Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp: Cần tạo dựng lòng tin giữa nhà đầu tư và startup
Để có được một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh đòi hỏi sự cộng tác của nhiều thành tố, bao gồm doanh nhân, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính phủ và những nhà đầu tư mạo hiểm...
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là năm 2018, được Chính phủ và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, so với các nước, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt chưa tạo dựng được lòng tin nơi các doanh nghiệp.
Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam được phát triển một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để có được một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh đòi hỏi sự cộng tác của nhiều thành tố, bao gồm doanh nhân, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính phủ và những nhà đầu tư mạo hiểm.
Đề cao vai trò của doanh nghiệp lớn
Hiện Chính phủ Việt Nam và các thành phần kinh tế rất quan tâm đến khởi nghiệp. Cùng với Hà Nội và Đà Nẵng, Tp.HCM đã xây dựng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) làm địa chỉ cho doanh nghiệp khởi nghiệp làm việc, giao lưu kết nối.
Cùng với sự tạo điều kiện về chính sách của Chính phủ, các hoạt động hỗ trợ của bộ ngành thì vai trò của các doanh nghiệp lớn đối với startup rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Họ có thể hỗ trợ các startup về vốn, công nghệ, sau đó là kết nối vào chuỗi sản xuất, cùng vươn ra thị trường thế giới nếu các dự án khởi nghiệp thành công.
Tuy nhiên, hiện khoảng cách giữa các doanh nghiệp lớn và startup vẫn còn lớn, vai trò của các doanh nghiệp lớn cũng như của các hội nghề nghiệp trong hỗ trợ và phát triển cộng đồng khởi nghiệp chưa đủ mạnh. Trong khi startup là nhân tố thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong những doanh nghiệp lớn, thì doanh nghiệp lớn có vai trò hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các startup.
Có thể thấy những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thất bại của startup chủ yếu do thiếu kinh nghiệm. Do đó, startup cần kết hợp với các thành phần khác của hệ sinh thái, trong đó doanh nghiệp lớn là thành phần vô cùng quan trọng.
Ngoài việc đầu tư vốn, cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm thương trường và cách quản lý nguồn vốn tránh các bẫy tài chính thường gặp... các doanh nghiệp lớn còn trở thành nhà đầu tư bền vững, là khách hàng đưa sản phẩm khởi nghiệp vào trong chuỗi giải pháp cung cấp ra thị trường cho các startup.
Ông Tony Wheeler, nhà sáng lập Imaginex, nhấn mạnh: "Để giúp hệ sinh thái khởi nghiệp thành công và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, những doanh nghiệp lớn phải "ngồi cùng một con thuyền" và đưa ra những gói hỗ trợ về tài chính, là đối tác hoặc trở thành khách hàng của các startup chứ không phải là người cạnh tranh".
Đồng tình, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu cũng cho rằng, doanh nghiệp lớn cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ cộng đồng khởi nghiệp, mở cơ hội cho sản phẩm ra thị trường; tìm kiếm, lựa chọn đầu tư vào start-up tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển của công ty.
Chia sẻ thêm kinh nghiệm ở Úc, ông Tony Wheeler cho biết: "Chính phủ đóng vai trò quan trọng, tập trung vào việc ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư, thay đổi Luật Phá sản để việc thất bại không trở thành vấn đề của khởi nghiệp và tạo ra những chương trình kết nối toàn cầu, tạo điều kiện nhập khẩu năng lực kinh doanh để phát triển đất nước, thay đổi chính sách huy động vốn cộng đồng, hỗ trợ các vườn ươm và những chương trình tăng tốc thông qua hỗ trợ vốn và chương trình khoa học và đổi mới quốc gia".
Cần tạo dựng lòng tin lẫn nhau
Có thể thấy vai trò của các doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp rất quan trọng. Khởi nghiệp không thể tách khỏi hệ sinh thái, đó là tổng hòa của các yếu tố như chính sách, sự hỗ trợ, thị trường... Bất kỳ start-up nào cũng thật sự cần có vai trò của nhà đầu tư, nhà cố vấn, nhà khoa học. Tuy nhiên, các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là chưa kết nối chặt chẽ, chưa phát triển lành mạnh khi mà các startup còn nghi ngại sợ doanh nghiệp lớn "nuốt" và ngược lại doanh nghiệp lớn cũng thiếu cơ sở để tin tưởng startup.
Một startup khi bước vào cuộc chiến kinh doanh thì thiếu rất nhiều, đầu tiên là vốn, công nghệ rồi sau đó là quản trị, là tham gia chuỗi sản xuất, là thị trường. Trong 10 yếu tố cơ bản của khởi nghiệp thì các startup ở Việt Nam chỉ có được một yếu tố là ý tưởng, có thể thêm yếu tố đội ngũ tích cực, còn lại là thiếu hết. Thế nhưng, nhiều startup vừa tìm kiếm sự hỗ trợ ở doanh nghiệp lớn vừa sợ bị "nuốt", bị "thôn tính".
