Lão nông bỏ nhà lên núi lập nghiệp thành công với trang trại nấm
Sau 5 năm đặt chân đến thôn Châu Giang (xã Hneng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Trọng Hiệp đã gầy dựng được 6 trại nấm quy mô lớn, đều đặn hàng năm cho lợi nhuận hơn 600 triệu đồng
Ông Hiệp cho biết, gia đình ông có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề trồng nấm. Nghề này rất phù hợp với những vùng có thời tiết mát mẻ. Vì vậy, năm 2014, sau chuyến lên Gia Lai thăm người quen, ông đã quyết định chọn mảnh đất này làm nơi phát triển nghề trồng nấm vì điều kiện thời tiết khá lý tưởng.
“Gia đình tôi gắn bó với nghề trồng nấm từ năm 1997. Lúc đó, quy mô các trại nấm của gia đình ở Đồng Nai lớn hơn đây rất nhiều. Nhưng do thị trường cạnh tranh gay gắt nên xét về hiệu quả kinh tế thì không bằng bây giờ”-ông Hiệp nói.
Dẫn chúng tôi tham quan các trại nấm, ông Hiệp cho biết, trên diện tích 5 ha đất sản xuất của gia đình, ngoài trồng cao su và cà phê, ông dành khoảng 12.000 m2 xây dựng 6 trại nấm, khu vực nhà lò, khu vực vào bịch và ủ nấm. Tổng kinh phí đầu tư cho mô hình trồng nấm là 1 tỷ đồng. Trong 6 trại nấm, ông Hiệp trồng 4 loại nấm gồm: nấm mèo (mộc nhĩ), nấm sò (cả trắng và xám), nấm rơm, nấm bào ngư với tổng cộng khoảng 120.000 bịch.
Do có diện tích sản xuất lớn nên mỗi trại nấm được ông Hiệp xây dựng với khoảng cách nhất định để đảm bảo độ thoáng, tránh lây lan bệnh trên cây nấm.
Về kinh nghiệm trồng nấm, ông Hiệp cho biết: “Mỗi lần thu hoạch nấm xong, tôi phải làm vệ sinh sạch sẽ phần miệng bịch, rồi dùng nắp đậy bịt đầu bịch lại để hãm sự sinh trưởng của các tai nấm. Nếu không làm vậy, nấm sẽ tiếp tục ra đến khi hết chu kỳ của một bịch phôi nấm, mà cây nấm lại không to, năng suất thấp. Do đó, quá trình nuôi phôi, thu hoạch phụ thuộc phần lớn vào kinh nghiệm cũng như kỹ thuật của người trồng”.
“Nấm rất dễ nhiễm bệnh nên khu vực trồng phải đặt cách xa khu dân cư và khu chăn nuôi gia súc để tránh các loại vi khuẩn xâm nhập. Trồng nấm đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Một số hộ trong vùng cũng đến học hỏi kinh nghiệm rồi về xây trại trồng nấm nhưng sau một thời gian phải ngậm ngùi bán trại vì nấm bị nhiễm bệnh, thu hoạch không đạt, hiệu quả kinh tế không cao”-ông Hiệp cho hay.
Cũng theo ông Hiệp, nhu cầu tiêu thụ nấm sạch trên địa bàn tỉnh rất lớn. Do đó, ngay từ khi bắt đầu sản xuất, ông đã chọn hướng trồng nấm theo quy trình sinh học để cho ra các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, để tạo nguồn hàng ổn định và liên tục cho thương lái, trại nấm của ông sản xuất kiểu gối đầu từng đợt.
Với các loại nấm bào ngư, nấm sò, từ lúc treo bịch đến khi thu hoạch xong khoảng 5 tháng. Sau khi thu hoạch, các bịch nấm được gỡ xuống để khử trùng trại rồi tiếp tục quay vòng sản xuất. Để tận dụng nguyên liệu là các bịch nấm đã thu hoạch xong, ông Hiệp tiếp tục ủ làm nấm rơm.
“So với các loại nấm khác, nấm rơm có chi phí đầu tư thấp nhưng giá bán lại cao hơn rất nhiều. Hiện tại, giá nấm rơm tôi bán khoảng 120 ngàn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ loại này rất mạnh nên gần như cung không đủ cầu”-ông Hiệp cho hay.
Được biết, toàn bộ lượng nấm thu hoạch, ông Hiệp xuất bán tại trại cho thương lái để đem đi tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cứ quay vòng 1 năm 2 vụ (5 tháng/vụ), trung bình mỗi năm, 6 trại nấm của ông Hiệp cho thu hoạch khoảng 40 tấn nấm tươi các loại, sau khi trừ hết chi phí còn lãi hơn 600 triệu đồng.
Nói về trại nấm của ông Hiệp, ông Vũ Văn Lượng-Trưởng thôn Châu Giang-nhận xét: Bên cạnh việc đem lại nguồn thu lớn hàng năm cho gia đình, trại nấm của ông Hiệp còn tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương, trong đó có 5 lao động thường xuyên với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao để người dân trên địa bàn học hỏi làm theo, từ đó phát triển kinh tế gia đình.
Tựa bài do enternews đặt