Thắp lửa cho những "thủ lĩnh" tương lai

Hà Linh Quân 13/09/2019 16:05

Không nhiều người biết rằng, có rất nhiều học sinh Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn đã được đến Nhật Bản theo lời mời của Kyocera.

Thắp lửa cho những “thủ lĩnh”tương lai -ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường, khơi dậy cho các em khát vọng, ấp ủ các hoài bão lớn và chấp nhận những thách thức để hoàn thành nó - là cách mà Kyocera đóng góp mối quan hệ với cộng đồng, cố gắng trở thành một “công dân doanh nghiệp” tốt.

Không nhiều người biết rằng, có rất nhiều học sinh Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn đã được đến Nhật Bản theo lời mời của Kyocera.

Doãn Mạnh Thiện là học sinh lớp 8B7 trường phổ thông cơ sở Trần Phú Hải Phòng. Tháng 8 năm 2019 em được Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam chọn, cùng 11 bạn khác ở Hà Nội và Hưng Yên, tham gia vào đoàn học sinh Việt Nam đi thăm đất nước Mặt trời mọc, theo lời mời của tập đoàn công nghiệp Kyocera Nhật Bản.

Với triết lý: “Hãy làm đúng đắn như một con người chân chính”, Kyocera luôn coi trọng mối quan hệ với cộng đồng, cố gắng trở thành một “công dân doanh nghiệp” tốt, mang lại lợi ích cho cộng đồng và đóng góp vào phát triển bền vững.

Chị Trần thị Miền, mẹ Thiện, mừng quá về quê báo tin vui cho họ hàng. Có người ngờ vực, dè bửu: “Nhà nó nghèo thế lấy tiền đâu mà đi Nhật?”. Anh Hà văn Thủy, Chánh văn phòng Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Hải Phòng - người đã trực tiếp” chấm” 

Thiện”- nói rằng: “Chúng tôi chỉ chọn các em nhà nghèo, có ý chí vươn lên trong học tập. Kinh phí ( hơn 1 tỷ đồng) do tập đoàn Nhật tài trợ”. 

Không chỉ người ngoài cuộc là không tin, ngay người trong cuộc, em Quách Thùy Dung, học sinh lớp 8A3 trường Trung học cơ sở Chu Mạnh Trinh Hưng Yên, thổ lộ: “Lên máy bay rồi mới hết cảm giác chưa tin mình được đi Nhật!”. Thế rồi, trong 6 ngày trên đất nước Nhật Bản còn có rất nhiều điều khó tin nữa chờ đợi các em, làm cho các em trải qua biết bao cung bậc cảm xúc: Ngạc nhiên, ngỡ ngàng, hồi hộp, thú vị, ấn tượng, khâm phục, choáng ngợp, cảm động, hạnh phúc, sung sướng, tiếc nuối… Các em được vào Bảo tàng tương lai Miraikan để bắt tay chú robot Asimo nổi tiêng, được đi tàu cao tốc Shinkansen huyền thoại đến cố đô Kyoto thăm đại bản doanh của tập đoàn Kyocera, được tự tay lắp những miếng chíp hỗ trợ cáp quang ở nhà máy Gamo, được đến nơi thú vị nhất (là trẻ con mà) - Tokyo Disneyland - để bước vào cõi  mơ mộng có nàng tiên cá, có  Peter Pan và chàng cao bồi miền Tây hoang dã… 

Nhưng nếu có một nước Nhật văn minh, hiện đại làm cho các em khâm phục ngất ngây thì chính những người Nhật Bản nhân ái, tốt bụng đã làm các em cảm động. Trong những bài viết của mình về chuyến đi mơ ước này các em luôn nhắc đến bác Takashi Sato, Trưởng ban hành chính nhân sự của tập đoàn Kyocera, người đã kể cho các em câu chuyện về ông Inamori, Chủ tịch Tập đoàn, với những khát vọng và quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực của ông để có Tập đoàn Kyocera hùng mạnh ngày nay; Về nụ cười nồng hậu và cách hành xử chu đáo của cô Yamao, chú Nauto, những người đồng hành cùng với các em trong 6 ngày ở Nhật Bản; Về những bạn học sinh trường Matsubara nhiệt tình, thân thiện, dạy cho các em cách làm bánh Dorayaki và những thế võ Kendo (kiếm đạo); Về mẹ nuôi Masako, bố nuôi Katsujio Hayato… đã cùng các em chèo thuyền trên sông Katsura - Kawoa, đến thăm  đền Nonomiyaki giữa một rừng tre, được đốt pháo bông và ăn sushi cuộn tay, được chơi với chú chó poodle cùng con vẹt lắm lời Cherry; Về những cuộc chia tay có nụ cười và rất nhiều nước mắt… 

Nguyễn thị Ngọc Bích nói rằng em đã ngồi kể những ấn tượng về con người và đất nước Nhật Bản cho các bạn cùng trường, lớp và cảm nhận được niềm thích thú có pha chút ước muốn của bạn bè. Còn Doãn Mạnh Thiện hy vọng một ngày nào đó được mời cha mẹ nuôi sang Việt Nam. Em sẽ mời mẹ ăn bánh đa cua Hải Phòng và mời bố đi xem hội chọi trâu Đồ Sơn. Song khát khao lớn nhất của em là học hành thật giỏi để sang Nhật Bản làm việc ở chính nhà máy Gamo của tập đoàn Kyocera. Hầu như tất cả các em đều thấy mình đã khác trước rất nhiều sau 6 ngày trên đất Nhật: Khát vọng hơn, quyết tâm hơn, yêu cuộc đời hơn. 

Đấy cũng chính là mục đích của nhà lãnh đạo tập đoàn Kyocera khi hàng năm tổ chức cho  học sinh Việt Nam đi thăm Nhật Bản. Trong bài phát biểu với cha mẹ và các em học sinh tại Hà Nội ngày 21/8 /2019, ông  Tổng giám đốc công ty Kyocera Việt Nam chia sẻ: “Tương lai Việt Nam phụ thuộc vào những người như các em ở đây. Sẽ thật tuyệt vời nếu như sau này tất cả các em trở thành những người lãnh đạo hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam. Tôi mong các em ấp ủ các hoài bão lớn và chấp nhận những thách thức để hoàn thành nó!” Và ông khẳng định hàng năm sẽ có nhiều học sinh Việt Nam nữa được đến Nhật Bản theo lời mời của Kyocera.

Kyocera được ông Kazuo Inamori khởi lập năm 1958 tại kyoto với 28 nhân viên trên nền tảng gốm sứ truyền thống của nhật bản. Ngày nay Kiocera là một Tập đoàn toàn cầu với 4 mảng hoạt động chính: công nghệ thông tin, tư động hóa, môi trường, năng lượng và y tế. gốm được sáng tạo và cách biệt hóa trở thành sản phẩm công nghiệp hiện đại, sử dụng rộng rãi trong điện thoại thông minh, màn hình led, ôtô, linh kiện điện tử, cấy ghép y khoa (khớp xương, răng sứ)… Năm 2013, Kyocera mở các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử viễn thông và máy văn phòng tại Hưng Yên, Hải Phòng.

Hà Linh Quân