CEO Grab Financial Group Việt Nam khuyên startup phải 'xuất ngoại'
Anh Nguyễn Tuấn Anh cho rằng giải bài toán con người, thấu hiểu địa phương và tìm kiếm đối tác phù hợp sẽ dẫn dắt thành công cho startup ở thị trường mới.
Tại chương trình đào tạo bootcamp do báo VnExpress - đơn vị tổ chức Startup Việt 2019 diễn ra sáng 28/9, hơn 40 startup là thí sinh cuộc thi và các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ, trao đổi về xu hướng "go global" - vươn ra thế giới của các công ty khởi nghiệp.
Dàn chuyên gia tham gia gặp gỡ trực tiếp các đội thi có sự góp mặt của anh Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam. Anh là một trong những nhân sự thời kỳ đầu khi "ông lớn" mảng gọi xe gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014, sau khi thành công tại 4 quốc gia khác Đông Nam Á khác, gồm Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan.
Mở đầu buổi bootcamp, anh Tuấn Anh khẳng định startup phải chinh phục sân chơi toàn cầu để tăng giá trị, doanh thu, lợi nhuận. Doanh nghiệp có thể khởi nghiệp tại thị trường họ am tường, nắm vững về thói quen, hành vi của khách hàng, nhưng theo thời gian cần mở rộng ra đất nước khác. "Xuất ngoại" còn là giải pháp đáp ứng nhu cầu phát triển về năng lực, tăng lương thưởng của những nhân sự hiện hữu. Chuyên gia đồng thời cho rằng, việc đặt mục tiêu vươn ra thế giới còn minh chứng thêm tiềm năng của startup đối với các nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc tăng cơ hội thu hút vốn.
"Vươn ra thế giới không phải là một lựa chọn, thích thì làm, không thích thì thôi. Các bạn có thể không đi ngay, nhưng phải có tầm nhìn trong 5-10 năm tiếp theo", Tổng Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam nhận định.
Trả lời câu hỏi quốc gia nào sẽ phù hợp cho các startup để mở rộng, nên chọn nước có dân số đông hay đồng điệu về văn hóa, lãnh đạo Grab cho rằng chính doanh nghiệp sẽ có đáp án cho riêng mình, dựa trên các chiến lược, năng lực hiện có, kết hợp cùng những mối quan hệ đối tác tiềm năng tại quốc gia đó. Một số startup, theo anh Tuấn Anh, cũng chọn quốc gia theo yêu cầu của nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư đòi hỏi bạn phải gia nhập thị trường A. Nếu bạn trả lời không hoặc chưa đến lúc, nhiều khả năng họ sẽ chuyển khoản vốn đó cho đối thủ của bạn", chuyên gia nói.
Thách thức lớn nhất theo người đứng đầu Grab Financial Group Việt Nam là con người. Startup để đơm hoa kết trái tại một quốc gia mới cần tìm ra đối tác tin tưởng. Khi có vấn đề xảy ra, startup cần suy xét chuyện gì đang diễn ra, doanh nghiệp đã thực sự thấu hiểu bản địa chưa.
Anh dẫn ví dụ khi Grab tiến vào Việt Nam, đội ngũ am hiểu đã triển khai các dịch vụ đặt taxi, đặt xe hơi, đặt xe máy và cho thanh toán bằng tiền mặt. Đối thủ chính của họ khi đó chỉ có cho người dùng trả bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, nên chưa thể khai thác tiềm năng rất lớn từ một bộ phận lớn người dùng.
Đại diện từ Grab Việt Nam còn gói gọn ba yếu tố giúp "ông lớn" mảng gọi xe của Malaysia nhanh chóng thành công tại Việt Nam.
Thứ nhất, khi đặt chân TP HCM và Hà Nội vào năm 2014, Grab đã có kinh nghiệm tại bốn thị trường Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan.
Thứ hai, Grab mạnh dạn triển khai nhiều dịch vụ giải quyết các vấn đề của người dùng. Đơn cử, GrabBike - xe ôm công nghệ từ khi thai nghén đến lúc ra thị trường chỉ trong một tháng. Nhìn ra nhu cầu của một nhóm khách hàng đông đảo, đội ngũ Grab nhanh chóng điều chỉnh mô hình gọi xe taxi để phù hợp với xe ôm. "Chúng tôi không nghĩ quá nhiều, cứ làm thôi và kết quả là thị trường phản ứng rất tốt", anh Tuấn Anh nói.
Thứ ba, doanh nghiệp vào Việt Nam đúng thời điểm hạ tầng công nghệ cất cánh. Smartphone khi đó bắt đầu rẻ, các gói dữ liệu 3G từ các nhà mạng cũng có mức phí giảm thấp. Thói quen sử dụng thiết bị thông minh ngày càng nhiều và sự hào hứng với công nghệ mới của người dân trở thành bàn đạp cho Grab bứt phá.
Kết lại buổi hướng dẫn của mình cho các startup, anh Tuấn Anh khẳng định, dù mục tiêu của doanh nghiệp là mở rộng hay chinh phục thị trường nào, thì tầm nhìn chung vẫn là làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, giải quyết các thách thức của xã hội một cách tiết kiệm hơn, tiện lợi hơn, thông minh hơn và an toàn hơn.
"Grab khởi đầu với dịch vụ di chuyển. Tiếp theo có GrabExpress giải quyết nhu cầu giao hàng, GrabFood giải quyết nhu cầu ăn uống và hiện dẫn đầu thị trường chỉ sau một năm. Chúng tôi hợp tác với Moca để làm ví điện tử Moca đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Dù là 3, 5 hay 10 năm tới, tầm nhìn của Grab cũng sẽ là như vậy - tập trung tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua công nghệ", đại diện Grab nói.
Sau chia sẻ của anh Nguyễn Tuấn Anh, chương trình bootcamp tiếp nối với hoạt động đào tạo khởi nghiệp từ dàn chuyên gia từ các startup thành danh hoặc các vườn ươm khởi nghiệp như Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam (SVF), Sun Asterisk, IMAP, Yellow Blocks, Reapra, Swiss EP, Think Zone, JobHop...
Chương trình bootcamp còn diễn ra vào sáng chiều ngày 29/9 tại TP HCM và 5-6/10 tại Hà Nội. Tham gia chương trình, top 80 đội thi vào vòng trong của Startup Việt sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu và trao đổi về chiến lược phát triển sản phẩm theo đúng nhu cầu của thị trường, tìm hiểu thị hiếu người dùng, cách thức dự phòng và vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Bên cạnh chia sẻ của từng diễn giả, chương trình còn thiết kế các buổi tọa đàm chuyên sâu để tạo cơ hội cho startup cùng thảo luận trực tiếp, giải đáp thắc mắc và đi tìm câu trả lời phù hợp cho bài toán mỗi doanh nghiệp đang mắc phải.
Với chủ đề "Hành trình tìm kiếm kỳ lân", cuộc thi Startup Việt 2019 chú trọng khả năng vươn ra thị trường quốc tế của các đội thi. Nhằm tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, Startup Việt 2019 thay đổi và bổ sung nhiều hoạt động tập trung vào mục tiêu giúp các startup đủ tự tin và năng lực hướng đến sân chơi nước ngoài. Trong đó có các hoạt động như hội thảo chuyên đề, buổi gặp mặt trực tiếp với các nhà đầu tư, chương trình huấn luyện đào tạo chuyên sâu dành cho startup.