Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thái Nguyên

Anh Tuấn 01/06/2019 01:06

Ngày 31/5/2019, tại Đại học Thái Nguyên, Khóa tập huấn Kỹ năng cố vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã chính thức khai giảng.

Khóa tập huấn do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Văn phòng các chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI) tổ chức trong 3 ngày, từ 31/5 – 2/6.

Hình thành lực lượng cố vấn nòng cốt cho địa phương

Đối tượng học viên tham dự khóa tập huấn chủ yếu là các doanh nhân/doanh nghiệp, các giảng viên đại học/cao đẳng đồng thời đang kinh doanh hoặc cán bộ điều phối các hoạt động khởi nghiệp. Thông qua khóa tập huấn, Ban Tổ chức mong muốn sẽ góp phần nâng cao năng lực và hỗ trợ hoạt động của cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, khóa tập huấn với các học viên là doanh nhân, giảng viên, cố vấn sẽ đẩy mạnh sự lan tỏa và kết nối với các tỉnh, thành khác, bước đầu hình thành và làm nòng cốt để xây dựng mạng lưới các huấn luyện viên khởi nghiệp ĐMST cho khu vực..

PGS.TS. Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên

PGS.TS. Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên

Phát biểu khai giảng tại khóa tập huấn, PGS.TS. Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên – đơn vị đăng cai địa điểm tổ chức cho biết, chuỗi đào tạo, tập huấn này với mục tiêu hình thành và xây dựng mạng lưới các cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp ĐMST, tận dụng các ưu thế đặc trưng về địa lý, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thái Nguyên, nâng cao khả năng tương tác với Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. “Đây là một hoạt động hỗ trợ vô cùng hữu ích cho các dự án khởi nghiệp, bước đầu hình thành và xây dựng Hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST của Đại học Thái Nguyên riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung” – PGS.TS. Trần Thanh Vân nhấn mạnh.

ông Cao Thanh Long – Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Thái Nguyên

ông Cao Thanh Long – Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Thái Nguyên

Tại khóa tập huấn, ông Cao Thanh Long – Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Thái Nguyên kỳ vọng rằng sau chuỗi tập huấn này, sẽ có thật nhiều các cố vấn/huấn luyện viên, làm lực lượng nòng cốt để thông qua triển khai trên quy mô lớn. “Các cố vấn/huấn luyện viên được đào tạo về kỹ năng tư vấn sẽ góp phần tăng tỷ lệ sống của các dự án/doanh nghiệp ĐMST, là nguồn nhân sự chính thúc đẩy việc xây dựng các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp tại các tỉnh, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho địa phương” – ông Cao Thanh Long khẳng định.

Còn theo Bà Đỗ Thùy Ninh – Giảng viên trường Đại học Kinh tế và QTKD, Đại học Thái Nguyên, Cố vấn viên dự án khởi nghiệp cho biết thêm, trong quá trình giảng dạy và tham gia cố vấn cho nhiều nhóm sinh viên khởi nghiệp, bà khẳng định đây thực sự là một khóa học hữu ích đối với các nhà cố vấn.

"Từ trước đến nay, với vai trò là nhà dẫn hướng cho các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi nhận thấy rằng cần có nhiều hơn những giá trị từ khóa tập huấn này đó là sự kết nối. Bên cạnh đó, các bạn trẻ rất cần sự bảo trợ từ nguồn vốn cho đến đầu ra sản phẩm và đặc biệt là sự hướng dẫn "bước đi" đầu tiên của các nhà cố vấn/huấn luyện viên” – bà Đỗ Thùy Ninh khẳng định.

ông Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), Trưởng làng Cộng đồng Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

ông Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), Trưởng làng Cộng đồng Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại buổi tập huấn

Theo ông Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), Trưởng làng Cộng đồng Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST - giảng viên của khóa tư vấn nhấn mạnh rằng thông qua lớp học, ngoài việc trang bị kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cố vấn khởi nghiệp ĐMTS thì học viên có cái nhìn mới để tư vấn, lựa chọn hướng đi của mình cho phù hợp hơn.

Những khó khăn khi triển khai khởi nghiệp

Hiện các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh mẽ. Chia sẻ thêm với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cao Thanh Long cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây, hưởng ứng với đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Lãnh đạo nhà trường đã ban hành nhiều quyết định đối với các đơn vị thành viên về việc đẩy mạnh và phát triển các hoạt động khởi nghiệp trên toàn cụm trường.

Được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Ban Khoa học Công nghệ đã triển khai kế hoạch tổ chức các buổi lễ phát động, Diễn đàn “Thắp lửa và Kết nối khởi nghiệp”, các cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tại các trường trực thuộc, tính đến nay, nhà trường đã tổ chức được 3 cuộc thi như vậy. “Tuy nhiên, các hoạt động khởi nghiệp nói chúng và khởi nghiệp ĐMST nói riêng chưa thực sự trở thành hoạt động tổ chức thường xuyên và liên tục” - ông Cao Thanh Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Cao Thanh Long có chia sẻ thêm về tình hình hoạt động khởi nghiệp của trường cũng như ở địa phương còn gặp phải nhiều khó khăn. Do nằm trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc, việc tuyển sinh đầu vào chủ yếu là con em đồng bào dân tộc và vùng núi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hơn rất nhiều so với các tỉnh thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, …

Trong tư duy của một bộ phận thanh niên – sinh viên vẫn mang nặng nhiều yếu tố tác động của khởi nghiệp truyền thống dẫn tới sự thiếu năng động, sáng tạo để phát triển, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh.

Ngoài ra, ông Cao Thanh Long cũng chỉ ra rằng, ban cố vấn/huấn luyện là các giảng viên, các doanh nhân vẫn còn thiếu kiến thức về khởi nghiệp ĐMST bởi điều kiện tiếp cận với các nguồn kiến thức đổi mới trong kỷ nguyên của công nghệ số còn rất hạn chế.

Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp ĐMST nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo một cách nhanh chóng, đặc biệt là các Trung tâm Hỗ trợ hoặc các Vườn ươm về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Công Hoan – Giảng viên trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên chưa tổ chức khóa đào tạo giảng viên hay cố vấn khởi nghiệp nào trước đó. Ông Hoan bày tỏ: "Cần nhân rộng quy mô các chuỗi chương trình học về khởi nghiệp ĐMST này thành nhiều điểm đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp và có lộ trình đào tạo cụ thể".

Chia sẻ thêm với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng – Công ty TNHH Mạnh Hưng tham gia khóa huấn luyện cho biết, khởi nghiệp bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau và chưa có những lớp đào tạo hay cố vấn nào được chia theo từng ngành, từng lĩnh vực đặc thù để sát với thực tiễn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, ông rất kỳ vọng rằng sẽ được học hỏi thêm các kinh nghiệm thực tế về nội dung khá là quan trọng với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là việc kêu gọi hay huy động vốn. Bởi đây là những lo lắng thực tế của bất kì doanh nghiệp nào khi bắt tay vào khởi nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc học tập kỹ năng cố vấn về khởi nghiệp ĐMST, các học viên sẽ có thêm cơ hội để cùng nhau hợp tác, trở thành đối tác chiến lược của nhau. Thông qua đó, các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST sẽ góp phần tương trợ, bù đắp cho nhau nhằm hướng tới mục tiêu chung, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, phát triển bền vững.

Một số hình ảnh tại lớp học:

Toàn cảnh lớp tập huấn

Toàn cảnh lớp tập huấn

Các học viên làm bài tập nhóm

Các học viên làm bài tập nhóm

Anh Tuấn