Câu chuyện khởi nghiệp của nguyên chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn
Bất kể thị trường biến động thế nào, giá sầu riêng Ri 6 nguyên trái của anh Trung lúc nào cũng bán cố định 200.000 đồng mỗi kg.
Nhà ở Sài Gòn nhưng anh Hà Duy Trung, hay còn gọi là 'Trung 9 Phẻ' dành nhiều thời gian hơn cho hai vườn sầu riêng ở thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. "Mỗi lần gửi hình đi vườn về khoe thì vợ bảo nhìn tôi không ra, y như nông dân miền Tây thứ thiệt", anh kể lại khi vừa dựng chiếc xe đạp ở bờ rào.
Mặc áo thun, đi sandal và đội mũ bảo hộ thăm vườn, ít ai biết anh nông dân này từng là thành viên ban chủ nhiệm của Câu lạc bộ doanh nhân 2030 và Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn thời kỳ đầu, trong giai đoạn 2004 - 2008. Sau đó, anh rời các tổ chức hội và làm cố vấn cho chủ tịch một tập đoàn lớn về vật liệu xây dựng. Rồi máu kinh doanh đưa anh cùng một nhóm bạn sang Singapore làm ăn trong gần 3 năm trời, với mục tiêu đưa cua Cà Mau xuất khẩu.
Ý định không thành công, anh nuôi mộng thay cua bằng sầu riêng vì thấy chênh lệch giá lớn. Thế nhưng, bế tắc khâu kiếm nguồn cung, anh quyết định về nước cuối năm 2015 để xuống tận xứ sầu riêng ở Tiền Giang tìm hiểu.
"Từ Singapore về, tôi chỉ định tìm vựa để hợp tác nhưng đổi 3 đời nhân viên đều thất bại. Sau đó, tôi trực tiếp đi thì hiểu ý tưởng của mình không phù hợp với thực tế. Đến mua, họ chỉ hỏi cần bao nhiêu công? Kích cỡ bao nhiêu và khi nào lấy? Có vựa mỗi ngày nhập về 20 tấn sầu riêng nhưng tôi bảo chỉ cần 100 kg loại chín cây thôi thì họ nói 'lấy đâu ra' mà bán", anh kể.
Vẫn nuôi mộng kinh doanh khác người là bán sầu riêng chín cây, tức chỉ cắt lần lượt từng trái đạt độ chín nhất định chứ không thu hoạch đồng loạt kiểu công nghiệp, anh chuyển kế hoạch sang mua các vườn sầu riêng. "Trước khi về hẳn Việt Nam, tôi đã rong ruổi Malaysia một thời gian vì muốn tìm hiểu mô hình trồng của quả sầu riêng danh tiếng Musang King của họ", anh nói.
Năm 2016, Trung mua vườn sầu riêng đầu tiên rộng 3.000 m2, rồi sau đó mua thêm mảnh thứ hai rộng 5.000 m2, cách bởi con rạch nhỏ và 5 phút đi xe đạp. Tuy nhiên, hai mảnh vườn không cung cấp đủ sản lượng mà chủ yếu vẫn phải tìm các vườn lân cận, chấp nhận bán sầu riêng chín cây. "Tìm vườn hợp tác rất khó vì họ muốn cắt đồng loạt cho tiện, cây lại không mất sức. Mình mua giá cao hơn thương lái nhưng ngày nào cũng ra vào cắt từng đợt thì chủ vườn vừa phiền lại vừa xót cây", anh thừa nhận.
Sầu riêng từ vườn của anh và vườn hợp tác được chuyển lên TP HCM và chỉ bán trong ngày tại 4 cửa hàng do anh mở. Bất kể giá bên ngoài biến động ra sao, anh bán giá cố định 200.000 đồng mỗi kg cho loại Ri 6 nguyên trái. Anh cam kết hàng chín cây tự nhiên, không ngâm thuốc. Cây sầu riêng cũng được chăm bón theo chuẩn canh tác anh đặt ra.
"Bên mình hơi cực đoan là không cho mang trái nguyên về. Khách chọn xong là khui ra tại chỗ. Giao hàng tận nhà cũng thế, khui ngay thì nhân viên mới về. Bán nguyên trái rất nhiều rủi ro, với những yếu tố làm mất ngon mà không phải tại mình, gây ảnh hưởng thương hiệu", anh giải thích.
