Nghệ sĩ Xuân Bắc: Khởi nghiệp là trận đánh để đời
Có thể nói, trong giới showbiz, Xuân Bắc là một trong những nghệ sỹ quan tâm tới câu chuyện khởi nghiệp nhất.
Không ít lần, chúng ta thấy anh xuất hiện trong những sự kiện về khởi nghiệp do Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức hoặc mới nhất là việc anh nhận lời làm thành viên Ban cố vấn của chương trình Kiddie Shark – khởi nghiệp nhí.
Theo chia sẻ của nghệ sĩ Xuân Bắc với chúng tôi, sở dĩ anh tham gia vào giới khởi nghiệp sâu như thế là do anh rất quan tâm tới họ và anh hiện đang là Ủy viên Chủ tịch của Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam – một trong những chủ thể chính được Nhà nước chỉ định nhiệm vụ thực hiện phong trào "Quốc gia khởi nghiệp".
Qua những kinh nghiệm của mình, Xuân Bắc không đồng ý với những nhận định kiểu như "khởi nghiệp Việt Nam hiện chỉ đang có lượng chứ chưa có chất". Theo anh, tinh thần khởi nghiệp nên là thứ được đề cao nhất ở thời điểm hiện tại.
"Hãy chuẩn bị thật kỹ càng trước khi khởi nghiệp" chính là câu ‘thần chú’ mà anh muốn nhắn nhủ đến các bạn startup trước khi ai đó quyết định bắt đầu một sự nghiệp nào đó.
- Hôm ra mắt chương trình Kiddie Shark, thấy anh rất vui. Dường như anh rất tâm đắc với chương trình này?
Nghệ sĩ Xuân Bắc: Tôi thích! Tôi luôn thích các chương trình làm cho trẻ em mà tôi cảm nhận được cái hay của nó, nhìn vào cái tâm của những người làm chương trình Kiddie Shark, sự yêu thích của tôi được nhân đôi.
Đây không phải là chương trình đầu tiên về trẻ em, trên VTV3 từng có một chuỗi chương trình đầu tiên - uy tín về trẻ em, như chương trình Đồ Rê Mí mà tôi từng tham gia cách đây khoảng 10 năm. Nói chung, các chương trình có đối tượng là trẻ em thì tôi rất quan tâm, rất thích và rất yêu. Vì, trẻ em luôn là chính mình chứ không phải là ai khác.
Xã hội càng hiện đại, càng đầy đủ tiện nghi, thì chúng ta càng mừng cho trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn rất nhiều thứ bất cập, những hệ lụy từ cuộc sống hiện đại mà chúng ta không biết và không để ý, ví dụ: chúng ta chỉ lo đáp ứng cho các con những yêu cầu tiện nghi vật chất mà quên đi những điều căn bản.
Trước chương trình này, tôi cũng đã tham gia một chương trình có tên gọi là Heo Đất - dạy những bài học tài chính đầu tiên cho các con, nằm trong một chuỗi các chương trình tư vấn về tài chính cho các con. Nội dung chương trình trên không phải người Việt Nam nghĩ ra, mà do các nước phát triển sáng tạo dựa trên nghiên cứu tâm lý giới tính và lứa tuổi để đưa ra những bài hướng dẫn. Nếu như các em nhỏ học được - hiểu được, những khái niệm tài chính đó sẽ đi theo chúng suốt cả đời.
Tiền của chúng ta 1 đồng là 1 đồng, nhưng 1 đồng đó sẽ đạt được giá trị cao hơn nếu người giữ tài chính biết cách sử dụng tài chính.
Với chương trình Kiddie Shark làm nổi bật 2 điều cụ thể, ý nghĩa nhất: một là phải biết trân trọng ước mơ và hai là nuôi dưỡng ước mơ cho các bé, bố mẹ phải quan tâm các con nhiều hơn nữa.
- Vừa tiếp nhận lời mời của Ban tổ chức chương trình Kiddie Shark, là anh đồng ý luôn?
Nghệ sĩ Xuân Bắc: Đúng rồi. Trước khi nhận lời, tôi có hỏi đạo diễn và Nhà sản xuất về concept của chương trình, sau đó vẽ và hỏi lại: chương trình như thế này có đúng không? Mọi người ngạc nhiên: à, đúng rồi, nhưng sao anh hiểu nhanh thế? Tôi trả lời: vì đây là vấn đề tôi quan tâm nên hiểu rất nhanh, nếu là concept như thế này thì chúng ta làm thôi. Tôi rất thích chương trình này!
- Nói một chút về cu Bi nhà anh. Cu cậu có thích kinh doanh không, thưa anh? Nếu một ngày nào đó, cu Bi muốn đi thi Kiddie Shark thì anh cho phép chứ?
Tôi chỉ nói sơ thôi, vì tôi không thích nói chuyện về các thành viên trong gia đình. Ở nhà tôi cũng vậy, ý tưởng của mọi người đều được tôn trọng. Tôi thường nói: bố và con trai như hai người bạn, nhưng mà như hai thằng bạn thì không phải. Là hai người bạn thì phải có sự thấu hiểu, tôn trọng và chia sẻ, chứ không phải bạn bè theo kiểu suồng sã.
