Những bài học trên con đường khởi nghiệp cần phải tiếp thu
Nếu bạn dự định tiến quân vào ngành kinh doanh, theo bạn điều kiện tiên quyết để bạn thành công là gì? Ý tưởng? Vốn đầu tư? Kế hoạch phát triển?…
Tất cả đều sai cả rồi, để thành công, trước hết bạn phải có niềm tin, niềm tin rằng mình sẽ thành công, niềm tin rằng mình có thể vượt qua mọi thử thách…
Sự quyết tâm, không ngại rủi ro, dám nghĩ dám làm đã đủ để tạo nên thành công trong sự nghiệp?
“Câu trả lời là Không. Ai cũng cần nhận được sự hướng dẫn. Nếu không, bạn sẽ gặp khá nhiều “đau thương” trên con đường phát triển sự nghiệp”, TS. Travis Bradberry – đồng tác giả cuốn Thông minh cảm xúc 2.0 (Emotional Intelligence 2.0), đồng sáng lập Công ty tư vấn TalentSmart (đã tư vấn cho hơn 75% công ty trong danh sách Fortune 500) – cho biết.
Theo TS. Travis Bradberry, sau đây là một số bài học lớn nhất mà mỗi người đều cần phải tiếp thu trong quá trình gầy dựng sự nghiệp nếu không muốn hối tiếc mãi mãi:
1. Đầu tiên, phải có niềm tin
Người thành công luôn sở hữu phong thái tự tin, vì họ tin vào chính họ và những gì họ đang làm. Không phải sự thành công giúp họ trở nên tự tin, mà chính sự tự tin khiến họ thành công. Niềm tin phải là yếu tố cần có đầu tiên. Không ai có thể ngăn cản bạn đạt được những gì mình muốn, trừ chính bản thân bạn. Hãy loại bỏ tất cả những rào cản được tạo ra bởi sự thiếu tự tin.
2. Bạn đang sống cuộc đời do chính mình tạo ra
Bạn không phải là nạn nhân của hoàn cảnh. Không ai có thể buộc bạn phải quyết định và hành động trái với hệ giá trị của mình. Tình trạng hôm nay là kết quả bạn đã tạo ra hôm qua. Tương tự như vậy, tương lai hoàn toàn nằm trong tay bạn. Nếu bạn cảm thấy như đang bị “mắc kẹt”, nghĩa là bạn chỉ đang sợ đối diện với những rủi ro để đạt được mục tiêu.
Khi đứng trước một quyết định hành động, hãy luôn nhớ rằng, đứng phía dưới một chiếc thang mà bạn muốn leo lên vẫn tốt hơn đứng trên bậc cao nhất của một chiếc thang mà bạn không thích.
3. Sự bận rộn không đủ để tạo nên hiệu suất cao
Bao nhiêu trong số những người có vẻ như luôn quá bận rộn với việc họp hành, liên tục trao đổi email… thực sự thành công?
Thành công không đến từ sự hoạt động mà đến từ sự tập trung và sử dụng thời gian hiệu quả. Bạn chỉ có 24 giờ trong một ngày giống như mọi người, nhưng hãy sử dụng chúng thật khôn ngoan. Sau tất cả, bạn là sản phẩm từ hiệu suất làm việc của chính mình chứ không phải chỉ từ sự nỗ lực. Hãy chỉ nỗ lực làm những phần việc có thể đem lại kết quả.
4. Bạn chỉ có thể giỏi bằng cộng sự của mình
Hãy làm việc cùng với những người có thể truyền cảm hứng và giúp bạn muốn trở nên giỏi hơn. Còn đối với những người khiến bạn cảm thấy lo lắng, tẻ nhạt, không có cảm hứng…, đừng để họ có cơ hội trở thành một phần của cuộc đời bạn, bởi vì họ có thể khiến bạn trở nên giống họ.
5. Đừng nói “Có” trừ khi bạn thực sự muốn
Nói “Không” là một thách thức lớn với nhiều người. “Không” là một từ mạnh mẽ mà bạn không nên né tránh. Khi nói “Không”, đừng dùng những cách nói như “Tôi nghĩ là tôi không thể…” hoặc “Tôi không chắc lắm về việc…”, mà hãy thể hiện một thái độ cam kết thật mạnh mẽ.
