Khởi nghiệp ở Nhật Bản và những “hàng rào” cần vượt qua

Theo Washington Post, CNBC 01/04/2019 06:45

Ý tưởng trở thành một doanh nhân khởi nghiệp từng là chuyện xa lạ ở Nhật Bản khi nhiều người mong muốn được làm việc suốt đời tại một công ty lớn. 

Doanh nhân ở khắp mọi nơi trên thế giới đều phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi khởi nghiệp (startup). Thông thường, khi khởi nghiệp người ta phải đương đầu với thách thức như thuyết phục các nhà đầu tư tin vào tính khả thi của ý tưởng kinh doanh thì họ mới chịu rót tiền vào. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, những người khởi nghiệp còn phải vượt qua 2 “hàng rào” khá lớn khác nữa, đó chính là…vợ và bố mẹ.

Một góc thủ đô Tokyo của Nhật Bản. (Ảnh: Getty Images)

Một góc thủ đô Tokyo của Nhật Bản. (Ảnh: Getty Images)

Tại sao lại như vậy? Tờ Bưu điện Washington (Washington Post) cho rằng, doanh nhân khởi nghiệp ở Nhật Bản gặp nhiều trở ngại từ phía gia đình khi nhiều người vẫn quan niệm công việc ổn định tại một công ty lớn mới là sự lựa chọn tốt nhất. Chính vì tâm lý đó mà các bà vợ và các bậc phụ huynh thường là những “vật cản” khi chồng con họ muốn bước ra tự lập công ty để khởi nghiệp.

Ý tưởng trở thành một doanh nhân khởi nghiệp là chuyện hoàn toàn xa lạ với “giấc mơ Nhật Bản” (“Japanese dream”), giấc mơ về sự an toàn và lợi ích khi làm việc suốt đời tại một công ty lớn. Vì thế, nếu bạn muốn theo đuổi một ý tưởng tuyệt vời của riêng mình, khả năng bạn sẽ bị vợ và cha mẹ phản đối là rất lớn (trên thực tế, các doanh nhân muốn khởi nghiệp ở Nhật hầu hết là nam giới).

Ông Yoshiaki Ishii, một quan chức làm ở bộ phận khuyến khích khởi nghiệp tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: Tại Mỹ, trẻ em làm nước chanh và kiếm tiền. Vì vậy, chúng có kinh nghiệm kinh doanh ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng ở Nhật Bản không có những hình mẫu khởi nghiệp hay sự hiểu biết thấu đáo về khởi nghiệp. Do đó, mọi người không tự tin với việc bắt đầu kinh doanh riêng.

Ở Nhật Bản cũng không có thung lũng khởi nghiệp Silicon giống như Silicon Valley ở Mỹ, không có hình mẫu như ông trùm mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg. Hầu như sự đổi mới của Nhật Bản đều xảy ra bên trong những công ty khổng lồ như Sony hay Nintendo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Washington Post, môi trường cho các doanh nghiệp ở Nhật Bản đang dần được cải thiện, dù ở mức độ rất chậm.

Văn hóa khởi nghiệp chắc chắn cũng đang thay đổi, với tốc độ từ từ, Allan Watanabe - người tạo dựng hệ thống dữ liệu Fileable nói, và cho rằng, đây có thể là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh tăng trưởng thiếu sức sống, lạm phát gần như bằng không, và người tiêu dùng tỏ ra thận trọng trong chi tiêu.

Thúc đẩy tinh thần kinh doanh là một phần quan trọng trong kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản. Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư mạo hiểm và khuyến khích khởi nghiệp, song Nhật Bản vẫn ở đáy bảng khi nói đến khởi nghiệp kinh doanh.

Kết quả khảo sát của nhóm Giám sát Doanh nhân Toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor), được thực hiện bởi một số trường đại học, cho thấy, có rất ít hoạt động doanh nghiệp ở Nhật Bản từ năm 1999 - thời điểm nhóm khảo sát bắt đầu thu thập số liệu. Với thang đo mới nhất về hoạt động khởi nghiệp gần đây, Nhật Bản đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ đứng trên Suriname - một nước nhỏ ở Nam Mỹ.

