Du học ở Úc, chàng trai về nước khởi nghiệp với nghề nuôi chim
Đó là hành trình lập nghiệp của Đoàn Quang Tùng (SN 1990, phường Yên Thanh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).
Cất đi tấm bằng đại học quản trị kinh doanh có được sau 4 năm học tập tại Đại học Raffles (Úc), Tùng về quê lập nghiệp từ những đồng vốn chắt chiu, dành dụm được để nuôi chim bồ câu Pháp.
Đoàn Quang Tùng cho biết: “Mình du học theo định hướng của bố mẹ với mong muốn khi quay trở về Việt Nam sẽ có một công việc ổn định ở một cơ quan, doanh nghiệp, hoặc chí ít là tiếp tục kế thừa công việc của gia đình hiện tại. Dù vậy, khát khao được tự lực bằng chính bàn tay, khối óc của mình vẫn luôn thôi thúc...".
"Có một lần gặp người chị họ cũng là chủ một trang trại nuôi chim bồ câu ở Hải Dương, mình chợt nghĩ: Chị ấy là phụ nữ, lại một mình nuôi 2 con nhỏ mà vẫn kinh doanh trang trại rất tốt, vậy không có lý gì một thanh niên trai tráng, có sức khỏe, có kiến thức quản lý như mình lại không thể làm được. Càng khó, càng đáng phải thử thách”, Đoàn Quang Tùng chia sẻ.
Nghĩ là làm, năm 2017, Tùng bắt tay vào tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp, thuê mặt bằng, xây dựng chuồng trại và khởi nghiệp từ 1.500 đôi chim bồ câu giống. Đến nay, trang trại của Tùng duy trì khoảng 1,4 vạn con chim bồ câu, trong đó có khoảng 3.000 đôi chim bố mẹ; mỗi tuần cung cấp ra thị trường khoảng 700-1.000 con chim non, doanh thu 45-60 triệu đồng/tuần.
Trang trại đang tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Đáng nói hơn, Tùng cũng đang liên kết với 5 hộ khác trong khu vực, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ.
Mô hình đang hoạt động hiệu quả, tiếp tục được các hộ dân quanh vùng tìm hiểu, tham gia. Tùng nói: "Mình dự định thành lập một HTX nuôi chim bồ câu tại TP Uông Bí. Mục tiêu vừa mở rộng quy mô, vừa tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập".
Chia sẻ về những gian nan đã qua, Tùng nói: "Cái mình tự tin là tuổi trẻ, kiến thức về quản trị mình học được, nhưng cái còn thiếu là kỹ năng, kinh nghiệm. Lần xót xa nhất là mấy trăm đôi chim bố mẹ bị bệnh chết…, tiếc của, tiếc công, nhưng mình không nản chí. Mình lại mày mò tìm hiểu, đi khắp các cơ sở, trang trại nuôi chim bồ câu Pháp ở phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm nuôi chim bồ câu. Đến nay, trang trại đang duy trì tốt, không có hiện tượng dịch, bệnh.
Với hơn 5.000m2 và 1,4 vạn con chim bồ câu, trang trại chim bồ câu Pháp của Tùng thuộc tốp lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ nuôi chim bồ câu thương phẩm, Tùng đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại, như máy ấp trứng, máy nhào trộn thức ăn, quạt làm mát… để khép kín, kiểm soát quy trình nuôi, đảm bảo được chất lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm.
Tùng còn kinh doanh nhiều dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Tùng được Tỉnh Đoàn Quảng Ninh, Thành Đoàn Uông Bí khen thưởng doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Tùng tâm sự: “Với tuổi trẻ, làm giàu cho mình chính là làm giàu cho quê hương, đất nước…”.