Startup Việt học người Thái cách làm bao bì thực phẩm 'bắt mắt'
Cảm quan đầu tiên của người tiêu dùng về bao bì rất quan trọng, nó kích thích sức mua, sự tìm hiểu của người dùng. Điều này với các doanh nghiệp VN hiện chưa được quan tâm và chăm lo.
Ông Lê Hoàng Vĩnh, đại diện công ty Số Đỏ (Bến Tre) đã nhận định như vậy trong chuyến tham quan các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu của Thái Lan trong khuôn khổ hội chợ Thaifex được tổ chức mới đây. Hoạt động này do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chủ trì với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam.
Ông nói, công ty Prepack thuộc tập đoàn SCG, được xem là nhà máy chuyên sản xuất bao bì vào loại lớn nhất tại Thái Lan ở thời điểm hiện tại. Công nghệ làm bao bì trong nhà máy Prepack rất đa dạng, phong phú về chủng loại, màu sắc, kích cỡ… với rất nhiều sản phẩm phù hợp ngoài thị trường. Trong nhà máy, các dây chuyền công nghệ được thiết kế hiện đại, đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn khắt khe của thế giới.
Ông Vĩnh cho biết thêm, đây là một lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Thái Lan, bởi khi sản phẩm ra thị trường, cảm quan đầu tiên của người tiêu dùng về bao bì rất quan trọng, nó kích thích sức mua, sự tìm hiểu của người dùng. Điều này với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thì chưa được quan tâm và chăm lo.
“Những doanh nghiệp Việt thường chỉ quan tâm đến việc hoàn thiện sản phẩm khi ra thị trường một cách bình thường, còn ở Thái Lan họ chăm chút, tỉ mỉ và đánh giá rất cao khâu này”- ông Vĩnh nói.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan, cực kỳ chú trọng đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nước này làm bao bì bằng việc cho ra đời Trung tâm Food Innopolis. TS Đàm Sao Mai, ĐH Công nghiệp TP.HCM, thành viên đoàn VN cho biết, Trung tâm này có những thư viện chứa nguyên vật liệu, phụ liệu… để startup dùng miễn phí. Những nguyên liệu này do các nhà cung ứng cung cấp. Khi họ cung cấp như thế, những startup có thể sử dụng và khi cần thì startup mới đặt mua.
“Doanh nghiệp còn cho mẫu bao bì, hướng dẫn cách thiết kế sao cho phù hợp và thuận tiện nhất. Tư duy của người Thái là mỗi một sản phẩm, họ đặt vào trong bao bì sản phẩm truyền thống là một câu chuyện trong đó”- TS Mai chia sẻ. Những doanh nghiệp lâu đời hay mới khởi nghiệp đều được Chính phủ hỗ trợ rất nhiều tại Trung tâm Food Innopolis.
Còn theo chuyên gia Ngô Đình Dũng từ mạng lưới sáng tạo khởi nghiệp (SKC) của BSA, Food Innopolis là nơi tuyệt vời để biến những ý tưởng trong phòng thí nghiệm thành sản phẩm.
Bà Hồ Thị Diễm Thúy, chủ cơ sở sữa bắp Diễm Thúy 2, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cho rằng, khu trưng bày bao bì với nhiều sản phẩm rất đẹp. “Tôi làm sữa sen, thấy có những bao bì rất đẹp và hợp lý, tôi sẽ về tìm tòi thêm làm cho phù hợp”- bà Thúy nói.
Còn bà Trần Thị Huỳnh Mai, cơ sở kẹo đậu phộng Huỳnh Mai (Đồng Tháp) cho biết, mẫu mã sản phẩm tại trung tâm Food Innopolis rất đa dạng, phong phú. “Nhìn lại mình tôi thấy còn kém rất nhiều. Nay đi được mở rộng tầm nhìn, thấy được sự kết hợp giữa trường học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp ở Thái Lan là rất tốt”- bà Mai chia sẻ.
Ông Payungsak, Giám đốc SCG cho biết, đơn vị hiện có nhà máy sản xuất bao bì tại Long An, và rất sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thiết kế, sản xuất những mẫu bao bì chất lượng, với số lượng lớn.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với những doanh nghiệp Việt trong vấn đề về công nghệ trong sản xuất ra các loại bao bì mới có chất lượng cao…"- ông Payungsak khẳng định.