Câu chuyện lập nghiệp gian nan của lão nông "vắt" đất phèn ra tiền tỷ
Tròn 40 năm trước, lão nông Ba Be gồng gánh vợ và con vào giữa lung phèn Đồng Tháp Mười khai hoang. Giờ người con trai khi ấy còn nằm ngửa đang nối nghiệp ông “vắt” đất phèn ra tiền tỷ.
Chúng tôi đi xuyên Đồng Tháp Mười về thăm ông Ba Be (Trần Văn Nghị, ấp 2, xã Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa, Long An). Trang trại của ông Ba Be nằm giữa đồng phèn, đường vào là những bờ đê lắt lẻo, chỉ đủ bàn chân, gian nan chẳng kém ngày trước ông đi mở đất.
Bắt đất đẻ đất…
"Ông Ba Be là một tấm gương sáng trong sản xuất nông nghiệp. Sự thành công của ông trong nông nghiệp từ thời khai khẩn Đồng Tháp Mười cho đến nay là nhờ tính cần cù, nhạy bén, sáng tạo và quyết liệt. Ông còn là người luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm thành công với nông dân”.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An
Trước khi vào trang trại ông Ba Be, anh bạn đồng nghiệp nói vui với chúng tôi là “đi diện kiến vua”. “Ông Ba Be trước đây nuôi con gì, trồng cây gì cũng giỏi nên có rất nhiều biệt danh, như: “Vua” khoai mỡ, “vua” lúa, “vua” vịt, “vua” rắn… Giờ về đây hỏi ông Ba Be đến trẻ con cũng biết” - anh cười.
Có người còn rỉ tai với chúng tôi rằng, lão nông Ba Be hiện có 80ha đất. Mỗi năm thu hoạch hơn 1.000 tấn lúa. Hôm gặp, nghe tôi nhắc điều này, lão nông ở cái tuổi “xưa nay hiếm” giãy nảy: “Làm gì có, tui chỉ có 30ha đất thôi, chia cho đám con hết rồi. Giờ còn 12ha tôi giao thằng út làm để nó dưỡng già vợ chồng tôi”.
Đứng trong cái chòi tạm bợ, hứng những ngọn gió đồng nội mang theo hương lúa thoang thoảng, chúng tôi phóng tầm mắt ra xung quanh. Lão nông Ba Be khoe, xung quanh đây toàn đất của ông và con cháu. Sen, lúa mọc ngút ngàn, cò bay thẳng cánh. Hỏi vì sao có diện tích đất “khủng” này, ông xòe hai bàn tay chai sần: “Tôi bắt đầu từ số không, nhờ hết vào nó”.
Lão nông Ba Be hoài niệm, năm 1979, sau khi xuất ngũ, từ Mỹ Tho (Tiền Giang) ông dắt díu gia đình vào đây khai hoang, mở đất, tìm miếng cơm, manh áo cho vợ con. Nghe mà giật mình!
Tôi còn nhớ, có lần ngồi tỉ tê với TS Mai Thành Phụng (nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Phó Chủ nhiệm Dự án Nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười (ISA/FOS/ĐTM). Theo TS Phụng, khoảng 40 năm trước, khi cùng vào vùng Đồng Tháp Mười nghiên cứu trị phèn, TS Melforw (chuyên gia về đất phèn của Hà Lan) đã cảnh báo: “Muốn xử lý 1ha đất phèn ở đây phải tốn cả triệu USD”. Hai giáo sư địa chất người Nga vào Nông trường Láng Biển (Đồng Tháp Mười) lấy mẫu đất đem về nước mình phân tích cũng kết luận: “Đồng Tháp Mười không thể trồng lúa!”. “Toàn nước phèn là phèn. Nước ngọt không có một giọt để uống. Đất gì mà ma chê, quỷ hờn” - TS Phụng thổ lộ.
Kể lão nông Ba Be nghe chuyện này, ông cười ngất: “Lúc ấy, đúng là chuột chạy cùng sào mới vào Đồng Tháp Mười. Cả khu rừng mênh mông chỉ có gia đình tôi. Nước ngọt không có đủ uống chứ đừng nói để trồng cây”.
