Xu hướng khởi nghiệp xanh

Theo Tiền Phong 16/04/2019 06:19

Kinh doanh sản phẩm thân thiện môi trường; “nói không” với ống hút nhựa… đang là xu hướng mà nhiều bạn trẻ tìm đến với mục đích bảo vệ môi trường,...

Kinh doanh sản phẩm thân thiện môi trường; “nói không” với ống hút nhựa… đang là xu hướng mà nhiều bạn trẻ tìm đến với mục đích bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Quán nước Passengers dùng ống hút sậy, inox thay cho sản phẩm nhựa Ảnh: U.P

Quán nước Passengers dùng ống hút sậy, inox thay cho sản phẩm nhựa Ảnh: U.P

Nói không với túi ni-lông

Dù mới ra mắt hồi cuối năm 2018, Lại Đây Refill Station (ở Q.2, TPHCM) của 2 cô gái trẻ Nguyễn Dạ Quyên và Tống Khánh Linh đã trở thành điểm “check-in” (đánh dấu) của nhiều bạn trẻ Sài thành có nhu cầu sử dụng sản phẩm thiên nhiên. Ở trạm dừng chân Lại Đây Refill Station, khách hàng dễ dàng lựa chọn cho mình sản phẩm thay thế đa dạng, từ đồ dùng vệ sinh nhà cửa và cá nhân đến các sản phẩm thân thiện cho “văn hóa mang đi”, như túi vải đi chợ, đi chơi, đi học, đi ăn, đi tập gym, đi du lịch… Điểm thú vị là các mặt hàng này chủ yếu làm thủ công, từ những vật liệu đơn sơ, có trong tự nhiên như mây tre, vải, thủy tinh, thiếc, đá...

Chia sẻ lý tưởng thực hiện công cuộc thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chị Nguyễn Dạ Quyên, đồng sáng lập Lại Đây Refill Station cho rằng, để khắc phục những tình trạng xấu đi từng ngày của trái đất, chính bạn là những người phải thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất. “Mỗi người có thể xuất phát từ môi trường sống khác nhau. Chúng tôi tin rằng bạn chính là người biết được mình là ai; cần làm gì để quay về với sự vốn có của Trái đất và trả lại vẻ đẹp ấy. Lại Đây ra đời cũng xuất phát từ mong muốn ấy. Tôi không muốn chứng kiến cảnh chai nhựa được thải ra mỗi ngày, nhưng phải 70 đến 450 năm mới phân hủy. Đáng sợ hơn, nếu mọi việc cứ diễn ra như hiện nay, thế hệ tương lai không có cơ hội được sinh ra trong một môi trường trong sạch mà họ đáng được hưởng”, chị Quyên chia sẻ.

Một trong những hoạt động giúp Lại Đây truyền tải thông điệp sống xanh đến với mọi người chính là Phiên chợ Lại Đây Mua Đồ - nơi những món đồ cũ có cơ hội được gặp chủ mới, tiếp tục một vòng đời có ích khác. Đây cũng chính là bước mở đầu cho một lối sống tối giản, nhẹ nhàng hơn khi bạn dọn dẹp không gian sống và chia sẻ vật dùng với những người cần đến chúng.Phiên chợ quy tụ rất nhiều gian hàng với sản phẩm đa dạng như quần áo, phụ kiện, đồ dùng nội thất… cùng mục tiêu không túi ni-lông mà Lại Đây hướng đến.

Xây dựng thương hiệu từ… xơ mướp

Những đôi dép, túi xách, chậu hoa… đủ màu sắc, đặc biệt không đụng hàng được làm từ xơ mướp luôn tạo ấn tượng với khách hàng khi đến với những phiên chợ TPHCM. Anh Mạc Như Nhân, chủ thương hiệu sản phẩm xơ mướp Vi Lâm đã chọn một nguyên liệu tưởng như bỏ đi này làm dự án khởi nghiệp cho mình.

Anh Nhân kể: “Từ nhỏ, tôi đã tự tay làm ra nhiều sản phẩm, có cả những sản phẩm làm bằng xơ mướp để tặng bạn bè hay bán cho những Việt kiều quen biết. Khi vào TPHCM làm trong lĩnh vực trang trí nội thất, tôi nhận thấy xu hướng người tiêu dùng thích sử dụng các sản phẩm làm bằng tay (handmade) từ những chất liệu gần gũi với thiên nhiên, thế là tôi quay lại với vật liệu xơ mướp”.

Để có nguyên liệu, anh đến các vùng quê ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định… thu mua xơ mướp về giặt sạch, ép, đem đi nhuộm và lên khuôn thiết kế. Do là sản phẩm tiêu dùng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường nên ngay cả việc nhuộm màu cho món đồ, anh cũng phải sử dụng màu thực phẩm. Tất cả các sản phẩm đều không dùng hóa chất, hoàn toàn làm thủ công rất an toàn cho người sử dụng. Hiện tại, với thu nhập vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng từ kinh doanh xơ mướp, anh Nhân có động lực và vốn để tính đến chuyện xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.

Thay đổi thói quen của mọi người

Nói không với túi ni-lon, ống hút nhựa thời gian gần đây được khá nhiều quán ăn, tiệm trà sữa, cà phê ở TPHCM hưởng ứng. Trong con hẻm nhỏ số 46/9 đường Trần Quang Diệu (P.14, Q.3), quán nước Passengers nhộn nhịp các cô gái trẻ đem bình theo mua trà sữa. Cẩn thận trao chiếc ống hút giấy cho khách, anh Huỳnh Chinh Vũ, chủ quán vui vẻ: “Với khách mua mang đi, mình gửi ống hút, ly giấy; còn uống tại chỗ thì quán phục vụ ống hút sậy, ống hút i-nox. Mình cũng khuyến khích mang bình, chai theo khi mua mang đi và được giảm giá 5.000 đồng/lần. Mục tiêu của quán là “nói không” với sản phẩm nhựa”.

Nhờ “ý tưởng xanh” này mà Passengers tuy là “tân binh” trong các tiệm nước, nhưng đã được các bạn trẻ chia sẻ trên Facebook, Zalo… và thu hút khá nhiều khách đến. Dù chi phí bỏ ra để dùng ống hút bột, ống hút sậy… cao hơn ống hút nhựa, nhưng anh Vũ và bạn của mình vẫn chấp nhận.“Mình đã tìm hiểu và biết nhựa có tác hại với môi trường, cả trăm năm cũng không phân hủy được.Bọn mình đã tìm nhiều nguồn sản phẩm thay thế khác nhau, có nguồn gốc thiên nhiên, dùng lại nhiều lần vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần thay đổi thói quen của khách hàng”, anh Vũ cho biết.

Mình đã tìm hiểu và biết nhựa có tác hại với môi trường, cả trăm năm cũng không phân hủy được.Bọn mình đã tìm nhiều nguồn sản phẩm thay thế khác nhau, có nguồn gốc thiên nhiên, dùng lại nhiều lần vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần thay đổi thói quen của khách hàng”.

                   Anh Huỳnh Chinh Vũ

Mỗi ngày sản xuất từ 1.000-2.000 ống hút sậy đưa ra thị trường, anh Trần Việt Anh, đồng sáng lập Công ty Reedfarm Organic cho biết: “Sản phẩm làm ra, đa phần chúng tôi xuất khẩu sang các nước châu Âu, Hàn Quốc…Khách hàng phản hồi rất tốt và còn khen rẻ, trong khi thị trường trong nước lại chỉ đang ở bước thăm dò, chào hàng. Có nơi lấy hàng được một vài lần rồi không trở lại nữa.Có thể họ so giá ống hút từ vật liệu thiên nhiên với các sản phẩm cùng loại từ nhựa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng khi nhu cầu dùng sản phẩm thân thiện môi trường của khách hàng cao thì bắt buộc hàng quán kinh doanh cũng phải thay đổi theo”.

Theo khảo sát, giá thị trường hiện nay của ống hút inox khoảng 40.000-60.000 đồng/cái tùy kích cỡ, ống hút tre giá 10.000-12.000 đồng/cái, ngoài ra còn có cọ rửa ống hút giá 20.000-25.000 đồng/cây.Trên thị trường cũng xuất hiện ống hút dùng một lần, giá thành rẻ, có thể ăn được như ống hút gạo giá 79.000 đồng/kg gồm 260 cái, tương đương hơn 300 đồng/cái, được làm từ gạo và bột sắn, thêm các nguyên liệu tự nhiên như mè đen, chùm ngây, củ dền để tạo màu đen, xanh, tím... Ống hút cỏ bàng giá 1.000-1.500 đồng/cái, ống cỏ khô bảo quản nơi khô ráo, tuổi thọ có thể kéo dài đến 1 năm.

Theo Tiền Phong