Hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ

Theo congluan 13/09/2019 06:39

Chưa bao giờ các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam lại tăng về lượng, mạnh về chất như thời gian này.

Vậy nhưng làm thế nào để doanh nhân trẻ đứng vững, tiến bước trên chặng đường khởi nghiệp gian nan để đón thành công?

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm này, cả nước có 90,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.150,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,7 tỷ đồng, tăng 26,6%. Nếu tính cả 1.603,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2019 là 2.754,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 25,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên gần 116 nghìn doanh nghiệp.

Theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore, một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gấp đôi so với số liệu ước tính vào cuối năm 2015. Trong vòng hai năm trở lại đây, Việt Nam tiếp nhận hàng chục thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có những thương vụ có tên tuổi, tác động mạnh mẽ đến cộng đồng những người khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, đó là đánh giá từ Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa bức tranh khởi nghiệp chỉ là màu hồng. Có những dự án khởi nghiệp thành công nhưng cũng không ít dự án khởi nghiệp thất bại, thậm chí “chết yểu” ngay từ khi còn là ý tưởng. Có ý tưởng khởi nghiệp, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, hầu hết người khởi nghiệp đều gặp hết lúng túng này đến lúng túng khác. Nguồn vốn bị thiếu hụt, bên cạnh đó, kỹ năng quản lý, kỹ năng tiếp cận thị trường lại là hạn chế đối với hầu hết người khởi nghiệp.

Không khó để nhận diện những vướng mắc trên con đường khởi nghiệp, nhưng lại không dễ để tháo gỡ những vướng mắc đó. Có một câu hỏi xuyên suốt trong cộng đồng những người khởi nghiệp, đó là làm thế nào để khởi nghiệp thành công? Bởi khi doanh nhân trẻ bước vào hành trình khởi nghiệp, cuộc sống của họ sẽ thay đổi từng ngày ở tất cả các khía cạnh khác nhau. Nguồn lực tài chính có đủ để duy trì và phát triển kinh doanh hay không, những nguồn lực nào cần thiết để phát triển kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn? nếu kinh doanh thất bại liệu có thể đủ sự kiên nhẫn để trụ vững vượt qua thách thức và khổ ải để tiếp tục sự nghiệp?

Những câu hỏi điển hình trên không được trả lời rõ ràng và chủ doanh nghiệp nếu không đo được năng lực bản thân thì không thể đi được một quãng đường dài.

Doanh nhân trẻ cần tự chủ, chủ động

Rõ ràng, có khá nhiều thách thức đối với những người bắt đầu khởi nghiệp mà để vượt qua, người khởi nghiệp luôn rất cần những hỗ trợ. Sẽ không có lời giải chung nào cho bài toán hiệu quả của dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, các chuyên gia cho rằng chính sự kết nối giữa giáo dục với hoạt động khởi nghiệp, cùng với những hỗ trợ kịp thời, hệ sinh thái khởi nghiệp mới thực sự phát triển bền vững.

Điển hình như Bộ Khoa học và Công nghệ vừa bắt đầu hành trình kết nối đầu tư cho startup Việt và làm việc với các đối tác lớn tại Hoa Kỳ vào ngày 13/9 tới. Với mục tiêu tạo môi trường để Startup Việt vươn ra quốc tế, kết nối toàn cầu cũng như học hỏi kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đoàn hành trình sẽ có chuyến thăm tới các tập đoàn công nghệ thành công nhất thế giới là Amazon, Google và tìm hiểu thành quả xây dựng và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Silicon Valley.

Một số đối tác khác về tài chính, thúc đẩy kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái cũng tham gia chương trình làm việc, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả đáng chú ý cho khởi nghiệp Việt giai đoạn tới. Mặc dù vậy, trên thực tế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta chưa hiệu quả nên các doanh nghiệp không tiếp nhận được. Mặt khác, trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp nhỏ rất yếu do phần lớn đi lên từ các hộ gia đình, đã vậy việc đào tạo ở các doanh nghiệp này cũng khá hạn chế.

Trong một môi trường sản xuất, kinh doanh khắc nghiệt như hiện nay, điều này càng làm cho các doanh nghiệp khó khăn hơn. Đó là những rào cản lớn khiến cho khối doanh nghiệp trong nhiều năm qua không “cất cánh” lên được. Do đó, bản thân các doanh nghiệp phải tự chuyển đổi, thích ứng với bối cảnh cạnh tranh mới, cần có tầm nhìn xa, kinh doanh dựa vào những giá trị cốt lõi, bền vững và nhanh nhạy với thị trường.

Theo congluan