Chính sách khởi nghiệp ở Việt Nam: Cần các yếu tố thúc đẩy, xóa bỏ những rào cản
Chính sách cho khởi nghiệp vẫn còn những rào cản nhất định mà cần phải xóa bỏ được, thì các hệ sinh thái khởi nghiệp mới thực sự lớn mạnh và hiệu quả.
Khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động, hơn 40 cơ sở ươm tạo (BI), tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Các hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương cũng đã được xây dựng và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như tại các TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... Tuy nhiên, chính sách cho khởi nghiệp cũng còn những rào cản nhất định mà cần phải xóa bỏ được, thì các hệ sinh thái khởi nghiệp mới thực sự lớn mạnh và hiệu quả.
Chính sách cho khởi nghiệp đã cụ thể hơn
Thời gian qua, Chính phủ không chỉ là cơ quan hỗ trợ, đồng hành, chăm lo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường để có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời mà Chính phủ còn có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các định hướng, chính sách thúc đẩy, kết nối với cộng đồng quốc tế. Đây là xu hướng chung của thế giới và nhiều quốc gia đã có những chính sách, chương trình hỗ trợ kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy vốn, trí thức, công nghệ được liên tục và hiệu quả.
Theo ông Vũ Tấn Cương - GĐ HBI-IT, bắt đầu từ 2016 chúng ta có Đề án 844, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Sau đó, vào năm 2017 chúng ta có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó quy định cụ thể về các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến năm 2018 chúng ta có thêm 2 Nghị định, Nghị định 38/2018/NĐ-CP chính thức triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định này hướng dẫn về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định 39/2018/NĐ-CP hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta bắt đầu có những khung chính sách rất tốt, các thể chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Gần đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2019/TT-BTC, hướng dẫn về tài chính đối với các đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp hướng dẫn hỗ trợ về tài chính đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương. Qua đó, chúng ta thấy Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Chúng ta đã thấy những việc chúng ta cần làm một cách cụ thể chứ không phải mang tính phong trào nữa” – ông Vũ Tấn Cương cho biết.
Vẫn cần những chính sách thúc đẩy khởi nghiệp
Cho đến năm 2019, đã có rất nhiều chính sách ra đời hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên những rào cản vô hình cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn tồn tại.
Theo kết quả đánh giá của VCCI về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, trong số 12 chỉ số để đánh giá thì chỉ số chương trình hỗ trợ của Việt Nam bị đánh giá thấp nhất. Mặc dù chương trình hỗ trợ, chính sách có nhiều nhưng điểm yếu nhất của Việt Nam khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp không tiếp cận được là do có quá nhiều chương trình, quá nhiều cơ quan chủ quản đầu mối, từ Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Kế hoạch đầu tư, các Bộ ngành các cấp.
TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, có 6 yếu tố cần thiết để tạo nên những thúc đẩy trong đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: Chính sách Chính phủ, các nhà khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu của các trường ĐH, các nhà đầu tư mạo hiểm, chương trình ươm tạo khởi nghiệp và các Cty, doanh nghiệp. “6 yếu tố này ở Việt Nam đều thiếu, cộng đồng khởi nghiệp của ta không nhiều và chất lượng cũng chưa cao”- ông Cung cho biết thêm.
Bà Bùi Thu Thủy- Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, các hỗ trợ của Chính phủ phải đi kèm với nguồn lực, mà nguồn lực thì phải tuân thủ luật ngân sách Nhà nước, phải theo quy trình thủ tục tài chính. “Các công chức và cán bộ Chính phủ cũng nhận thấy đó là điểm yếu và chúng tôi cũng đang cố gắng nỗ lực để vừa làm đúng quy định mà lại bước qua được những thủ tục để có thể nhanh hơn và có tác động kịp thời đối với cộng đồng”, bà Thuỷ nói.
“Tôi cho rằng để khởi nghiệp phát triển, cần nhìn vào các chính sách hỗ trợ hơn là các chính sách về kinh tế. Ví dụ như hỗ trợ về kết nối, thúc đẩy để tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Vũ Tấn Cương cho biết.
“Kết nối là quan trọng, kết nối các thành phần với nhau. Nên cần phải xây dựng các hệ thống kết nối càng nhiều càng tốt. Các hình thức kết nối có thể là những co-working space (không gian làm việc chung). Bởi vì chỉ cần một vài người có tâm huyết. có kinh nghiệm khi đó những người làm startup sẽ có nơi để trao đổi các ý tưởng của mình, tìm kiếm sự hỗ trợ, nói lên nhu cầu của mình” – TS Nguyễn Đình Cung nhận định.