Chủ tịch FLC kể về 3 dấu mốc khởi nghiệp

Song Nhi 03/06/2019 08:33

Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia với chủ đề "Khát vọng khởi nghiệp trong thời kỳ 4.0" vừa diễn ra tại FLC Hạ Long.

“Khởi nghiệp là một hành trình nhiều gian khổ và lắm đắng cay”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC thẳng thắn bày tỏ tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia với chủ đề "Khát vọng khởi nghiệp trong thời kỳ 4.0" vừa diễn ra tại FLC Hạ Long.

Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia

Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia "Khát vọng khởi nghiệp trong thời kỳ 4.0" diễn ra ngày 2/6/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Hạ Long.

Tại đây, người đứng đầu FLC và hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ cởi mở về 3 dấu mốc lớn trong hành trình khởi nghiệp của mình: khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn luật đầu những năm 2000, khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản từ năm 2007-2008, và khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng không từ 2017-2018.

Không bỏ cuộc 

"Tôi và các cộng sự thành lập văn phòng luật sư vào đầu những năm 2000. Và có thể nói rằng, để tư vấn luật cho giới doanh nhân thời kỳ này là vô cùng khó khăn. Khi đó người làm kinh doanh không quá quan tâm đến vấn đề tư vấn pháp lý một cách chính thống. Họ thích sử dụng các mối quan hệ và nếu muốn tư vấn luật, họ sẽ tìm hiểu thông tin từ chính các đơn vị quản lý là cơ quan nhà nước. 

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC chia sẻ tại diễn đàn

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC chia sẻ tại diễn đàn

Bức tranh tương lai rất thách thức nhưng chúng tôi kiên định với mục tiêu đưa văn phòng luật sư trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường dịch vụ pháp lý. Sau 7 năm, công ty luật SMIC nằm trong Top 10 hãng luật hàng đầu Việt Nam và cũng là hãng luật duy nhất được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen ở thời điểm đó", ông Quyết nói.

Sự kiên định này được ông Quyết tiếp tục duy trì khi khởi nghiệp sang lĩnh vực bất động sản. Những năm 2007- 2008, ông Quyết tự nhận mình chưa có bất cứ kinh nghiệm nào về xây dựng, trong khi đó, thị trường đã hiện diện những "người khổng lồ" như Vinaconex, HUD, Ciputra, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội...

Nhưng chính sự quyết tâm và ưu thế về kiến thức pháp lý đã giúp FLC gọi vốn và xây dựng thành công dự án đầu tiên là FLC Landmark Tower, trong khi hàng loạt doanh nghiệp sau đó "ngã ngựa" vì huy động vốn dang dở nhưng không thể hoàn tất công trình đúng tiến độ.

"Tôi không có bất cứ quan hệ nào. Mọi thủ tục tự mình phải làm hết từ A-Z, từ thủ tục đầu tư đến xây dựng. Có giai đoạn tôi trực cả ngày trên Uỷ ban, làm việc với từng chuyên viên để các thủ tục pháp lý hoàn tất đúng kế hoạch. Với một doanh nghiệp còn non trẻ như FLC, một chữ ký bị chậm vài tuần có thể gây thiệt hại không thể đo đếm. Chúng tôi vạch ra từng mốc thời hạn cho thủ tục pháp lý và tiến độ dự án, rồi đeo bám đến cùng cho các mốc thời hạn này", ông Quyết kể lại và sau này, tinh thần làm việc quyết liệt để hoàn thiện dự án ở tiến độ và hiệu quả cao nhất được xem là kim chỉ nam cho toàn bộ đội ngũ nhân viên tại FLC.

Đồng quan điểm với ông Quyết, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC cho rằng tinh thần bền bỉ là yếu tố quan trọng nếu người khởi nghiệp muốn vượt qua nghịch cảnh.

Ông Chính nhắc lại hai câu chuyện được xem là trắc trở của CMC. Năm 1998, doanh nghiệp này xây dựng siêu thị bán lẻ thiết bị máy tính ở Hàm Long, theo mô hình của Trần Anh hay Thegioididong. Nhưng đến giai đoạn 1999, khi áp dụng Luật thuế VAT lên 10% thì CMC không chiến đấu được với nạn buôn lậu và trốn thuế nhan nhản ở thời đó.

Tiếp đó, CMC quyết tâm sản xuất máy tính với thương hiệu CMS - là thương hiệu máy tính đầu tiên được sản xuất bởi Việt Nam. Nhưng lại xuất hiện Chính sách thuế áp nhập khẩu linh kiện còn cao hơn cả nhập khẩu nguyên chiếc. CMC một lần nữa phải vật lộn với những khó khăn về cả thị trường và chính sách.

