Lường trước những rủi ro khi khởi nghiệp kinh doanh homestay
Cộng đồng kinh doanh homestay mới đây đã tranh luận khá nhiều xoay quanh một sự cố giữa chủ nhà trên Luxstay và du khách sử dụng dịch vụ này ở TP. HCM.
Mới đây, một chủ nhà homestay đã bị nhóm du khách có hành vi cố tình gây hư hại tài sản. Bài đăng đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, những tín đồ du lịch yêu thích loại hình lưu trú này và cả những người đang kinh doanh homestay.
Homestay hiện được xem là kênh đầu tư mới, nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. So với mô hình cho thuê nhà truyền thống, doanh thu cho thuê homestay hiện hơn từ 20 - 30%, nếu ở các khu du lịch có thể cao hơn gấp 2-3 lần. Không chỉ có vậy, chủ nhà còn được chủ động, linh hoạt hơn trong thời gian sử dụng nhà khi cần.
Theo báo cáo, khảo sát của Luxstay, trong 15 tháng gần nhất, doanh thu trung bình mỗi tháng của 100 chủ nhà hoạt động tích cực lên tới 20 triệu đồng. Trong 3 tháng gần nhất, doanh thu trung bình của 100 chủ nhà này lên tới xấp xỉ 30 triệu đồng, cho thấy sức nóng của ngành công nghệ - dịch vụ này.
Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, để thành công với mô hình kinh doanh homestay thì không đơn giản. Đằng sau mô hình kinh doanh homestay đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác nhau. Nếu không tính toán kỹ càng có thể thua lỗ nặng, vì lượng khách thuê thường không ổn định, chi phí phát sinh ngoài nhiều hơn dự kiến.
Lý do là bởi phần lớn các homestay đều mang tính tự phát, bị phụ thuộc khá nhiều vào các hệ thống cho thuê của nước ngoài. Do đó, khi gặp phải những sự cố phát sinh ngoài mong muốn sẽ khó xử lý tình huống, hay nhận được hỗ trợ.
Sự thiếu ý thức từ phía khách hàng
Cộng đồng kinh doanh homestay mới đây đã tranh luận khá nhiều xoay quanh một sự cố giữa chủ nhà trên Luxstay và du khách sử dụng dịch vụ này ở TP. HCM. Theo đó, chủ nhà đã thẳng thắn chia sẻ về việc đón tiếp một nhóm khách 4 người đã không tuân thủ quy định và cố tình gây hư hại tài sản (phòng bừa bộn nhiều rác, đồ nấu ăn để bẩn).
Khi chủ nhà yêu cầu khách dọn dẹp, nhóm khách này tuyên bố họ bỏ tiền ra thì có quyền làm vậy. Chưa dừng lại ở đó, sau đó, chủ nhà còn phát hiện ra sofa và 1 gối có dấu thuốc lá làm cho thủng, đen. Khi chủ nhà cố gắng liên lạc với nhóm khách này thì không bắt máy, thậm chí là chặn số điện thoại.
Ngay sau khi nhận được phản ảnh, Luxstay đã lập tức trao đổi với chủ nhà, cùng chủ nhà liên hệ với khách hàng. Không chỉ có vậy, phía Luxstay quyết định tạm ứng 100% kinh phí để chủ nhà có thể xử lí thiệt hại của nhóm khách.
Sự việc này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, hầu hết đều tỏ ra bức xúc với hành vi của nhóm khách hàng. Nhiều chủ nhà cũng than trời vì kinh doanh đã khó khăn, lại còn gặp đúng khách "dùng như phá".
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đáng nhẽ chủ nhà phải kiểm tra phòng và bắt đền khách ngay lúc ở đó chứ không phải lúc đi rồi mới gọi điện kiểm tra. Chưa kể, sự việc do ý thức của khách kém chứ không thể đổ lỗi là do khách đặt phòng qua hệ thống Luxstay, cũng như việc đòi Luxstay bồi thường cũng rất khó.
Bản thân chủ nhà thiếu kiến thức tài chính
Theo chia sẻ của không ít chủ nhà trên các nhóm kinh doanh homestay, thì có một sự thật rằng, hầu hết các chủ nhà hiện nay đều không có nhiều kiến thức, cũng như tư duy về tài chính, mà chỉ đơn thuần là thấy đầu tư có "lãi" là được.
Ví dụ, nếu đầu tư một căn nhà phố cổ 4 tầng với 8 phòng, diện tích mặt sàn lên đến 100m2 làm homestay với giá từ 2 triệu - 3 triệu đồng/đêm. Nếu tính toán một cách đơn giản thì mỗi tháng cũng sẽ "bỏ túi" được 40 - 50 triệu đồng.