Tất nhiên, nếu cu Bi đi thi Kiddie Shark, tôi sẽ hỗ trợ hết mình, nhưng trước đó cu cậu phải vượt qua mentor là tôi đây và phải thuyết phục được tôi đã. Đúng không? Nếu cần thì tôi sẽ tư vấn. Quan điểm của tôi là luôn tạo điều kiện tốt nhất để ném con mình ra ngoài cuộc sống cho con mình tập bươn chải.
- Cu Bi có biết anh đi quay chương trình này không?
Cu Bi không biết, chưa phát sóng nên chưa biết. Với nữa, ngày nào tôi cũng đi quay, nên đối với việc tôi đi làm – lên truyền hình, từ bé chuyện đó với Bi hay Minh là rất bình thường. Chuyện bố đi làm show, lên truyền hình mặc đồ đẹp nói chuyện hay được mọi người vỗ tay, thì cũng giống như chú bán phở đi bán phở hoặc chú xe ôm đang đi chạy xe ôm ngoài đường. Chúng nó không quan tâm!
- Các con anh có thiên hướng kinh doanh gì không, thưa anh?
Tôi cũng không biết, nhưng mà ý tưởng của Bi hay Minh nhiều lúc rất buồn cười. Bi thích nấu ăn và vẫn đang tự mày mò nấu ăn. Bi rất sợ lên hình, rất sợ làm phiền. Bi không bao giờ xem lại những chương trình có mình, xong rồi là mặc kệ thế thôi. Và tôi cũng không xem lại những chương trình có con trai để mình rút kinh nghiệm, con nít có gì nên bộc lộ cái đấy.
Bi sợ nhất bị làm phiền kiểu suồng sã. Có những cô, những chú rất quý Bi, chạy theo Bi giật ngược tay lại xin chụp hình, Bi không thích và rất khó chịu. Tôi bị sức ép 30 năm nay rồi nên tôi rất hiểu!
- Trong những thí sinh mà anh đã tiếp xúc ở chương trình Kiddie Shark, anh cảm thấy ấn tượng nhất với em nào?
Có nhiều thí sinh hay lắm! Tôi ấn tượng nhất với một bạn mà bạn đó đã bị loại mất rồi. Tôi đã không bảo vệ được bạn ấy!
- Hình như ‘bạn 600 ngàn’ gì đó phải không anh?
Đúng, chính là ‘bạn 600 ngàn’. Bạn đấy đưa ra một dự án có tên "Truyện 1 tờ". Toàn bộ câu chuyện được bạn ấy vẽ tay trên 1 tờ A4, sau đó bạn bán cái tờ ấy. Kiểu như bán truyện tranh và những câu chuyện mà bạn bán thì mọi người sẽ không tìm được bất cứ câu chuyện nào thứ hai ở đâu cả. "Truyện 1 tờ" là duy nhất và độc quyền!
Câu chuyện luôn rất thú vị và hài hước. Tôi không nhớ một câu chuyện đó bán bao nhiêu tiền, nhưng tôi nhớ bạn đó ghi rất cụ thể: tiền bút màu bao nhiêu, tiền giấy hết bao nhiêu và cuối cùng là tiền tư duy – 1.000 đồng/truyện. Thế nên, kêu gọi tiền đầu tư chỉ 600 nghìn và phải đặt trước mới có truyện nhé!
Như tôi đã nói, yêu cầu là chúng ta phải tôn trọng và trân trọng tư duy của các con. Rất nhiều những nhà tỷ phú trên thế giới – những người thành công trong kinh doanh bắt đầu từ những ý tưởng mà nhiều người khác cho rằng là điên rồ. Tôi không bàn về giá trị số tiền gọi vốn mà bàn về lối tư duy và cách tiếp cận vấn đề. Thật ra tôi đánh giá cao những ý tưởng đúng lứa tuổi vì nó khả thi. Tức là, rất khả thi với tư duy của các cháu.
- Những cố vấn kia không đồng ý? Anh không cầm búa trong tập đó?
Tôi không nhớ là tôi có cầm búa hay không, nhưng mọi người còn lại không đồng ý và bạn đó bị rớt mất. Vấn đề là bên cạnh khởi nghiệp nhí, chúng ta phải biết khích lệ tư duy, giấc mơ và niềm tin của con trẻ.
Bạn đó không hề buồn khi bị loại, nhưng những phút cuối cùng nhất định đòi gặp Shark. Dù bị loại nhưng vẫn: không, cho cháu gặp Shark. Tất nhiên, bạn đó đã không gặp được Shark, song vẫn không khóc, chỉ buồn rồi đi ra.
- Từ khởi nghiệp nhí, chúng ta hãy nói đến chuyện khởi nghiệp của người lớn. Tôi biết anh còn tham gia một chương trình khởi nghiệp ở Quảng Ngãi. Hiện tại, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên cao, nhưng như mọi người nói, chúng ta mới chỉ có lượng chứ chưa có chất. Quan điểm của anh ra sao?
