U80 lập nghiệp thành công nhờ nuôi ong, kiếm gần tỷ đồng mỗi năm
Nhờ chăm chỉ nuôi ong và bán các sản phẩm từ ong mà lão nông Hồ Văn Sâm, 76 tuổi ở bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có thế kiếm gần tỷ đồng mỗi năm.
Số tiền này đã giúp gia đình ông có của ăn của để và trở thành một trong những hộ nuôi ong tiêu biểu xuất sắc trong khu vực.
Sinh ra ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tháng 9/1965, sau khi học xong Trung cấp nông lâm, ông Sâm hăng hái lên Sơn La lập nghiệp. Cái “duyên” với con ong gắn liền với ông khi cùng năm ấy tỉnh Sơn La quyết định thành lập trại nghiên cứu thực nghiệm nuôi ong Sơn La và ông Sâm được giao cho nhiệm vụ phụ trách kĩ thuật nuôi ong. Đến năm 1980 thì ông được bầu làm giám đốc Công ty Ong Sơn La.
Là người hiểu rất rõ đặc điểm, tập tính sinh học của con ong nên sau khi Công ty ong giải thể vào năm 1990, ông Sâm đã quyết tâm làm giàu từ loài sinh vật này.
Ông Sâm kể lại: “Lúc ấy kinh tế còn khó khăn, nên tôi chỉ mua 7 đàn ong ngoại, rồi về chăm sóc và nhân đàn. Ong là loài vật ‘nhạy cảm”, chăm sóc không đúng cách là rất dễ bị bệnh hoặc chết nên tôi đã dành gần như toàn bộ thời gian để theo dõi sự phát triển của chúng.”
Từ 7 đàn ong, Ông Sâm đã tích cực nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng khoa học kĩ thuật vào quá trình nuôi ong nên đàn ong của ông luôn phát triển tốt. Theo ông Sâm, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Sơn La có 7 mùa hoa để ong lấy mật, đó là một trong những ưu đãi của thiên nhiên dành cho người nuôi ong để có được những loại mật ong thơm ngon và tinh khiết nhất. Vì thế ông đã chọn nuôi ong theo kiểu “du mục” theo mùa hoa, nghĩa là di chuyển đàn ong đến những nơi có nhiều loài hoa đang nở. Ông thường chuyển ong vào Sông Mã, Thuận Châu, Mộc Châu, Mai Sơn…
"Nếu người nuôi hiểu rõ kĩ thuật chăm sóc đàn ong và nắm được thời gian của các mùa hoa trong năm thì một đàn ong ngoại có thể cho tới 35-45kg mật/năm, năng suất và chất lượng cao hơn hẳn giống ong nội.” Ông Sâm cho biết thêm.
Hơn 50 năm gắn bó với ngành ong, đến nay gia đình ông Sâm đã có khoảng 1.000 đàn ong, được nuôi ở trong và ngoài tỉnh, cho thu hoạch khoảng 40 tấn mật mỗi năm. Ngoài mật ong, ông còn khai thác các loại sản phẩm như: Phấn hoa, sữa ong chúa, keo ong, sáp ong, nhộng ong, nọc ong.
Với giá bán 300.000 đồng/lit mật ong; 1,5 triệu đồng/kg sữa ong chúa; 1,2 triệu – 1,5 triệu đồng/kg phấn hoa thì chỉ riêng 3 loại sản phẩm này cũng mang về thu nhập cho gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Đây là mức thu nhập không nhỏ đối với bà con ở địa phương còn nhiều khó khăn như Sơn La.
“Nghề nuôi ong thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình tôi. Hiện tại, các con cái, anh em của tôi cũng đang là chủ các trại ong lớn, một phần là để kiếm thu nhập cho gia đình, phần nữa là để góp phần vào sự phát triển nghề nuôi ong ở Sơn La”. Ông Sâm vui vẻ nói thêm.