Nhưng có những con số ẩn đằng sau mà không phải chủ nhà nào cũng tính toán đến, như: chi phí khấu hao, chi phí vận hành, chi phí cơ hội, chi phí vốn... Nhẩm tính một cách tương đối, kể cả doanh thu có cao hơn nữa, thì dòng tiền cũng không "đẻ" ra thêm mà bản chất chính là "ăn dần vào vốn", là không hợp lí so với mức đầu tư.
Chính vì không nắm vững kiến thức tài chính, nên nhiều chủ nhà đã "cứ đến mùa là rủ nhau sang nhượng" vì những lí do cá nhân, nhưng thực chất là để tránh việc lãi mỏng, hòa, thậm chí hụt vào vốn. Hoặc không, đầu tư vào nhiều, cung tăng nhanh hơn cầu dẫn đến tình trạng phá giá kéo khách, bán phòng homestay với giá rẻ.
Tồn tại nhiều rào cản về pháp lý
Cách đây không lâu, vụ việc homestay The Wilder-nest Đà Lạt cháy lớn đã gây xôn xao trên khắp các diễn đàn du lịch lớn nhỏ tại Việt Nam. Vụ việc không chỉ khiến nhiều du khách quan ngại về tính an toàn mỗi khi thuê homestay, mà còn khiến nhiều chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện các điều kiện pháp lý khi vận hành mô hình này.
Ông Trần Xuân Hùng - Giám đốc Pháp chế tại Luxstay Việt Nam từng chia sẻ, hiện nay nhiều chủ nhà mới chỉ tuân thủ điều kiện cần, cụ thể là đăng ký kinh doanh hộ cá thể với ngành nghề kinh doanh lưu trú ngắn hạn. Còn các điều kiện đủ như: An ninh trật tự, Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì người kinh doanh lại chưa quan tâm ngay.
Pháp lý trong ngành dịch vụ lưu trú hiện được điều chỉnh bởi nhiều loại văn bản và mỗi thủ tục pháp lý đều được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước khác nhau. Vì vậy để tuân thủ một cách trọn vẹn các điều kiện cần và đủ khi kinh doanh homestay, các chủ nhà, chủ cơ sở lưu trú phải làm việc với nhiều cơ quan như UBND, cơ quan công an, Sở du lịch...
Trong khi đó, không phải chủ nhà nào cũng có đủ kiến thức, thời gian,.. để xin cấp phép và đăng ký đầy đủ. Việc gặp nhiều rắc rối khi kinh doanh homestay cũng khiến nhiều người dè chừng bởi nhiều chủ nhà chỉ xác định việc kinh doanh homestay là nghề "tay trái", kiếm thêm để gia tăng thu nhập, hoạt động một, hai mùa trong năm.
"Qua đó có thể thấy rằng nhu cầu tuân thủ pháp luật của một số chủ nhà mới chỉ dừng lại ở mức độ "đối phó" mà chưa thực sự hiểu rằng việc đăng ký, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo quy định là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của mình", ông Hùng chia sẻ.
Nhiều rủi ro, sao người người vẫn đổ xô đi "làm homestay"?
Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA - đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới, tính riêng tại TP. HCM năm 2016 có khoảng 6.200 chỗ ở dạng homestay, căn hộ lưu trú.
Đến năm 2017, con số này tăng vọt lên hơn 15.000 chỗ ở. Tới giữa năm 2018, số lượng homestay ở mức trên 20.000, và hơn một nửa trong số này có hoạt động thực sự.
Tương tự như vậy, tại Hà Nội, số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ xấp xỉ 3.200 chỗ ở năm 2016 lên hơn 8.100 năm 2017 và tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018 trong đó có trên 6.400 chỗ ở có hoạt động thực sự.
Với tốc độ tăng trưởng thị trường luôn đạt 2 chữ số, ông Nguyễn Văn Dũng - CEO Luxstay tỏ ra lạc quan: "Homestay đang là xu hướng trên thế giới. Thậm chí tại một số quốc gia, thị phần của loại hình homestay còn vượt qua cả khách sạn truyền thống. Do đó, Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài xu thế này".
Nhìn nhận lại thị trường, có thể thấy rằng, dù tồn tại nhiều rủi ro, nhưng homestay đang đứng trước thời điểm bùng nổ tại Việt Nam, thể hiện qua không chỉ những con số về chỗ ở, mà còn ở nguồn nhân lực tham gia kinh doanh homestay.
Thực tế, hình thức cho thuê nhà ngắn hạn này đang dần lan tỏa mạnh trên khắp các tỉnh thành, hướng tới hình thức kinh doanh phổ biến tại các thành phố và địa điểm du lịch, góp phần tạo nên cơ hội vàng cho nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam.