Startup Jibo bị phá sản vì đối thủ sao chép sản phẩm và chiếm thị phần
Sau khi “đốt” hơn 73 triệu USD nhưng vẫn không thay đổi được tình hình, Jibo buộc phải sa thải hầu hết nhân viên để “kéo dài thêm chút thời gian”.
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh:Từ một ý tưởng tuyệt vời, chú robot trợ giúp Jibo sở hữu một tương lai đầy hy vọng khi gọi được hơn 3,7 triệu USD tiền vốn trên Indiegogo.
Kế hoạch:Quyết tâm phải làm được một sản phẩm "hoàn hảo", cả đội ngũ Jibo đã dành 3 năm trời để đầu tư phát triển sao cho con robot của mình "giống người" nhất có thể.
Kết quả:Tốn quá nhiều thời gian phát triển, Jibo nhanh chóng bị các thiết bị "loa thông minh" từ các gã khổng lồ công nghệ chiếm mất thị phần, chưa kể những công ty "sao chép" của Trung Quốc đã cho ra đời mẫu robot "y chang Jibo" của họ trước cả 1 năm.
Khởi đầu như mơ
Cynthia Breazeal là một giáo sư tự động hóa nổi tiếng của Đại học MIT, nhưng cô nhanh chóng "rẽ ngang" khi bắt đầu tập trung vào dự án robot hỗ trợ cá nhân tên "Jibo".
Hiểu rằng "ý tưởng viển vông" sẽ rất khó tìm được nhà đầu tư, các nhà sáng lập đã mang Jibo lên trang gọi vốn cộng đồng Indiegogo với mục tiêu 100.000 USD.
Vượt qua mọi kỳ vọng, Jibo thu về hơn 3,7 triệu USD vì đoạn video đã thuyết phục người dùng rằng chú robot này sẽ là tương lai của công nghệ.
Jibo được giới thiệu là một robot với khả năng "đơn giản hóa" cuộc sống của người dùng, với các chức năng sau:
Thị giác: Theo dõi, nhận diện khuôn mặt, chụp hình và gọi điện video.
Thính giác: Bộ thu âm 360 độ cho phép Jibo nghe thấy tiếng gọi của người dùng ở bất cứ đâu trong nhà.
Học hỏi: Trí thông minh nhân tạo liên tục thích ứng với sinh hoạt của người dùng.
Loa ngoài: Liên tục thông báo các tin nhắn văn bản và gợi nhớ các yêu cầu của người dùng.
Nặng gần 3 kg, Jibo được tạp chí nổi tiếng Time bình chọn là một trong những sáng tạo tốt nhất năm 2017.
Nhưng tại sao Jibo lại thất bại?
1. Không theo kịp tiến độ
Dấu hiệu đầu tiên và cũng là điềm báo xấu nhất về số phận của Jibo: Đơn hàng liên tục bị trễ. Tình hình xấu đến nỗi trang web gọi vốn Indiegogo buộc phải cho phép khách hàng lấy lại số tiền đã đặt cọc.
Đến tận tháng 9 năm 2017 (tròn 3 năm sau khi gọi vốn thành công), những con robot Jibo đầu tiên mới được chuyển đến tay các khách hàng quan trọng nhất, nhưng những gì startup này nhận lại chỉ là muôn vàn nhận xét "không hài lòng".
Một tháng sau đó, Jibo bắt đầu được bán rộng rãi cho khách hàng trên khắp thế giới với mức giá rất cao: 899 USD.
2. Từ chối đơn hàng quốc tế
Sau sự xuất hiện không mấy thành công, tưởng chừng như Jibo đã trải qua tất cả những gì tồi tệ nhất, nhưng tai họa lại ngay lập tức ập đến.
Cảm thấy quá tải, Jibo thông báo rằng chỉ những đơn hàng giao tại Mỹ và Canada sẽ được tiếp tục sản xuất. "Sau khi tìm hiểu tất cả sự lựa chọn, chúng tôi rất lấy làm tiếc khi không đủ khả năng cung cấp, vì Jibo sẽ không hoạt động 100% theo thiết kế tại quốc gia của quý vị."