6. Hạn chế những suy nghĩ tiêu cực
Càng dành nhiều thời gian cho những suy nghĩ tiêu cực, bạn càng giúp chúng có thêm nhiều “quyền lực”. Trong khi hầu hết những suy nghĩ tiêu cực của bạn đều không phải là sự thật.
Khi cảm thấy tin tưởng vào những điều bi quan từ nội tâm mình, hãy dừng những việc đang làm lại để viết ra những điều bạn đang nghĩ. Khi dành thời gian để làm chậm đà tiêu cực của suy nghĩ, bạn sẽ trở nên nhạy bén hơn trong việc đánh giá tính chân thực của chúng.
7. Tránh hỏi “Sẽ thế nào nếu…?”
Câu hỏi “Sẽ thế nào nếu…” giống như hành động châm dầu vào lửa khi bạn đang lo lắng, căng thẳng. Càng tốn nhiều thời gian để suy nghĩ về khả năng, bạn càng có ít thời gian hơn để tập trung vào hành động.
8. Chú trọng giấc ngủ và thường xuyên tập thể dục
Khi ngủ, bộ não sẽ loại bỏ những chất độc hại sau một ngày làm việc. Vì vậy, khi không ngủ đủ giấc, các chất độc đó vẫn còn trong các tế bào não và làm hạn chế khả năng suy nghĩ của bạn. Đồng thời, khả năng tự kiểm soát, sự chú ý và trí nhớ đều sẽ suy giảm khi bạn ngủ không đủ hoặc không có những giấc ngủ chất lượng.
Một nghiên cứu được tiến hành tại Viện nghiên cứu miền Đông Ontario (Eastern Ontario Research Institute, Canada) cho thấy, những người tập thể dục 2 lần/tuần trong 10 tuần liên tục cảm thấy tự tin hơn trong các hoạt động xã hội, giáo dục và thể thao.
9. Tìm những chiến thắng nhỏ
Những chiến thắng nho nhỏ có vẻ không quan trọng khi bạn đang nhắm đến một mục đích lớn. Tuy nhiên, những thành tích nhỏ ấy sẽ góp phần tạo ra các thụ thể androgen mới trong khu vực não chịu trách nhiệm cho phản ứng về động lực và cảm giác tưởng thưởng.
Sự gia tăng các thụ thể androgen sẽ làm tăng ảnh hưởng của testosterone, từ đó tăng thêm sự tự tin và háo hức giải quyết các khó khăn trong tương lai. Một chiến thắng nhỏ có thể giúp bạn gia tăng sự tự tin trong nhiều tháng.
10. Đừng tìm kiếm sự hoàn hảo
Đừng xem sự hoàn hảo như một mục tiêu, vì nó không tồn tại, và vì bản chất của con người là không thể tránh khỏi sai lầm. Khi xem sự hoàn hảo như một mục tiêu, bạn sẽ luôn có cảm giác thất bại và muốn từ bỏ. Bạn sẽ dùng nhiều thời gian để phiền não hơn là vui mừng về những gì đã đạt được và sẽ khó khăn hơn khi lên kế hoạch cho tương lai.
11. Tập trung vào giải pháp
Trạng thái cảm xúc của bạn được xác định bởi điều mà bạn chú ý. Khi tập trung sự chú ý vào các vấn đề, bạn sẽ tạo ra và kéo dài cảm xúc tiêu cực, từ đó cản trở khả năng đạt được mục tiêu. Khi tập trung vào hành động để cải thiện bản thân và hoàn cảnh, bạn tạo ra những cảm xúc tích cực và thành công trong việc nâng cao hiệu suất làm việc.
12. Tha thứ cho bản thân
Khi thất bại, điều quan trọng là bạn phải tha thứ cho bản thân và tiếp tục tiến về phía trước. Đừng chối bỏ cảm xúc bạn gặp phải khi phạm sai lầm, nhưng đừng mãi đắm chìm vào nó. Thay vào đó, hãy hướng sự chú ý vào những việc sẽ làm để cải thiện bản thân trong tương lai.