9X khởi nghiệp nông nghiệp với thu nhập tiền tỷ
Hoàng Văn Hướng ở huyện Diễn Châu, Nghệ An đã thành công trong việc xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trở thành tấm gương sáng của thanh niên khởi nghiệp xứ Nghệ.
Mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo trong sản xuất, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hoàng Văn Hướng (SN 1991 ở xóm 7, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã thành công trong việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trở thành tấm gương sáng của thanh niên khởi nghiệp xứ Nghệ.
Đi lên từ hai bàn tay trắng
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Hoàng Văn Hướng làm cho công ty hàng tiêu dùng một thời gian. Tuy nhiên cảm thấy công việc không ổn định, thu nhập lại bấp bênh, Hướng quyết định về quê nối nghiệp gia đình làm nông nghiệp.
“Cơ duyên đến với nghề trong một lần mình tình cờ xem được chương trình về nông nghiệp của Israel bằng mô hình nhà màng.
Thấy mô hình này mới lạ và rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương nên mình nảy ra ý tưởng mong muốn tạo bước đột phá, thay đổi tư duy tập quán canh tác trong sản xuất nông truyền thống, áp dụng công nghệ cao bằng mô hình nhà màng để sản xuất những sản phẩm tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì vậy, mình mới bắt đầu tìm hiểu, tham quan, học hỏi và quyết định trồng dưa lưới trong nhà màng”, Hướng tâm sự.
Tuy nhiên, để bắt tay vào thực hiện ước mơ đó không là điều phải dễ dàng. Nhớ lại những ngày đầu mới ra trường, kinh nghiệm lại chưa có vốn lại càng không, thanh niên 9x chạy vạy khắp nơi từ bạn bè, người thân nhưng số tiền ấy cũng không đủ.
Bên cạnh đó, Hoàng Văn Hướng lại không được sự ủng hộ từ bố mẹ về hướng đi phát triển nông nghiệp mới.
“Vì khởi nghiệp bằng nông nghiệp nên bố mẹ phản đối rất nhiều, bởi họ cũng làm nông, hiểu được nỗi vất vả của nghề nên mong muốn con trai sau khi có bằng đại học làm một công việc ổn định và đỡ vất vả hơn.
Chính vì thế để thuyết phục được bố mẹ, mình phải thật sự kiên trì và giải thích cho người thân hiểu về lợi ích mà mô hình mang lại”, Hướng cho biết thêm.
Năm 2016, trên diện tích 1.000m2, Hoàng Văn Hướng xây dựng hệ thống nhà màng phủ ni lông và công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Đó là công nghệ và thiết bị hiện đại từ van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng, vòi phun áp lực thấp để phun mưa loại nhỏ.
Đặc biệt hệ thống thông minh này ngoài tiết kiệm nước nó còn được điều khiển bởi máy tính và cảm biến sẽ tự động đóng mở van tưới khi nhận thấy độ ẩm của rễ cây đạt mức thích hợp.
Với mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng, công trình đã được hoàn thành và đưa 3.000 cây dưa lưới vào trồng. Việc xây dụng nhà màng kính trồng dưa chủ động được việc chăm sóc, cách ly sâu bệnh gây hại, đảm bảo được chất lượng, an toàn thực phẩm. Sau 2 tháng, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vụ dưa đầu tiên cho thu hoạch khoảng 2 tấn, gia đình Hướng thu về khoảng 100 triệu đồng.
Khó khăn trong khởi nghiệp
Tưởng chừng như công việc thuận lợi nhưng, chỉ sau 2 vụ dưa lưới cho thu hoạch, nhà màng của chàng trai 9x bị thiệt hại và hư hỏng nặng nề do ảnh hưởng từ cơn bão số 2.
Mỗi khi nhắc lại Hướng vẫn cảm thấy xót xa: “Chưa có nhiều kinh nghiệm trong những vụ mùa đầu tiên, không lường trước được hậu quả của thiên tai xảy ra ập đến khiến nhà màng của gia đình tôi bị sập hoàn toàn, mất trắng và thiệt hại lên đến gần 500 triệu đồng”.
Cú vấp ngã ấy chẳng thể ngăn nổi ý chí vươn lên, cùng niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, thanh niên tiêu biểu Hoàng Văn Hướng lại bắt tay làm lại từ đầu.
Năm 2018, bằng kinh nghiệm vốn có, sự kiên trì, chịu khó, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hoàng Văn Hướng một lần nữa được “hồi sinh” và đạt hiệu quả năng suất cao từ 2.5 - 3 tấn/vụ nhờ áp dụng nhà màng trồng dưa lưới theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch.
Bên cạnh đó, chàng trai 9x còn tận dụng nhà màng để trồng thêm rau và hoa luân canh xen vụ.
Những trái ngọt trong nghề
Hiện tại, mô hình nông nghiệp sạch công nghệ cao của Hoàng Văn Hương đã cho thu hoạch được 3 tấn dưa, trừ mọi chi phí chủ vườn thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Ngoài ra, để vừa cung ứng đầu ra sản phẩm, vừa nâng cao chất lượng thực phẩm an toàn cho người dân, Hoàng Văn Hướng còn mạnh dạn xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại chợ Trung tâm xã Diễn Thành diện tích 60m2 và ngã tư chợ Diễn Xuân diện tích 30m2; mở cửa hàng cà phê…với tổng doanh thu hàng năm khoảng hơn 2 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 người có mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng và 7 lao động thời vụ với thu nhập 150.000 đồng/ngày.
Trong tương lai, anh Hướng mong muốn được phát triển thêm nhiều loại giống cây trồng trên phần diện tích nhà của mình và phát triển thêm các chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở Nghệ An mà còn ở các tỉnh thành khác trên cả nước để người dân mọi nơi có thể sử dụng nguồn thực phẩm an toàn và chất lượng nhất.
Phó Bí Thư huyện đoàn Diễn Châu Ngô Thành Công cho biết: “Hoàng Văn Hướng hiện là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp cấp huyện, luôn đi đầu trong phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế của địa phương.
Năng động và sáng tạo dám nghĩ dám làm, ngoài việc mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất mang lại kinh tế hiệu quả cao, Hướng cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho nhiều thanh niên tại địa phương, với mong muốn ngày càng có nhiều các bạn trẻ, các đoàn viên thanh niên nhiệt huyết, có khát khao lập thân lập nghiệp trên mảnh đất quê hương”.
Với những đóng góp của mình, Hoàng Văn Hướng đã được Hội nông dân tỉnh tặng bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2017; Giấy khen tuyên dương Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi năm 2017 của huyện đoàn, vinh dự hơn Hướng còn là một trong 15 thanh thiếu nhi tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2019 được Tỉnh đoàn tuyên dương.