Tuy nhiên, theo ông Chính, cứ sau một lần thất bại, ông lại thấy may mắn.

"Những thất bại này là bài học quan trọng để CMC chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho những dự án mới và đến với thành công như hiện tại, trở thành một trong những Tập đoàn Công nghệ hàng đầu hiện nay", ông Chính nói.

Chiến lược khác biệt

Trả lời câu hỏi về chiến lược kinh doanh cho startup, Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEN Group cho rằng điều cốt lõi khi đưa ra bất cứ sản phẩm nào là bạn phải quan tâm sản phẩm đó mang lại giá trị gì cho cộng đồng, cho xã hội. Giá trị gia tăng càng cao thì càng thành công. 

Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CENGroup trong phần tọa đàm

Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CENGroup trong phần tọa đàm

"Như một bạn đang lấy đá cuội ở Cô Tô và chuyển thành quà tặng, đến giới thiệu tại diễn đàn. Hoặc anh Quyết xây dựng dự án trên những khu vực hoang sơ thành những điểm du lịch tuyệt vời. Thì giá trị gia tăng nó đã gấp hàng chục, hàng trăm lần", ông Hưng nhận xét và cho rằng, khởi nghiệp là phải tạo ra một mô hình hoàn toàn khác biệt, với tính đổi mới sáng tạo rõ nét.

"Nếu tư duy theo lối mòn là xây nghỉ dưỡng cứ phải trên đất vàng thì FLC ở giai đoạn đầu không lấy đâu ra tiền. Nhưng thực tế mọi quần thể của chúng tôi đều thực hiện trên những địa điểm khó khăn về địa hình, không ai dám làm và cũng không ai muốn làm. Hoang hoá, gai góc như thế nhưng diện tích lại đủ lớn và mình mới có cơ hội biến những khu vực này thành một quần thể đầy đủ tiện ích, đủ sức ảnh hướng mạnh mẽ đến thị trường. Sự sáng tạo và chiến lược khác biệt có thể biến bất lợi thành lợi thế và khi đó lợi thế đó là không ai có được", người đứng đầu FLC nói.

Thu hút nhân tài

Một vấn đề được cộng đồng khởi nghiệp quan tâm là cách thu hút và giữ chân người tài theo định hướng phát triển của doanh nghiệp. 

"Nhân sự rất quan trọng, bạn không thể làm việc được một mình. Nhưng làm thế nào để hút người tài đến làm cùng mình? Thì người lãnh đạo phải có tâm, có tầm, có phẩm chất thu hút được niềm tin. Tại CMC, chúng tôi quan điểm thế giới mở nên văn phòng mở và tư duy cũng phải mở. Do đó, chúng tôi giữ chân người tài bằng cách đề cao tính cá nhân, qua đó kích thích sáng tạo, phát huy quyền tự do suy nghĩ, quyền biểu đạt ở mức cao nhất", ông Chính nói. 

Đồng tình với nhận định này, ông Quyết cho rằng, cách giữ chân người tài tốt nhất là người lãnh đạo phải công bằng và có tâm trong sáng. FLC khi khởi nghiệp chỉ có trên dưới 10 người, nay đã thu hút khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên. Ước tính đội ngũ này sẽ tăng ít nhất 50% trong năm 2019- 2020 khi FLC chuẩn bị khởi công 2 quần thể nghỉ dưỡng lớn và khánh thành 1 khách sạn gần 1.500 phòng tại Quy Nhơn ngay trong năm nay.

"Nhiều người nói hãy xem công ty như ngôi nhà thứ 2 nhưng tôi không nghĩ như vậy. Hãy coi công ty là ngôi nhà thứ nhất, cũng như gia đình mình. Buổi tối về nhà gặp người thân nhưng sáng hôm sau đến công ty cũng vẫn là quay về nhà. Nghĩ như vậy thì công ty là gia đình, đồng nghiệp là anh em và chăm chút cho công ty cũng chính là chăm chút cho ngôi nhà của mình", ông Quyết nói và khẳng định  FLC giữ chân người tài dựa trên văn hoá tình cảm và sự công bằng. 

 "Chúng tôi muốn đảm bảo tuyệt đối rằng FLC là nơi mọi cán bộ, nhân viên từ những vị trí nhỏ bé cũng sẽ được trao cơ hội bình đẳng để học hỏi, làm việc, thăng tiến và phát triển bản thân một cách hiệu quả nhất", Chủ tịch FLC nhấn mạnh. 

Song Nhi