Thạc sĩ lập nghiệp thành công với kiểu con tôm "đòi ôm" cây dừa
Thạc sĩ chuyên ngành Thủy sản Phan Tấn Cường ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre quyết định bỏ việc nhà nước để về quê lập nghiệp thành công với kiểu con tôm "đòi ôm" cây dừa.
Đang có một công việc ổn định ở một cơ quan nhà nước, vừa lấy xong bằng thạc sỹ, mọi người ngỡ ngàng khi chàng trai quê Bến Tre Phan Văn Cường quyết định từ bỏ công việc hiện tại, quay về quê làm nông dân. Và chỉ sau một thời gian ngắn, mọi người lại ngỡ ngàng với những thành quả mà anh Cường đạt được.
Tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Thủy sản và lại đang có một công việc đúng chuyên môn tại một cơ quan nhà nước. Đùng một cái, chàng trai 35 tuổi Phan Tấn Cường ở xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre quyết định bỏ việc, về quê làm nông dân.
Anh Cường kể, ban đầu khi nghe anh xin nghỉ việc để về quê làm nông thì gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đều rất bất ngờ. Một số đồng nghiệp tỏ ra tiếc cho anh bởi anh còn trẻ, lại có trình độ nếu tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại thì sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến, phát triển sự nghiệp…nhưng anh vẫn quyết tâm dừng lại để chuyển hướng làm công việc yêu thích của mình.
Vốn đam mê làm nông nghiệp, lại có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong ngành nông nghiệp ở tỉnh nhà, sau khi thôi việc, anh Cường nhanh chóng bắt tay ngay vào đầu tư sản xuất. Nhiều mô hình nuôi trồng được anh Cường thử nghiệm, từ nuôi cá, nuôi ếch, nuôi lươn không bùn, nuôi bò, nuôi dê, nuôi tôm xen trong vườn dừa, trồng bưởi…
Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng thành công, nhiều mô hình làm tuy đạt năng suất, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt nhưng lại không đạt hiệu quả kinh tế cao, có khi còn thua lỗ. Theo anh Cường, mặc dù có kiến thức chuyên môn nhưng khi làm kinh tế thì phải tính toán được đầu vào, đầu ra và quan trọng là hiệu quả kinh tế đạt được.
Đến nay, anh Cường và gia đình đang sở hữu 1ha dừa hiện cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, 500 gốc bưởi da xanh bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm 20 con dê và 10 con bò vừa lấy thịt vừa lấy phân bón cho vườn cây.
Anh Cường cho biết: “Hiện nay diện tích trồng dừa lớn, khoảng cách giữa các hàng dừa từ 7-8m, ở giữa là các mương nước, nắng vẫn xuống dưới được, diện tích này không làm gì bỏ không thì rất lãng phí nên tôi tận dụng nuôi cá rất hiệu quả và đang thử nghiệm thả tôm càng xanh”.
Tuy bước đầu đã có những thành công nhất định, nhưng khi được hỏi về mức thu nhập từ công việc vườn tược của mình anh Cường chỉ cười và khiêm tốn nói: “Công việc cũng chỉ mới bắt đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập cũng bình thường trên dưới chục triệu/tháng thôi, quan trọng là mình cảm thấy vui, thoải mái với công việc đang làm”.
Đánh giá về các mô hình sản xuất của anh Cường, ông Châu Hữu Trị - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Bến Tre cho biết: “Các mô hình sản xuất của anh Cường chịu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bản thân anh Cường cũng rất chịu khó nghiên cứu tìm tòi, thử nghiệm các mô hình cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh Cường rất sẵn lòng chia sẻ, tư vấn cho bà con nông dân địa phương những kinh nghiệm sản xuất của mình”.
Theo anh Cường, hiện anh đang tập trung thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong các mương dừa, mô hình này đỏi hỏi kỹ thuật đơn giản, ít chăm sóc, đầu tư ít. Nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng và phổ biến cho nhiều người cùng làm vì ở địa phương, diện tích mương nước trong các vườn dừa là rất lớn. Nếu tận dụng tốt diện tích này thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế không hề nhỏ