7X "Hai Lúa" lập nghiệp thành công trồng nhờ trồng 3ha hồng cổ

Theo Báo Thái Nguyên 15/01/2019 04:06

Từ diện tích đất đồi không đem lại hiệu quả kinh tế, anh Phan Văn Hoàn, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư trồng 3ha hoa hồng cổ.

Từ diện tích đất đồi không đem lại hiệu quả kinh tế, anh Phan Văn Hoàn, sinh năm 1978, xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư trồng 3ha hoa hồng cổ. Từ cây trồng này, anh đang và sẽ tận dụng để phát triển nhiều hình thức kinh doanh khác nhau, không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế cao mà còn góp phần phát triển mô hình du lịch sinh thái tại địa phương.

Năm 2016, qua tìm hiểu về nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trên báo chí và từ bạn bè, nhận thấy hoa hồng cổ đem lại lợi nhuận kinh tế cao, anh Phan Văn Hoàn đã tới huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để học hỏi cách làm giàu...

Anh Phan Văn Hoàn lựa chọn những bông hoa hồng cổ to, đẹp nhất để sản xuất các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ như mặt nạ hoa hồng, nước hoa hồng, nước tẩy da chết từ hoa hồng...

Anh Phan Văn Hoàn lựa chọn những bông hoa hồng cổ to, đẹp nhất để sản xuất các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ như mặt nạ hoa hồng, nước hoa hồng, nước tẩy da chết từ hoa hồng...

Anh chia sẻ: Thông qua việc xin vào lao động tại những gia đình trồng hoa hồng lâu năm, hàng ngày, tôi đã có cơ hội thực hành cách thiết kế vườn, chăm sóc cây, nhân giống, phòng ngừa và điều trị các bệnh thường gặp trên cây… Sau 2 năm làm thuê, học việc, tôi đã khá tự tin về kiến thức chuyên môn của bản thân nên đầu năm 2018, tôi đã mạnh dạn vay vốn gần 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện để cải tạo lại 3ha diện tích đất trồng keo cũ và trồng gần 5.000 gốc hồng cổ, gồm những giống: hồng cổ Sapa, hồng Văn Khôi, hồng Bạch Cổ, hồng leo cổ Hải Phòng, hồng cổ Huế…

Ban đầu, anh Hoàn không khỏi lo lắng về một số giống hồng sẽ có thể không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Phú Lương, nhưng rất may, phần lớn các loại hoa này đều có sức sống dẻo dai, chịu được thời tiết mưa nắng nên nhanh chóng thích nghi tốt với điều kiện sống mới.

Bên cạnh đó, do được trồng ở địa hình cao nên khả năng cây hoa hồng cổ bị sâu bệnh giảm 70% so với vùng đất thấp. Chính vì thế, việc chăm sóc cũng không quá vất vả, chỉ cần bón phân, tưới nước đầy đủ; thường xuyên tỉa bỏ các lá già, cành tăm hương để tán cây được thông thoáng và phun thuốc trừ sâu thảo dược tránh sâu bệnh hại…

Hiện nay, từ diện tích trồng hoa hồng, hàng tháng, anh đều chiết cành để bán giống và sản xuất sản phẩm làm đẹp từ cánh hoa hồng. Theo anh Hoàn, hoa hồng là giống cây trồng cho thu hoạch quanh năm, sau thời gian xuống giống khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch.

Từ tháng 2 đến nay, trung bình mỗi tháng, anh đều xuất bán được gần 200 cây giống hoa hồng với giá 100 nghìn đồng/cây. Vốn là cây trồng cho thu hoạch nhanh nên bên cạnh việc bán giống, hàng tháng anh còn thu bông hoa hồng để sản xuất ra các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ, như: mặt nạ, nước hoa hồng, nước tẩy da chết… Tùy thuộc vào thời tiết, mỗi tháng anh thu được 2-4 đợt bông hoa hồng với trung bình 40kg bông/đợt.

Để thuận lợi cho việc sản xuất, anh đã đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy móc chế xuất các sản phẩm từ hoa hồng và đặt xưởng sản xuất ngay gần nơi trồng hoa hồng. Sản phẩm bán ra có giá từ 200-250 nghìn đồng/sản phẩm. Hiện, anh chủ yếu quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và cung cấp tới những khách hàng nhỏ lẻ ở trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, mới chỉ sau 1 năm mà lợi nhuận anh thu được từ việc phát triển mô hình trồng hoa hồng đã lên tới gần 350 triệu đồng.

Bên cạnh bán các sản phẩm từ hoa hồng, với sự nhạy bén trong làm kinh tế, anh Hoàn còn tận dụng cảnh quan tại vườn hoa hồng cổ để mở rộng đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân hiện nay.

Anh Hoàn cho biết: Mặc dù chưa hoàn thành khâu xây dựng một số hạng mục công trình nhưng hàng ngày, chúng tôi vẫn được đón hàng chục lượt người đến tham quan, vui chơi, đặc biệt số lượng lên đến hàng trăm người vào dịp lễ. Sắp tới, tôi sẽ hoàn thành các công trình như: nhà hàng, một số mô hình giả định để khách tham quan chụp ảnh…

Hiện, anh Hoàn vẫn mở cửa vườn hồng cho tham quan miễn phí để người dân biết đến địa điểm du lịch này. Dự kiến, khoảng 1-2 năm nữa, sau khi khai trương và chính thức mở cửa khu du lịch sinh thái để đón khách tham quan, anh mới bắt đầu thu phí.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến, xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên cho hay: Qua tìm hiểu trên mạng xã hội và giới thiệu của bạn bè, tôi đưa cả đại gia đình đến đây tham quan và vui chơi. Tôi cảm thấy không gian tại đây khá đẹp và thoáng đãng, rất phù hợp cho các gia đình và bạn trẻ đến ngắm hoa, thư giãn vào ngày nghỉ.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, trong thời gian tới, anh Phan Văn Hoàn sẽ từng bước mở rộng thêm diện tích đất còn lại của gia đình để trồng cây hoa hồng cổ, phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và sản xuất sản phẩm làm đẹp. Đồng thời, phát triển hệ thống các đại lý phân phối sản phẩm phụ từ hoa hồng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước để nhanh chóng mở rộng thị trường.

Theo Báo Thái Nguyên