Câu chuyện khởi nghiệp: Bánh bột lọc chảnh mơ ra thế giới
Bán online nhưng cao điểm, quán bán hơn 5.000 bánh mỗi tuần và hơn 1.000 cây chả.
'Do nhớ món bánh của nội, tôi đi lùng khắp các quán Huế tại Sài Gòn, nhưng không tìm được loại bánh nhà tôi hay làm', Nguyễn Duy Vĩ - giám đốc Công ty Ẩm thực nhà Bu - kể về lý do khởi nghiệp.
Nhà Vĩ trong một con hẻm ở TP.HCM trở thành "nhà máy", còn "cửa hàng" nằm ở fanpage Ẩm thực nhà Bu trên Facebook. Khách muốn mua có thể đặt hàng trên đó rồi trực tiếp đến lấy hoặc nhờ dịch vụ giao hàng tận nơi.
Vĩ lập fanpage này năm 2013, ban đầu bán thử nghiệm. Thời điểm đó, để mua được bánh, nhiều khách hàng cần phải đợi ít nhất là hai tuần, thậm chí có những đơn hàng phải đợi một tháng nhưng khách vẫn chờ.
"Nguyên con tôm bự chà bá nằm gọn trong bánh" được nhiều thực khách ví là đặc điểm nhận dạng của bánh bột lọc nhà Bu. Sau một thời gian nhận được phản ứng tích cực từ thị trường, Vĩ đẩy mạnh sản xuất bằng việc thuê thêm người và tìm kiếm các nguồn nguyên liệu ổn định hơn.
Tuy nhiên, chính từ đây xuất hiện rất nhiều vấn đề đau đầu khiến công cuộc khởi nghiệp của chàng trai 8X có nguy cơ sụp đổ.
Theo Vĩ, quán luôn dùng tôm tươi trong (còn sống) để đảm bảo chất lượng bánh tốt nhất, nhưng không phải nhà cung cấp nào cũng đảm bảo được điều đó. Thứ hai là vấn đề nhân sự, việc đảm bảo năng suất cũng như nắm rõ quy cách sản xuất đối với nhân công cũng rất vất vả. Thứ ba là vấn đề về giao hàng cho khách, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực khách, quán phải thuê thêm người chỉ để giao bánh cho khách, nhưng khó khăn là khách không chịu chi phí giao, hoặc chê mắc...
"Thời điểm đó, những dịch vụ giao nhận chưa phát triển như bây giờ nên tôi đành phải gồng một phần chi phí để giữ khách" - Vĩ nói.
Dù chỉ bán online và chưa có cửa hàng chính thức nhưng lúc cao điểm, quán đã phục vụ hơn 5.000 bánh mỗi tuần và hơn 1.000 cây chả. Doanh thu mỗi tháng lên đến hơn 100 triệu đồng. Mỗi năm, Ẩm thực nhà Bu phục vụ cho hơn 10.000 thực khách.
“Chúng tôi sẽ phát triển một ứng dụng riêng, kết nối các điểm bán hàng với hệ thống dữ liệu của Ẩm thực nhà Bu, giúp công ty dễ dàng quản lý số lượng đơn hàng, tồn kho...
NGUYỄN DUY VĨ
Ước mơ bánh bột lọc Việt ra thế giới
Mục đích giản dị ban đầu của Vĩ khi mở quán chỉ là "để cho mẹ tôi có việc làm và có thu nhập hằng tháng cho đỡ buồn", nhưng sau 6 năm, Bu (tên gọi thân mật của Vĩ) chia sẻ: "Các món ăn Việt thật sự rất có tiềm năng phát triển, không chỉ trong thị trường nội địa mà còn cả thị trường quốc tế. Bánh bột lọc của Ẩm thực nhà Bu đã được khách hàng đem đi qua 15 nước trên thế giới để tặng, hoặc để dùng từ từ".
Mới đây, startup này đã gọi vốn thành công cho đầu tư ban đầu trong việc mở rộng thị trường. Số tiền cụ thể không được tiết lộ (theo thỏa thuận với nhà đầu tư), nhưng theo Vĩ đủ để bắt đầu ước mơ bán bánh bột lọc Việt Nam ra thế giới. Chia sẻ về kế hoạch phát triển của mình, anh cho biết sẽ cải tiến quy trình sản xuất, mở rộng kênh phân phối cả online và offline.
"Ngoài bánh bột lọc, chả Huế, chúng tôi sẽ nghiên cứu sản xuất các loại bánh truyền thống khác như bánh bột nếp, bánh lá..., dĩ nhiên là với một công thức được nâng cấp từ các sản phẩm truyền thống - Vĩ nói - Bước thứ 2 của kế hoạch sẽ là mở một chuỗi những nhà hàng Việt với thực đơn là các loại bánh và các sản phẩm truyền thống khác - đã được nâng cấp lên chất lượng nhà hàng.
Hiện tại cũng đang có vài nhà đầu tư chiến lược đợi tôi ở giai đoạn này để giải ngân khoản đầu tư họ cam kết. Sau khi mọi thứ ổn định, tôi sẽ chuyển sang tập trung việc xuất khẩu các món bánh Việt Nam ra các thị trường quốc tế, trước mắt có thể là Đông Nam Á".
Bánh bột lọc chảnh!
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết ông rất thích các món Việt Nam mang hương vị truyền thống. "Riêng món bánh bột lọc, tôi đã ăn từ Nam ra Bắc với rất nhiều hương vị, thậm chí ở Huế mỗi nơi đều có những hương vị đặc trưng. Nhưng riêng đối với bánh bột lọc của Ẩm thực nhà Bu thì rất khác biệt. Bột bánh rất trong, dai, lượng bột so với nhân vừa phải, không quá nhiều như những loại bánh bột lọc khác tôi từng ăn.
Tất cả dồn vô cái bánh nhỏ xíu đã tạo nên cái bánh bột lọc ú nu y chang "chủ nhân" của nó, kết hợp với nước mắm con ruốc "thúi rùm", nhưng đã ăn rồi thì bị ghiền ngay. Có thời điểm để ăn phải đợi rất lâu, nên tôi hay gọi nó là bánh bột lọc chảnh" - ông Dũng dí dỏm.