẻo đường, với nhiều cải tiến được thêm vào qua thời gian. Lịch sử khắc nghiệt cùng môi trường sống không mấy thuận lợi của một quốc gia đang phát triển có lẽ đã làm nên tính cách này của người Việt.

Tuy nhiên, tại sao sản phẩm hay như xe nước mía lại không được xuất khẩu? Mark giải thích vì những chiếc xe này quá nguy hiểm, và những sáng tạo, thường được những cá nhân riêng lẻ nghĩ ra và gắn vào xe của họ, không được thiết kế để sản xuất đại trà.

Mark nhìn nhận việc phải đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống, vì vậy người Việt phải học thích nghi để tồn tại là một ưu điểm rất lớn của môi trường sống ở đây. Đó cũng là một cách Mark dạy con, ông để bọn trẻ tự chạy xe đạp đến trường khi ở Hà Nội, để chúng đối diện với những thử thách và lớn lên.

Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về sáng tạo, tuy khác ở Việt Nam là những sáng kiến cho thực tiễn. Điểm khác biệt lớn nhất là tại Anh, mọi người đều tự do “chiến đấu” cho ý tưởng tốt nhất. Khác với Việt Nam truyền thống coi trọng tuổi tác, kinh nghiệm. Người Anh không dạy học sinh cách làm việc hay phải ghi nhớ gì cả, họ dạy chúng cách suy nghĩ và quan trọng hơn, dạy chúng tin tưởng vào chính bản thân mình. Trẻ con học bằng cách chơi.

Theo Mark, thách thức lớn nhất của người Việt là việc thiếu kiến thức về thế giới bên ngoài (trong khi tường tận về ngóc ngách của Việt Nam). Khác với người Anh hiểu biết về thế giới vì họ được tự do dịch chuyển, người Việt gặp nhiều khó khăn khi đi du lịch khắp thế giới với tấm hộ chiếu kém quyền. “Khi một người Việt muốn đi đến Anh, họ cần số lượng giấy tờ (để xin visa) bằng với số lượng mà tôi cần trong cả cuộc đời dịch chuyển của mình”, Mark minh họa. Chi phí du lịch cũng là một gánh nặng đối với người Việt, “số tiền tiết kiệm 3 năm bốc hơi chỉ trong 1 tuần du lịch”, ông nói.

Làm kinh doanh

Với kinh nghiệm gần 20 năm khởi nghiệp, Mark khuyên các doanh nghiệp khởi nghiệp cần thiết kế ra sản phẩm tốt nhất, chú trọng vào chất lượng nhiều hơn chi phí, để nhắm đến những thị trường có khả năng chi trả cao như phương Tây hay Nhật Bản. Hưởng lợi từ thị trường lao động chi phí thấp tại Việt Nam, những sản phẩm này sẽ được bán trên toàn cầu, tự hào đã được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Marou Chocolate là một ví dụ ưa thích của Mark khi nói về điểm mạnh trong thiết kế ý tưởng từ Việt Nam. Có nhiều ý tưởng hay, nhưng những ý tưởng như Marou, xuất khẩu ra toàn thế giới là rất ít.

Trên thực tế, hầu hết việc kinh doanh của Marou là ở bên ngoài Việt Nam, cho dù toàn bộ từ nguyên liệu đến sản xuất ở trong nước. Được thành lập bởi những chàng trai Pháp, có nhà đầu tư là những người Anh, loại socola cao cấp có hương vị thanh nhã là minh chứng cho ý tưởng làm ra sản phẩm tốt nhất để bán cho những người có khả năng trên khắp thế giới.

Có ý tưởng, đầu tư vào ý tưởng, và quan trọng là phải có niềm tin vào ý tưởng của mình, và sẵn sàng chịu rủi ro khi khởi nghiệp.

Vị doanh nhân gần 50 tuổi, bắt đầu khởi nghiệp khi 30 tuổi cho rằng sinh viên không nên bắt đầu khởi nghiệp ngay khi vừa rời khỏi nhà trường, mà nên đi làm tại một trong rất nhiều công ty tại thành phố năng động nhất nước, TP.HCM để học hỏi và tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.

Ba điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp, theo Mark là cần phải tin tưởng vào ý tưởng của chính mình, cần kiên trì để luôn tiến về phía trước, và cần có một đội ngũ tốt, những người yêu thích nhau để cùng nhau đi qua thăng trầm của việc khởi sự kinh doanh.

Theo nhipcaudautu