Đất, rừng Đồng Tháp Mười khắc nghiệt. Để trị phèn, lão nông Ba Be xẻ kênh thoát phèn cho đất. Chưa đủ, ông mua vôi rắc xuống đồng. Thiếu nước ngọt trồng cây, ông quay quắt tìm giống cây thích hợp với đất phèn, hạn chế nước ngọt. “Nghe một số nông dân mách cây khoai mỡ thích hợp với đất Đồng Tháp Mười nên tui mua về trồng thử. Đúng là “khoai đất lạ, mạ đất quen” cây khoai mỡ sống khỏe trên đất phèn, cho củ rất tốt” - lão nông Ba Be cười hả hê.
Mười bốn năm trồng khoai mỡ thành công trên đất phèn khiến nhiều người đặt cho lão nông Ba Be biệt danh “vua khoai mỡ”. Và quan trọng hơn, quỹ đất từ con số không ban đầu giờ lão nông Ba Be có trong tay nhiều ha đất.
Rồi nước ngọt theo kênh trị thủy cũng kéo về ngọt hóa Đồng Tháp Mười. Lão nông Ba Be sau thời gian trồng cây đay chờ nước ngọt đã quay sang trồng cây lúa. Từ một vụ lúa/năm, ông đê bao ruộng trồng 2 vụ/năm. Trong khi nông dân đổ xô trồng lúa thơm xuất khẩu, ông trồng lúa nở bán trong nước. Ông bảo “thích làm ngược”, ai đổ xô trồng cây, con nào là ông tránh ra trồng cây, con khác; cái gì nông dân không làm thì ông làm; người ta đủng đỉnh làm thì ông chạy trước, đón đầu… Vậy là, qua các vụ lúa trúng lớn đất đai ông lại phình ra, đến nay đã là hàng chục ha - một quỹ đất ở Đồng Tháp Mười “xưa nay hiếm”.
“Vua” du lịch miệt vườn
Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện, anh Út Cưng (Trần Hoàng Anh - con út ông Ba Be) đang loay hoay trong ao hái gương sen. Giá gương sen đang ở mức 50.000 đồng/kg nên vụ này anh Út Cưng thắng đậm. 12ha “ông già” giao cho anh giờ có 7ha trồng sen lấy gương, trồng lúa và 5ha nuôi cá đồng. Lão nông Ba Be tính nhẩm lợi nhuận từ khu đất này mỗi năm, gồm: 40 triệu đồng từ gương sen, 100 triệu đồng từ lúa và 75 triệu đồng từ cá đồng.
Tuy nhiên, kế hoạch lớn của cha con ông Ba Be là đang biến khu đất 12ha này thành điểm du lịch vườn thu hút du khách gần xa. Chỉ riêng việc đào ao nuôi cá đồng, anh Út Cưng cho biết đã tốn mất một tỷ đồng. “Gia đình tôi dự tính biến khu đất này thành điểm du lịch hoang dã đúng nghĩa, bằng cách không đầu tư nhiều, để trang trại “mộc” với những bờ đê, ruộng lúa, ao cá đồng, rặng dừa và ngủ võng… tạo điểm đến lạ mắt cho khách du lịch thích khám phá thời hoang sơ khai khẩn của Đồng Tháp Mười”. Theo anh Út Cưng, hiện 2 ngày cuối tuần mỗi ngày có khoảng 5 đoàn khách đến vui chơi, giải trí bằng câu cá, ẩm thực, lứu trú tại điểm du lịch này.
Lão nông Ba Be bộc bạch, thời buổi làm nông mang nhiều yếu tố cạnh tranh cần phải đột phá để tìm hướng đi phát triển mới. Cái tính của một cựu chiến binh vào sinh, ra tử thời chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc và một người đi khai hoang lập ấp đã tạo nên một lão nông nhanh nhạy thời cuộc, táo bạo và cần cù.
“Tôi từng dẫn quân đánh vào Sài Gòn năm Mậu Thân (1968), từng nằm gai nếm mật đi khai hoang, từng là một người làm thuê… Tôi đúc kết hết những kinh nghiệm mà mình đã trải qua, vì thế, mà có thành công ngày hôm nay” - lão nông Ba Be trần tình.