Thật ra, mỗi người một quan điểm, nhưng tôi không đánh giá cao những người nói thế. Việt Nam có 90 triệu dân thì mọi người đều phải khởi nghiệp. Khởi là sự bắt đầu, nghiệp là sự nghiệp. Mỗi người đều phải bắt đầu sự nghiệp, sự nghiệp đó có thể được đánh giá là thành công hay không thành công nhưng đều được bắt đầu bằng những công việc cụ thể.
Có người khởi nghiệp là đi nhặt rác. Nhiều người nói rằng đi nhặt rác ai gọi là khởi nghiệp? Nhưng với tôi thì khác, người ta đi nhặt rác, người ta phải phân loại rác và biết đâu họ sẽ nghiên cứu chế tạo máy phân loại rác độc đáo, hiệu quả. Có người khởi nghiệp bằng cách đi sơn thuê, phụ hồ, thậm chí đi lau chùi nhà vệ sinh.
Ông Nguyễn Công Trứ nói: Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ, Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh, Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh, Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ.
Tôi không hiểu mọi người đánh giá thế nào là chất và thế nào là lượng. Nhưng như tôi nói, ai cũng phải bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những công việc cụ thể. Cái đó là lượng đúng không? Còn thành công hay thất bại, dưới con mắt mọi người nhìn vào đánh giá, đó là chất, đúng không?
Thế thì, cái chất hay lượng ở đây, tôi chưa đánh giá mà tôi muốn nói về tinh thần khởi nghiệp, cái đó vô cùng quan trọng.
Tất cả mọi người đều đang khởi nghiệp, nhưng tinh thần khởi nghiệp nên có định hướng thì mới hiệu quả. Nếu có định hướng, mọi người sẽ đi đúng và nhanh hơn. Hiện nay, mọi người có thể khởi nghiệp nhanh thành công hơn xưa, vì trong tay các bạn có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cũng như trí thông minh, các mối quan hệ, các nguồn lực dồi dào.
Thật ra, từ ‘khởi nghiệp’ được nhắc đến nhiều khoảng 3 đến 4 năm gần đây. Thậm chí chính phủ còn phát động chương trình Quốc gia khởi nghiệp và giao cho tổ chức phát triển chương trình này là Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam. Tôi nắm chắc nội dung đó bởi tôi đang là Ủy viên Chủ tịch của tổ chức này.
- Tức là, nếu không khởi nghiệp thành công, mình sẽ có những bài học kinh nghiệm và nhiều bài học kinh nghiệm sẽ dẫn đến thành công?
Chưa chắc đâu, có những người một đời chỉ có thất bại. Có nhiều người bảo là: tôi thất bại nhiều lắm rồi, tôi mới thành công và ca ngợi những người đấy. Tôi thì không muốn ca ngợi những người đấy. Tại sao chúng ta không nêu những gương như: đây này, người này ‘làm phát thành công luôn’ hoặc bạn này mới thất bại một lần đã thành công. Sao cứ đi ca ngợi kiểu như: anh này thất bại 40 lần mới thành công?! Bởi vì, có những trường hợp khởi nghiệp không được phép thất bại, vì thất bại một lần là hết cơ hội.
Tất nhiên tôi hiểu "40 lần thất bại vẫn tiếp tục làm" là nhằm đề cao tinh thần bất khuất vươn lên, nhưng tại sao chúng ta không nêu: chúng ta phải trang bị đầy đủ kỹ năng, đầy đủ kiến thức và đánh giá tình hình thật thông minh, để cơ hội thành công nhiều hơn thất bại?!
- Ý anh muốn nhấn mạnh tới sự chuẩn bị?
Nghệ sĩ Xuân Bắc: Tất nhiên, khởi nghiệp là một trận đánh để đời. Chứ có ông lại nói: tôi ra đánh cho vui để có bài học kinh nghiệm, cuối cùng về già dở dang, người đầy sẹo và không có gì hết. Xong đến lúc đó là: kinh nghiệm của tôi là để làm sao cho sẹo bé hơn!
- Trước giờ anh đã kinh doanh cái gì chưa? Và sau chương trình Kiddie Shark, anh có muốn kinh doanh gì không?
Chưa. À, nhưng bạn phải ghi cái này nhé: tôi kinh doanh thân xác!!! Mô hình kinh doanh của tôi là tất cả. Khi tôi trên sân khấu, khi tôi biểu diễn, chính cơ thể của tôi là phương tiện – công cụ làm việc, đó chính là tay chân, biểu cảm gương mặt và ánh mắt nhìn. Cái phương tiện và công cụ đó phải chuẩn bị như thế nào để nó đẹp đẽ, an toàn, truyền cảm, thu hút và nó chính là nó.
Nhiều khi chúng tôi hay đùa nhau:
Đi đâu ấy?
- Đi làm MC.
Thế mang cái gì đi?
- Chỉ mang tài năng và sức khỏe.
- Cảm ơn anh!