Bao giờ lại có startup “kỳ lân”?

Theo DNSG 02/09/2019 05:18

Năm 2014, startup “kỳ lân” Vinagame (VNG) được định giá 1 tỷ USD. Trở thành startup kỳ lân là mục tiêu vươn tới của mọi công ty khởi nghiệp.

Dù tại Việt Nam 15 năm trở lại đây, hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển, nhưng ngoài cái tên VNG không có thêm startup nào đạt tới đỉnh cao này.

Công nghệ là môi trường khả thi cho startup kỳ lân

Công nghệ là môi trường khả thi cho startup kỳ lân

"Kỳ lân" là một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 bởi Aileen Lee - một nhà đầu tư. Khi liệt kê một danh sách các công ty khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian ngắn, được định giá trên 1 tỷ USD, Lee đã sử dụng thuật ngữ Unicorn (kỳ lân) để mô tả sự hiếm có của các công ty này.

Từ đó về sau, kỳ lân được sử dụng để nói đến các startup có giá trị trên 1 tỷ USD. Trở thành startup kỳ lân là mục tiêu vươn tới của mọi công ty khởi nghiệp. Tại Đông Nam Á, Singapore có 9 startup kỳ lân và Indonesia có 4. Đại diện duy nhất của Việt Nam là VNG chạm ngưỡng tỷ USD vào năm 2014.

Trên trên thế giới hiện có 326 startup kỳ lân, đa phần là các công ty trong lĩnh vực công nghệ. Riêng khu vực Đông Nam Á, Singapore có 9 startup kỳ lân và Indonesia có 4… với các phương thức kinh doanh mới trên nền tảng kinh tế số. Trong khi đó, xét về quy mô, theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), nền kinh tế số ở Việt Nam đã tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, những con số "hấp dẫn" ấy vẫn chưa đủ sức để startup Việt Nam hóa “kỳ lân”.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân do các ý tưởng và đường hướng khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự đủ sức hấp dẫn thu hút quỹ đầu tư lớn, sản phẩm và dịch vụ phát triển còn nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ và chính sách cho khởi nghiệp vẫn chưa thực sự thuận lợi. Một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định và triển khai chính sách trong thực tế cuộc sống.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách với ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ, gửi gắm vào trong đó sự kỳ vọng “tăng tốc” và bứt phá của cộng đồng startup. Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ vừa được Chính phủ ban hành, nêu rõ nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp khoa học và công nghệ như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng... Nổi bật là ưu đãi miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập của doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ.

Rào cản đối với các startup Việt Nam còn là nguồn vốn đầu tư. Ông Phạm Kim Hùng - CEO và nhà sáng lập Base.vn cho rằng: "Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư không nhiều, và họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng, thì ở Việt Nam startup phải chứng minh bằng con số".

Theo DNSG