Thoạt chừng như đây là một hành động để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các chuyên gia nhanh chóng nhận ra đây là một bước đi "an toàn" của Jibo. Các đơn hàng quốc tế với người dùng nhiều nước khác nhau sẽ gia tăng yêu cầu kỹ thuật: Chứng chỉ an toàn điện tử, ngôn ngữ phù hợp, một bộ nhận diện ngôn ngữ theo vùng miền, các yếu tố văn hóa bản địa …
Khó khăn chồng chất khó khăn, Jibo không còn cách nào khác ngoài hủy tất cả đơn hàng quốc tế, chấp nhận đón lấy sự thất vọng của khách hàng đã đặt và chờ đợi nhiều năm tại hơn 45 quốc gia khác nhau.
3. Đối thủ giá rẻ
Thay vì xuất hiện trên thị trường đúng hạn vào năm 2015, khi thị trường còn rộng mở cho robot hỗ trợ, Jibo trì hoãn hơn 2 năm và tạo điều kiện cho các gã khổng lồ công nghệ nhanh chóng bắt kịp, từ Amazon cho đến Apple và Google.
Ngay sau khi chương trình gọi vốn "vang dội" của Jibo trên Indiegogo kết thúc, Amazon ngay lập tức cho ra mắt loa thông minh Echo với giá chỉ bằng 25% so với Jibo.
Không những thế, gã khổng lồ công nghệ Amazon còn thành lập Quỹ Alexa, hứa hẹn đầu tư gần 200 triệu USD cho những sáng tạo trong nhận diện giọng nói.
Kết quả là một robot Jibo với giá bán lẻ có khi lên đến gần 1.000 USD được bày bán kế bên các hệ thống loa thông minh khác với giá chưa tới 100 USD.
Trước cuộc sa thải hàng loạt, một nhân viên Jibo đã thổ lộ trên tạp chí The Robot Report rằng sản phẩm của công ty đang "sáng tạo quá lố", ban quản trị Jibo đã đầu tư không ít thời gian và tiền của chỉ để "đứa con tinh thần" của mình có thể cử động giống con người.
Thiết kế cầu kỳ này không chỉ gia tăng giá bán mà còn khiến tiến độ sản xuất bị dời lại nhiều lần.
4. Những kẻ sao chép
Rủi ro lớn nhất của các chiến dịch "gọi vốn cộng đồng" là doanh nghiệp gọi vốn cũng đang đồng thời "vạch áo cho người xem lưng", và điều đó còn tồi tệ hơn khi Jibo can đảm gọi vốn khi chỉ đơn thuần là một ý tưởng.
Vào cuối năm 2016, một số bản mẫu "na ná" Jibo đã bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc, trước gần 1 năm so với ý tưởng "chính chủ". Và mọi chuyện còn tệ hơn khi số lượng sản phẩm "tương tự" tăng đột biến tại Triển lãm CES 2017.
Kết quả
Vào tháng 3 năm 2019, Jibo chính thức tuyên bố phá sản, hàng nghìn robot Jibo đã được bán ra trên khắp thế giới cùng trình diễn "vũ điệu sau cuối" cùng với thông báo rằng máy chủ của công ty đang chuẩn bị ngừng hoạt động, đồng nghĩa với việc vô hiệu quá hầu hết tính năng của Jibo.
"Rồi sẽ có một ngày robot phát triển, mỗi người chúng ta sẽ có một chú robot trong nhà, đến lúc đó, hãy thay mặt tôi gửi lời chào", những chú robot Jibo chia sẻ với chủ nhân.
Nhưng cái chết của Jibo không phải là cái chết của thị trường robot trong nhà, nó chỉ đơn thuần khẳng định những công nghệ mà Jibo hướng tới vẫn chưa phù hợp với túi tiền của đại đa số người dùng.
Ngoài ra có thể thấy Jibo đã quá xem nhẹ các đối thủ trên thị trường, và startup này cũng không coi trọng việc sản xuất đúng hạn để rồi xuất hiện khi đã quá trễ.
Trong khi đó, thị trường robot hỗ trợ trong nhà vẫn còn rất hấp dẫn với giá trị dự đoán lên tới 500 triệu USD vào năm 2023 vì số lượng người lớn tuổi đang ngày càng tăng, hứa hẹn cái chết của Jibo sẽ không là vô nghĩa.