Ứng dụng công nghệ tạo ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Báo Hải quan trao đổi với ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành của Saigon Innovation Hub (SIHUB)- Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thuộc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM.
- Theo đánh giá của ông, công nghệ đóng vai trò như thế nào trong quá trình xây dựng và phát triển dự án khởi nghiệp?
Khởi nghiệp là quá trình tạo dựng doanh nghiệp dựa trên nền tảng và sự hình thành một sản phẩm mới đưa ra thị trường. Sản phẩm mới có thể là một dịch vụ mới. Quá trình này xuyên suốt đều có vai trò của công nghệ. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hết sức quan trọng bởi yếu tố này chỉ có sự sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ mới tạo ra ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mới.
Bên cạnh đó, trong quản trị, phát triển mô hình kinh doanh cũng đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao. Chúng ta có những bài học như Amazon, Alibaba, Grab… để có thể điều hành kinh doanh của họ thì họ đã ứng dụng công nghệ rất cao như dùng vệ tinh, công cụ, phần mềm ứng dụng, App để điều hành, quản lý kinh doanh. Điều đó cho chúng ta thấy vai trò của công nghệ xuyên suốt trong quá trình quản trị kinh doanh của bất kì doanh nghiệp nào. Đặc biệt là đối với các dự án kinh doanh khởi nghiệp.
- Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như thế nào, thưa ông?
TPHCM là một trong những địa phương dẫn đầu trong công tác khởi nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, cũng giống như cả nước, các dự án phần lớn đều thiếu tính sáng tạo, khả năng áp dụng khoa học công nghệ thấp. Dự án khởi nghiệp thiếu toàn diện chứ không hẳn là thiếu về vốn. Trước hết bản thân doanh nghiệp thiếu thông tin về công nghệ như công nghệ nào sẽ làm gia tăng giá trị sản phẩm. Thường doanh nghiệp khởi nghiệp định hình ra sản phẩm trước khi sử dụng công nghệ. Trong khi xu hướng hiện đại là các tập đoàn, công ty lớn sau khi tìm ra xu hướng công nghệ và với xu hướng công nghệ đó họ sẽ nghĩ tạo ra sản phẩm gì. Từ đó họ định vị ra những dòng sản phẩm phù hợp, phát triển trong dài hạn như 2 năm, 3 năm hay 5 năm.
Bản chất của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt hiện nay đang phát triển như là một hình tháp. Cái đáy chiếm diện tích rộng lớn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh với sản phẩm tương đối đơn giản. Tầng tháp thứ hai nó cũng đã to hơn là giai đoạn ứng dụng ở mức trung bình, ví dụ chúng ta thấy cũng có một số sản phẩm từ dược liệu có thể làm ra sản phẩm, mức độ ứng dụng công nghệ trung bình. Phần cao nhất còn rất hạn chế ngoài một số công ty dược có tiềm năng đã mua một số công nghệ chiết xuất tạo ra sản phẩm. Nói chung, chúng ta vẫn chưa đạt được mức độ ứng dụng công nghệ mới nhất để làm cho giá trị sản phẩm bản địa có giá trị gia tăng cao.
- Trong thời gian gần đây, nhiều mô hình khởi nghiệp sử dụng tài nguyên bản địa được nhiều người quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp trong lĩnh vực này ra sao, thưa ông?
Trong thời gian 5 năm gần đây, việc nhiều dự án khởi nghiệp sử dụng tài nguyên bản địa, đặc biệt là sản phẩm và cách sử dụng của truyền thống áp dụng công nghiệp hóa, thương mại hóa để trở thành những sản phẩm đưa ra thị trường trở lên bùng phát mạnh mẽ. Đặc biệt là các sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa thành công nhờ đổi mới sáng tạo, ứng dụng sức mạnh công nghệ như mô hình bột rau má Quảng Thanh, kính mát với gọng kính hoàn toàn từ tre…
Chẳng hạn chiếc mắt kính đang được bán tại sân bay Paris với giá 400 euro do một bạn trẻ khởi nghiệp ở Củ Chi (TPHCM) làm ra, với gọng kính hoàn toàn từ tre là một ví dụ điển hình. Sở dĩ mắt kính trên bán mắc như thế mà vẫn có người mua, bởi bạn trẻ này đã nắm bắt được xu hướng dùng các sản phẩm thiên nhiên, tự nhiên của người tiêu dùng trên thế giới. Đó là những ưu thế của khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, kết hợp với việc am hiểu thị trường, tầm nhìn của người khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật để tạo ra một sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, bình diện chung việc công nghiệp hóa các sản phẩm truyền thống của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt phần lớn hiện vẫn mang tính đơn sơ. Đơn cử như chúng ta thấy rất phổ biến là các cây có dưỡng tính chúng ta thường sấy, phơi khô, băm, vào bao… đem bán. Đây là cách dùng công nghệ tương đối đơn giản làm cho giá trị sản phẩm không cao. Trong khi, nếu chúng ta chiết suất ra những hoạt chất cao làm chức năng bảo vệ da chẳng hạn… sẽ có giá trị kinh doanh cao hơn rất nhiều lần.
Mặt khác, hiện doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu các tổ chức phụ trợ chẳng hạn như những nhà đầu tư, đơn vị tư vấn. Ví dụ, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng ta nên tập thói quen sử dụng đơn vị tư vấn để đánh giá năng lực, qua đó đánh giá với sản phẩm bản địa, với nguồn lực, cách tổ chức hiện tại thì người ta có thể tư vấn, tái cấu trúc doanh nghiệp đó. Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp tư vấn để đưa công nghệ, tài chính, quản trị vào để giúp cho doanh nghiệp tạo ra những dòng sản phẩm mới phát triển cao hơn. Những nhà đầu tư tài chính cũng có thể thấy được sự sinh lợi từ việc đầu tư vào. Đây là cách để cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội và tài chính để đầu tư vào công nghệ phát triển doanh nghiệp, tạo ra dòng sản phẩm mới.
- Xin cảm ơn ông!