Anh Duy Trung cho biết, mùa Giáng Sinh vừa rồi anh bị "cháy hàng". Sau gần 2 năm kinh doanh, hệ thống đã có một lượng khách ổn định. Tuy nhiên, thành quả này cũng trả giá khá nhiều, từ tiền của, nhân viên đến lòng tự ái.
"Năm đầu, có lần tôi phải bỏ hai tấn hàng trị giá 90 triệu đồng vì chưa biết cách thử cơm sầu riêng, nên bị nhà vườn qua mặt. Có tuần tôi mất trắng gần 200 triệu, gom hàng về mà bỏ không bán vì sợ mất uy tín. Trong năm đầu, tôi lỗ tổng cộng 3 tỷ đồng. Nhưng với tôi, kiến thức, kinh nghiệm, quy trình và làm thương hiệu từ đó phải đáng giá 5 tỷ đồng", anh nhìn theo hướng tích cực.
Ngoài tiền bạc, bán sầu riêng kiểu 9 Phẻ rất khó tìm nhân viên vì bán trái cây mà phải qua đào tạo cách nhận biết sầu riêng chín cây để hướng dẫn, chứng minh cho khách. Bản thân anh và nhân viên bị chê bai như 'cơm bữa'.
"Mình có thương hiệu thì càng dễ bị bắt nạt. Với giá 200.000 đồng mỗi kg, người mua luôn trông chờ quả sầu riêng phải hoàn hảo, khác hẳn thị trường, làm họ 'quào' lên khi ăn. Tuy nhiên, 'điểm rơi' để quả sầu riêng ngon nhất rất mong manh. Trái sầu riêng chín tự nhiên thì hộc chín trước, hộc chín sau, múi chín trước, múi chín sau. Múi sầu riêng thì lại chín từ dưới chín lên nên ăn quả sầu riêng chín cây không phải lúc nào cũng ngon 100% được", anh nói.
Thậm chí, nhiều người còn không tin anh bán sầu riêng chín cây mà bảo chỉ là trò làm thương hiệu. Anh Trung nói những người đã trải nghiệm và tin anh làm ăn nghiêm túc vẫn nhiều hơn nên việc kinh doanh ngày càng tiến bộ. Thị trường cũng xuất hiện những thương hiệu mới, với quảng bá chín cây tương tự.
"Nói một cách khiêm tốn thì năm nay tôi đã hòa vốn và lời chút đỉnh rồi", anh Trung kể về năm thứ hai trở thành nông dân. Hiện tại, anh đang ấp ủ kế hoạch thành lập một hợp tác xã để quy tụ các nhà vườn cùng chí hướng hợp tác lâu dài.
Ngồi trong cái chòi lá mà anh tự đặt tên là "Sầu Cốc" giữa mảnh vườn 150 gốc sầu riêng, anh nhẩm tính mỗi gốc mang về hàng năm tầm 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trị của chúng sẽ còn cao hơn vì anh đã có kế hoạch cho ra trái quanh năm và biến "Sầu Cốc" thành trạm nghỉ khi tổ chức đón khách du lịch đến vườn trái cây ăn sầu riêng.
Ý tưởng làm một nhà vườn du lịch (farmstay) đang được anh triển khai. Mảnh vườn 3.000 m2 bên kia rạch đã được đổ thêm tỷ đồng để cải tạo, xây nhà, đào ao. Giữa ao cá, giờ có gò đất mà anh gọi là "Cù Lao Sầu" để tổ chức tiệc nướng và ca hát. Một góc vườn đã có các dãy chuồng gà hiện đại để phục vụ món ăn đồng quê. Mấy cái chòi lá đã được dựng sẵn, với các lối đi vẫn đang được trang trí thêm cây cối và tiểu cảnh, dự kiến đón khách cuối năm 2019 đầu năm 2020.
"Kiếm tiền có nhiều cách, tuổi trẻ thì có cách khác, còn khi đến tuổi này tôi lại muốn làm cái gì đó có chiều sâu và để đời", người đàn ông tứ tuần tạm chốt câu chuyện khi đạp xe trở về khu nhà chính, nơi bầy chó Phú Quốc lăng xăng ra đón.