“Hậu phương vững chắc” cho khởi nghiệp sáng tạo tại Thái Nguyên
Đề án xây dựng Trung tâm Hỗ trợ Ươm tạo - Khởi nghiệp và Cung ứng nguồn nhân lực chính là “hậu phương vững chắc” cho hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Thái Nguyên.
Với mục tiêu hình thành, xây dựng và hỗ trợ phát triển mạng lưới các cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn tỉnh, các hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã và đang tận dụng được các lợi thế đặc trưng của khu vực về địa lý, kinh tế, văn hóa… góp phần hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh.
Ra mắt Mạng lưới các cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thái Nguyên
Nền tảng cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Nằm trong chuỗi hoạt động đào tạo, cố vấn, huấn luyện về khởi nghiệp ĐMST thuộc Đề án 844, vừa qua, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI),Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, Hội Doanh nhân trẻ Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội nghị kết nối cố vấn khởi nghiệp và huấn luyện viên khởi nghiệp ĐMST với nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, đây là những hoạt động có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho các dự án khởi nghiệp, bước đầu hình thành và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thực hiện Đề án 844 và Đề án 1665, từ tháng 6/2019, Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan và phối hợp với Sở KHCN tỉnh Thái Nguyên xây dựng đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ Ươm tạo – Khởi nghiệp và Cung ứng nhân lực. Đây vừa là Trung tâm đầu mối toàn Đại học về Khởi nghiệp ĐMST, Ươm tạo và giúp sinh viên tốt nghiệp tự tìm kiếm và tạo ra việc làm sau tốt nghiệp bằng những hoạt động khởi nghiệp. Vì vậy, việc phối hợp các hoạt động của Đại học Thái Nguyên và Báo Diễn đàn doanh nghiệp trong sự kiện này đã mang lại hiệu quả tích cực cho giảng viên và sinh viên Đại học Thái Nguyên.
“Trải qua hai đợt học với thời lượng 06 ngày, chuỗi hoạt động tổ chức tại Đại học Thái Nguyên đã hoàn thành theo đúng chương trình đề ra. Với gần 50 giảng viên của Đại học Thái Nguyên cùng các doanh nhân do Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giới thiệu, tham gia và học tập khóa huấn luyện, chúng tôi tin tưởng rằng đây sẽ là những huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp ĐMST giúp cho giảng viên và sinh viên Đại học Thái Nguyên cũng như cho học sinh - sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh” - PGS.TS. Trần Thanh Vân chia sẻ.
Nói về vai trò của của các cố vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, bà Phạm Thị Hiền - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các yếu tố: Thị trường; Nguồn nhân lực; Nguồn vốn và tài chính; Hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (tư vấn); Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; Giáo dục và đào tạo; Các trường đại học, học viện; và Văn hóa quốc gia.
Cho dù được hiểu theo cách nào đi nữa thì vai trò của các cố vấn, các nhà tư vấn chiếm vị trí rất quan trọng trong toàn bộ các mắt khâu của chuỗi hệ sinh thái khởi nghiệp. Các cố vấn, các chuyên gia, các nhà tư vấn tham gia từ khâu đào tạo, hỗ trợ hình thành ý tưởng, hỗ trợ để chuyển ý tưởng thành hành động cụ thể, hỗ trợ để thao tác hành động đó thành công.
Không chỉ “khởi nghiệp” mới cần sáng tạo
Cũng theo bà Hiền, đề án xây dựng Trung tâm Hỗ trợ Ươm tạo - Khởi nghiệp và Cung ứng nguồn nhân lực là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của Đại học, của tỉnh Thái Nguyên, của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Ông Phạm Văn Quang – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho rằng các doanh nghiệp cần hiểu rõ thế nào khởi nghiệp, chứ không phải khởi nghiệp là chỉ có các bạn trẻ, không nên chỉ có khái niệm “khởi nghiệp sáng tạo” mà tất cả các doanh nghiệp đều cần sáng tạo, không sáng tạo không thể lớn được, không thể cạnh tranh và tồn tại.
“Cần sáng tạo ngay trong doanh nghiệp chứ không chỉ đơn giản là một bạn trẻ đứng lên làm doanh nghiệp thì mới gọi là khởi nghiệp mới sáng tạo, các bạn sinh viên vừa rồi tôi theo dõi thì một loạt các bạn các bạn nghĩ ra rất nhiều ý tưởng nhưng các bạn lại không có vốn không có người hỗ trợ” - ông Phạm Văn Quang nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận của Hội nghị kết nối cố vấn khởi nghiệp và huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhóm cá nhân - doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các khách mời tham dự đã được các chuyên gia truyền đạt những kiến thức tổng quan về tình hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được nghe những chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp thành công và thất bại của các startup tại tỉnh nhà và những kỹ năng cần thiết cho các doanh nhân tương lai để làm hành trang trên con đường khởi nghiệp sau này.
Thông qua Hội nghị, nhiều startup trẻ của tỉnh cũng đã có cơ hội chia sẻ về quá trình khởi nghiệp còn đầy khó khăn của mình, chia sẻ về ý tưởng mới cũng như đặt ra các câu hỏi để ban cố vấn, huấn luyện khởi nghiệp có thể sâu sát trong công tác hỗ trợ, đào tạo, chỉ ra phuơng hướng phù hợp trong các giai đoạn tiếp theo.
Nằm trong chuối hoạt động của Hội nghị kết nối cố vấn khởi nghiệp và huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhóm cá nhân - doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Tổ chức đã cho ra mắt Mạng lưới các cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.
Trong đó, đã có 5 cặp Mentor – Mentee đã “kết đôi” được với nhau, đánh dấu bước đầu tiên trên con đường phát triển mạng lưới cố vấn tại địa bàn tỉnh.