Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ Cà Mau xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo
Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau.
Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau về các giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh; định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng thông tin, trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo tăng cường đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp trong tình hình mới.
Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, bám sát theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn liền với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng từ khâu xác định đến triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực.
Giai đoạn 2016 – 2018, tỉnh thực hiện nghiên cứu cứng hóa đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng thay thế cát (nhiệm vụ cấp quốc gia). Hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất Chitosan từ phụ phẩm tôm quy mô công nghiệp và đang triển khai chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Philiphine đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh Hạ; xây dựng mô hình trồng xen canh chanh không hạt với đu đủ ruột vàng trên vùng đất phèn nặng xã Khánh An, huyện U Minh.
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, Cà Mau đã tổ chức nghiệm thu 46 nhiệm vụ. Theo đánh giá, có trên 70% đề tài, dự án đã nghiệm thu được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn và đời sống có hiệu quả. Trong đó, nổi bật nhất là các đề tài như: Ứng dụng công nghệ nhân giống invitro, tạo giống cây sạch bệnh trên cây lâm nghiệp; Chọn giống lúa chịu mặn, năng suất chất lượng cao tại tỉnh Cà Mau; Xây dựng mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh toàn đực tại xã Tân Bằng và Khánh Thuận, huyện U Minh…
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng bảo hộ được 13 nhãn hiệu (10 nhãn hiệu tập thể và 03 nhãn hiệu chứng nhận). Đồng thời, đang tiếp tục xây dựng 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn cho hơn 1.013 tổ chức và cá nhân nộp đơn bảo hộ và được Cục sở hữu trí tuệ cấp 801 giấy chứng nhận bảo hộ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm còn tồn tại nhiều khó khăn hạn chế. Năm 2019, số lượng đăng ký nhiệm vụ giảm còn khoảng 70% so với trước; số nhiệm vụ được phê duyệt giảm còn 3 nhiệm vụ/năm (so với trước trung bình khoảng 10 nhiệm vụ/ năm). Hiện nay, người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nhà nước nên đa số đề tài, dự án sau khi kết thúc hỗ trợ thì việc duy trì và phát triển của địa phương còn nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, tỉnh Cà Mau đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, chủ trương thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại tỉnh Cà Mau; Khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, bổ sung quy hoạch này đến năm 2020 và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Trong những năm qua tỉnh Cà Mau luôn trăn trở tìm giải pháp để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Hiện nay, mặc dù số lượng đề tài nghiên cứu khoa công nghệ trên địa bàn tỉnh giảm đi, nhưng nguồn lực tập trung hơn và điều quan trọng sau khi nghiên cứu đưa vào vận dụng thực tế hiệu quả hơn".
"Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, tỉnh rất mong nhận được nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương trong việc công nhận quy trình sáng kiến công nghệ, đặc biệt chuyển giao ứng dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất kịp thời. Tỉnh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sớm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ trong và ngoài nước phù hợp để địa phương khai thác tốt tiềm năng lợi thế của mình trong thời gian tới”, ông Hải nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp đề xuất của tỉnh Cà Mau trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có những hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật ban đầu cho việc xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương như: chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua Cà Mau, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chuối xiêm Cà Mau, gỗ… qua các dự án cụ thể.