Những rào cản vô hình

Washington Post liệt kê một số yếu tố "kìm chân" các nhà khởi nghiệp ở "xứ sở hoa anh đào", bao gồm: Cản trở văn hóa gia đình (sự ngăn cản của vợ và cha mẹ), thiếu các hình mẫu doanh nhân, và lo ngại rủi ro. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rườm rà khi đăng ký thành lập công ty mới cũng khiến người Nhật ngại khởi nghiệp.

Shigeo Kagami, người điều hành một chương trình khuyến khích kinh doanh tại trường Đại học Tokyo, nhận định: Những năm gần đây đã chứng kiến sự thay đổi ấn tượng. Nhật Bản đã trở thành đất nước của các doanh nhân. Các công ty lớn hiện nay đều cho rằng đổi mới là yếu tố sống còn của họ. Chính vì thế, họ đang rất muốn có được sản phẩm xuất sắc từ các nhà khởi nghiệp và các trường đại học.

Ông Tomohiro Hagiwara, người sáng lập Aquabit Spiral - một công ty khởi nghiệp về công nghệ, cho rằng, môi trường khởi nghiệp đang thay đổi từng ngày. Hiện ở Nhật Bản có nhiều cơ hội về đầu tư hơn. Doanh nghiệp cũng dần trở thành phổ biến hơn.

Ông Tomohiro Hagiwara, nhà sáng lập đơn vị khởi nghiệp Aquabit Spirals chuyên về các dịch vụ công nghệ. (Ảnh: Washington Post)

Ông Tomohiro Hagiwara, nhà sáng lập đơn vị khởi nghiệp Aquabit Spirals chuyên về các dịch vụ công nghệ. (Ảnh: Washington Post)

Một nhóm sinh viên theo học chương trình thạc sĩ tại Trường Đại học Keio có ý tưởng làm sợi từ tơ nhện, nhiều người cười và cho rằng đó chỉ là trò trẻ con. Nhưng sau này, ý tưởng "con nít" đó đã tạo nên lụa tơ nhện, thậm chí còn tạo ra một loại tơ nhện tổng hợp có thể sử dụng để may quần áo, cho phụ tùng ô tô và các thiết bị y tế...

Nhóm này đã gọi vốn thành công 130 triệu USD và hiện có 150 nhân công làm việc tại trụ sở ở tỉnh Yamagata, vùng tây bắc Nhật Bản. Hãng North Face cũng đã ký hợp đồng sản xuất áo khoác bằng tơ nhện.

Các ngân hàng lớn ở Nhật Bản hiện nay cũng đã rộng cửa đón chào các đơn vị khởi nghiệp.

Dám mạo hiểm bước ra khỏi những công ty lớn

Kênh CNBC cho rằng, người Nhật cũng đã mạnh dạn bước ra khỏi những công ty khổng lồ để bắt đầu kinh doanh riêng.

Nỗi sợ hãi về hai từ "thất bại" đã giảm dần khi thông tin về những tấm gương điển hình khởi nghiệp thành công ngày càng lan rộng và trở nên hấp dẫn giởi trẻ ở Nhật Bản, Tetsu Nakajima, người đứng đầu mảng đầu tư tại liên doanh Mistletoe cho hay.

Bức tranh khởi nghiệp của Nhật Bản trước kia bị lu mờ bởi Silicon Valley ở Mỹ và Trung Quốc, nay đã sáng dần lên.

James Riney, người đứng đầu 500 Startups ở Nhật Bản, hiện đang quản lý quỹ đầu tư lên tới 50 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng), chia sẻ: Việc thành lập công ty riêng giống như "kế hoạch B" bởi nhiều người tài vẫn theo xu hướng "đầu quân" cho những tập đoàn danh tiếng hay các tổ chức công.

Tuy nhiên, theo James Riney, quan niệm trên đang dần thay đổi, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp trong thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử. Nhiều nhân vật đã thành công nhờ công nghệ, và noi gương các mô hình kinh doanh thành công như Mercari, Rakuten, DeNA, GREE...

Cùng với sự lớn mạnh của các "gã khổng lồ" khởi nghiệp thành công như Airbnb, Uber và Facebook, niềm tin trong giới trẻ được nhân lên, và bậc các phụ huynh cũng dần thay đổi quan niệm và có cái nhìn tích cực hơn về khởi nghiệp.

Theo Washington Post, CNBC