"Tìm đến với các doanh nghiệp lớn, các startup sẽ tìm thấy ở đó một nhà cố vấn, một nhà đầu tư, một nhà hỗ trợ tài chính. Kết nối với doanh nghiệp lớn các startup sẽ có thị trường. Rất nhiều bạn khởi nghiệp nói là rất sợ doanh nghiệp lớn nuốt. Với tư cách là doanh nghiệp lớn, tôi khẳng định là chúng tôi không nuốt các bạn, chúng tôi cần các bạn làm việc với chúng tôi, đưa giải pháp của các bạn vào chuỗi giải pháp của chúng tôi. Và chúng tôi không bao giờ đầu tư mang tính chất chi phối", ông Trần Anh Tuấn khẳng định.
Ngược lại, các nhà đầu tư cũng thiếu tin tưởng vào startup. Theo ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon (SAM), những hạn chế khiến nhà đầu tư không thể đi đường dài với startup đó chính là sự thật thà trong quá trình giới thiệu dự án và gọi vốn. Nhà đầu tư cần điều này để hoạch định chính xác. Tuy nhiên, không nhiều dự án trình bày chân thật nên sau vòng thẩm định, nhà đầu tư buộc phải chia tay với startup.
Đồng tình, ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cho biết: các dự án khởi nghiệp khi đi gọi vốn thường quá quan tâm, đam mê với sản phẩm của mình mà quên đi câu chuyện kinh doanh. Khi gọi vốn, họ không cho doanh nghiệp lớn thấy được sự đo lường thị trường, xác định được năng lực cạnh tranh và lợi thế của mình. Họ không đưa cho nhà đầu tư một cơ hội thoái vốn. Trong khi các nhà đầu tư khi đầu tư cho các dự án khởi nghiệp là phải đối mặt với thanh khoản khi mua 5-7 năm có khi chẳng phát triển được, chẳng bán được; chịu rủi ro về thay đổi công nghệ, về tính liêm chính, về khả năng xung đột sở hữu trí tuệ, định giá, khả năng mất kiểm soát và che dấu thông tin... Cho nên, niềm tin của doanh nghiệp lớn - nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp là có giới hạn.
"Cả phía dự án khởi nghiệp và nhà đầu tư đang tạo ra hệ sinh thái đầu tư rất nghèo nàn. Và chỉ khi những câu chuyện này được chia sẻ ra, chúng ta lắng nghe nhau, tìm giải pháp đi cùng với nhau thì bài toán về vốn cho dự án khởi nghiệp mới có màu sắc mới hơn, tích cực hơn và đem lại bức tranh sán lạn cho hệ sinh thái khởi nghiệp", ông Đức nói.
Có thể thấy rằng, trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đang có sự thiếu liên kết giữa các tỉnh thành, vùng miền với nhau. Hệ sinh thái khởi nghiệp trên cả nước nói chung và Tp.HCM nói riêng đang rất sôi động, nhiều nguồn lực hỗ trợ... nhưng các chương trình đang thiếu thông tin kết nối, chưa đi vào chiều sâu. Lòng tin giữa doanh nghiệp lớn với startup và ngược lại chưa được củng cố, xác lập cho nên còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện mối quan hệ này.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ bứt phá
Một khi vai trò của các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn được đề cao; lòng tin giữa doanh nghiệp và startup được xây dựng, có sự kết nối... hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển bền vững.
Nếu năm 2012, chúng ta mới chỉ dừng ở con số 400, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Và bức tranh startup Việt đã phát triển mạnh mẽ trong năm 2017-2018 với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.
Hiện hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.
Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Cụ thể, Tập đoàn Vinacapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự thành công của các startup Việt với những khoản gọi vốn đầu tư lớn: Foody gọi vốn thành công 64 triệu USD; Tiki.vn nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc; Sendo.vn gọi vốn thành công 51 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á. Và startup Việt được thành lập ở nước ngoài cũng gặt hái thành công như Misfit, GotIt hay Kyber Network.
Theo xu hướng này, số lượng các dịch vụ và hoạt động của hệ sinh thái, các sự kiện khởi nghiệp, các vườn ươm doanh nghiệp... sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, góp phần vào sự tăng trưởng chung của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta có thể hy vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu startup, trong đó có 5.000 startup sáng tạo. Đây sẽ là lực lượng doanh nghiệp tiên phong, có khả năng tăng trưởng cao để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh sáng kiến của khu vực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cùng các nước trong khu vực cũng đã rất tích cực trong việc đưa ra các sáng kiến cấp vốn hướng đến các công ty khởi nghiệp (ví dụ sáng kiến Thung lũng Silicon Việt Nam do Chính phủ tài trợ).
Đây là một sự thay đổi về chính trị khi chuyển từ tập trung vào các doanh nghiệp lớn của nhà nước sang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực tư nhân, việc này cũng góp phần vào sự thay đổi văn hóa cần có để có thể xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp mới và năng động. Và với phong trào startup đang phát triển vũ bão, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của châu Á trong tương lai không xa.