Lập nghiệp thành công nhờ làm nông nghiệp sạch công nghệ Nhật

Theo nongnghiep 27/12/2018 04:05

Giờ thì không còn ai nghĩ ông Tân là "người hâm" khi bỏ công việc ổn định của một công chức để ra làm ngoài. Bởi nhìn cơ ngơi hàng chục tỷ đồng của ông, ai cũng tấm tắc khen ông là người thức thời.

Năm 2014, nhiều người bất ngờ khi ông Trần Văn Tân, một cán bộ công tác tại Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa bỏ công việc ổn định ra ngoài làm ăn. Lúc đầu, ông mở công ty chuyên sản xuất kinh doanh, lắp đặt các loại cửa nhựa, nhôm, phụ kiện lõi thép. Sau 3 - 4 năm làm ăn có chút vốn, tháng 10/2017, ông Tân lại lấn sân sang lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Lý do của ông cũng khiến mọi người không khỏi bất ngờ.

Ông Tân chăm sóc dưa Taki trong nhà lưới

Tình cờ, trong một chuyến đi công tác với Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa tham quan một số mô hình NNCNC ở trong nước, tôi nảy sinh ý tưởng sẽ rẽ sang con đường này. Lúc bấy giờ, tại Thanh Hóa có một số đơn vị, cá nhân nhảy vào lĩnh vực NNCNC nhưng hiệu quả chưa thực sự rõ nét. Nghĩ đến việc hàng ngày vợ con, người thân ra chợ mua thực phẩm nhưng không thể biết được chất lượng thực sự của sản phẩm, tôi lại càng thêm quyết tâm với ý tưởng của mình” – ông Tân tâm sự.

Từ ý tưởng đó, ông Tân tích tụ được 7,8 ha đất lúa tại thôn Dục Tú, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương với giá thỏa thuận 1,8 tỷ đồng/ha. Có đất, ông san, đắp mặt bằng, trước hết xây dựng 1 ha nhà lưới. Với thiết bị hoàn toàn được nhập từ Nhật Bản, chuyên gia Nhật Bản tư vấn, giám sát thi công nên 1 ha nhà lưới của ông Tân có giá rất cao, lên tới 25 tỷ đồng. Theo ông Tân, công nghệ nhà lưới của Nhật Bản có nhiều điểm hơn hẳn nhà lưới do Việt Nam thiết kế và lắp đặt, chất lượng cũng đảm bảo hơn.

Ông Tân cùng với một vị khách nước ngoài vào tham quan

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, ông Tân đã trồng 2 vụ dưa lưới Taki F1, nguồn giống lấy từ Nhật Bản với tổng sản lượng 130 tấn. Nhờ được trồng theo hướng VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc với thương hiệu Queen Farm nên toàn bộ sản lượng được các siêu thị, nhà hàng từ Thanh Hóa đổ ra Bắc thu mua với giá bình quân 65 triệu đồng/tấn.

Như vậy, chỉ sau 2 vụ sản xuất, ông Tân đã thu về gần 8,5 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2018, ông Tân sẽ thu hoạch thêm 1 vụ dưa Taki nữa và sẽ đem về trên 4 tỷ đồng. Theo ông Tân, mỗi năm, sản xuất trong nhà lưới, dưa Taki trồng được 4 vụ, tổng sản lượng có thể đạt 260 tấn/ha.

Hiện trang trại dưa của ông Tân sắp đón chứng nhận dưa VietGAP và phấn đấu xây dựng thương hiệu GlobalGAP vào cuối năm 2019 để xuất đi các thị trường Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Làm NNCNC gắn với hoạt động trải nghiệm của học sinh

Hiện tôi đang xây dựng tiếp 1 ha nhà lưới để sắp tới đây trồng rau thủy canh gồm các loại như su hào, bắp cải tím, xà lách tím, rau dền đỏ, cải chíp, cải bẹ, cà rốt. Chỉ khoảng 1 tháng nữa anh đến là đã có sản phẩm rồi. Theo tính toán, mỗi năm có thể sản xuất 15 - 17 vụ rau; chi phí 1 ha nhà lưới mất khoảng 25 tỷ đồng cùng với 300 triệu tiền hạt giống/năm sẽ thu về 350 tấn rau. Nếu chỉ tính giá bình quân 20 triệu đồng/tấn thì từ rau thủy canh, mỗi năm tôi cũng thu về trên 4 tỷ đồng. Bình thường, đầu tư trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, nếu có đầu ra ổn định thì 5 năm có thể thu hồi vốn. Nhưng tôi tin, chỉ cần 3 - 4 năm để thu hồi vốn bỏ ra. Tôi đầu tư thêm khoảng 3,7 ha nhà lưới tại huyện Nông Cống cũng để sản xuất rau, củ quả cùng với đó là việc tiếp tục liên doanh liên kết để tìm đầu ra cho nông sản an toàn”, ông Tân tự tin.

Đến trang trại của ông Tân, chúng tôi mới hiểu tại sao chỉ sau 1 năm triển khai, sản phẩm của ông đã được xuất đi hầu hết các siêu thị, không lo ế hàng. Để đi vào khu vực nhà lưới của trang trại, khách tham quan phải đi qua khu cách ly khử trùng, thay dày dép, áo. 65 - 67 nghìn giá thể đặt trong 1 ha nhà lưới, phía dưới cùng là nền bê tông, trên được lót một lớp bạt. Giá thể được làm từ xơ dừa, phân trâu bò qua khử trùng. Mỗi giá thể là một cây dưa được cung cấp thức ăn bởi một vòi tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Hệ thống tưới này được lập trình tự động hóa và sẽ cung cấp lượng thức ăn theo từng chu kỳ phát triển của cây trồng, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phát triển.

Dưa lưới Taki được gắn tem truy xuất nguồn gốc

Theo ông Tân, sản xuất dưa lưới Taki F1 để đạt tiêu chuẩn xuất ra thị trường còn phải tuân thủ chặt chẽ quy trình hơn cả làm theo hướng VietGAP. Hạt giống sau khi ngâm, ủ được gieo vào khay trong vườn ươm 7-10 ngày mới trồng vào giá thể. Dưa sẽ được cách ly thuốc bảo vệ thực vật trên 20 ngày trước lúc thu hoạch. Và thực tế, trồng trong nhà lưới rất ít đối tượng sâu bệnh có thể xâm nhập nên lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng rất hạn chế.

Theo nongnghiep