Trí tuệ nhân tạo - làn gió mới cho giới khởi nghiệp
Chatbot, trợ lý ảo, nhận diện gương mặt... sẽ là những ứng dụng của AI tạo nên xu hướng mới, thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống.
Giám đốc công nghệ của Microsoft - Kevin Acott từng khẳng định, Trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng sẽ thay đổi thế giới trong vòng 10 năm tới. AI tạo ra cuộc cách mạng trong mọi ngóc ngách của đời sống như tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, sản xuất... , đồng thời là cơ hội rộng mở để các startup công nghệ tham gia.
Báo cáo của PwC và CB Insights chỉ ra, năm 2018, vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào startup AI đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 72% so với năm 2017. Số lượng công ty khởi nghiệp AI cũng đạt tốc độ tăng trưởng thần kỳ, năm 2018 tăng 1400% so với năm 2000, theo thống kê của Đại học Standford.
Thúc đẩy khởi nghiệp về Trí tuệ nhân tạo trở thành chiến lược quốc gia của chính phủ nhiều nước như Singapore, Trung Quốc, Mỹ... với hàng tỷ USD đổ vào nghiên cứu, phát triển lĩnh vực AI. Điển hình như Trung Quốc, với tham vọng trở thành cường quốc đứng đầu về AI năm 2030, đã đưa Trí tuệ nhân tạo trở thành môn học được đào tạo tại các chương trình đại học. Đây cũng là quốc gia sở hữu các công ty khởi nghiệp AI đắt giá nhất trên thế giới như Sense Time, Face++ - startup tỷ đô về công nghệ theo dõi và nhận diện gương mặt.
Các startup về trí tuệ nhân tạo cũng nhanh chóng trở thành mục tiêu săn lùng của nhiều ông lớn công nghệ, nhằm bổ sung vào hệ sinh thái và hoàn thiện hệ thống vận hành. Scott Darling - chủ tịch quỹ đầu tư công nghệ của Dell đánh giá, tỷ suất hoàn vốn vào các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo rất cao, là yếu tố tạo nên sự bùng nổ của lĩnh vực này trong tương lai. Trong 6 năm gần đây, hãng này đã đầu tư 600 triệu USD vào khoảng 100 startup AI.
Không nằm ngoài cuộc đua, Google cũng từng mua lại startup AI DeepMind - giống như mạng lưới thần kinh biết học, chơi trò chơi tương tự con người, với số tiền đến 400 triệu USD - một trong những thương vụ mua lại AI lớn nhất thế giới. Hay mới đây, Facebook mua lại GrokStyle, một startup sử dụng công nghệ AI hỗ trợ việc mua sắm đồ nội thất và các vật dụng khác cho ngôi nhà, nằm trong kế hoạch tiến sâu vào thị trường thương mại điện tử sắp tới.
Theo dự báo của Inc về xu hướng ứng dụng AI trong tương lai, đứng đầu là chatbot và trợ ý ảo. Báo cáo của Ovum dự kiến tới năm 2021, sẽ có 47,6% thiết bị sử dụng Trợ lý ảo thông qua giọng nói tại châu Á và châu Đại Dương. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các startup AI khai thác.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, chatbot trở thành công cụ đắc lực để phục vụ khách hàng, thông qua tính năng thu thập dữ liệu, tự động gợi ý mặt hàng, tư vấn, thúc đẩy hành vi mua hàng...
Nhận diện gương mặt và giọng nói cũng được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển và ứng dụng mạnh mẽ, tại các thiết bị bảo mật máy tính, điện thoại, các sân bay, ngân hàng.
Là lĩnh vực không mới trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, AI mới bắt đầu được giới khởi nghiệp quan tâm và phát triển trong những năm gần đây. Nhằm đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái AI, từ ngày 15-16/8, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) sẽ diễn ra, dự kiến là sự kiện lớn nhất về AI tại Việt Nam, quy tụ hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, giới khởi nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng AI, cơ sở đào tạo...
Sự kiện sẽ là nơi kết nối các thành phần trong hệ sinh thái AI, cùng thảo luận về ứng dụng AI trong từng lĩnh vực cụ thể như du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ tài chính... Bên cạnh đó, nhiều CEO, lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và startup trong nước cũng tụ họp để cùng bàn giải pháp, khuyến nghị cho phát triển AI tại Việt Nam.