Cơ hội rộng mở cho ngành thẩm định giá
Đây là khẳng định của ông Phạm Văn Bình - Lãnh đạo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tại Tọa đàm “Định hướng và Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành thẩm định giá” diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Đây là sự kiện nằm trong kế hoạch hoạt động thường niên của Công ty TNHH Thẩm Định giá VNG với mục tiêu nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin định hướng nghề nghiệp hữu ích cho các bạn sinh viên định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Ông Phạm Văn Bình – Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá, Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Qua các số liệu thống kê những năm gần đây thì ngành nghề Thẩm định giá đạt mức tăng trưởng đột biến, vượt cả các doanh nghiệp kiểm toán mặc dù Thẩm định giá là ngành nghề phát triển sau.
Hiện có 2.108 thẩm định viên về giá được cấp thẻ trong đó 1.343 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp thẩm định giá; 765 thẩm định viên về giá chưa đăng ký hành nghề.
Tính đến hết 31/12/2018 các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 132.360 chứng thư thẩm định giá (tăng 34.360 chứng thư so với cùng kỳ năm trước – mức tăng khoảng 35%).
Đứng trước cơ hội phát triển rất rộng mở của ngành nghề thẩm định giá thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng đối mặt với những thách thức nhất định đặc biệt là sự cạnh tranh về chất lượng.
Bà Nguyễn Thanh Lịch – Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá VNG chia sẻ, với 346 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (tính đến hết tháng 10/2019) thì Công ty TNHH Thẩm định giá VNG xác định rằng luôn luôn phải thường xuyên tiến hành đào tạo trong ngắn và dài hạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định tính chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên viên, thẩm định viên có chuyên môn sâu.
Muốn thực hiện được điều này doanh nghiệp phải xây dựng và chuẩn hóa quy trình thẩm định giá, kiểm soát chặt chẽ bằng việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2015 vào quy trình thẩm định giá tại doanh nghiệp; Độc lập giữa bộ phận nghiệp vụ với bộ phận tiếp nhận thông tin từ khách hàng.
Đồng thời, Ban kiểm soát sẽ thực hiện việc kiểm soát chất lượng của bộ phận chuyên môn nghiệp vụ từ các văn phòng giao dịch, chi nhánh cho đến trụ sở chính của Công ty nhằm đảm bảo phương pháp đúng, quy trình đúng ra được kết quả đúng cho khách hàng.
Cơ hội phát triển
Chia sẻ về chương trình đào tạo của nhà trường đối với khoa Thẩm định giá và tính ứng dụng vào trong thực tế, thầy Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng bộ môn Chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản, Học viện Tài chính cho biết: Song song với việc đào tạo các kiến thức cơ bản về chuyên ngành cho các sinh viên, nhà trường cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong các chương trình đào tạo thực tiễn để các sinh viên có cái nhìn bao quát, thực tế hơn với các hoạt động nghề nghiệp sau này.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thanh Lịch cho biết, khi các bạn đã thi đỗ và được cấp thẻ thẩm định giá để hoạt động nghề nghiệp thì hàng năm các bạn vẫn phải bắt buộc học lớp “Cập nhật kiến thức” do Cục Quản lý giá tổ chức, nếu quên hoặc vì lý do gì đó không tham gia sẽ bị dừng hoạt động thẩm định giá trong vòng một năm đó.
Vì các điều kiện vô cùng khắt khe như vậy mà đòi hỏi các chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá phải có tinh thần trách nhiệm rất cao được thể hiện ở:
Thứ nhất, trách nhiệm với khách hàng: Kết quả thẩm định giá sẽ mang yếu tố quyết định và ảnh hưởng rất lớn trong việc ra quyết định của khách hàng hoặc đối tượng liên quan.
Thứ hai, trách nhiệm với bản thân: Thực hiện các hoạt động thẩm định giá một cách an toàn, minh bạch, cẩn trọng, khách quan, đúng đắn. Ngăn ngừa RR cho chính bản thân, đó là thẻ bài để tự bảo vệ mình trước pháp luật.
Thứ ba, trách nhiệm với doanh nghiệp: Một doanh nghiệp thẩm định giá có uy tín hay không phụ thuộc vào trình độ của chính các bạn, kết quả của các bạn là bức tranh phản ánh sức khoẻ của doanh nghiệp, phản ánh chất lượng về nghiệp vụ. Nếu các bạn thực hiện chuẩn mực thì sẽ giúp cho doanh nghiệp hạn chế được các RR không đáng có bởi Chứng thư thì có hiệu lực trong 6 tháng hay một năm về giá trị nhưng lại chịu trách nhiệm pháp lý trong vòng 10 năm.
“Vì thế chúng tôi khuyên các bạn phải hoạt động một cách chuẩn mực, hiểu biết, thận trọng và không thực hiện bằng mọi giá” – bà Lịch chia sẻ.
Nhận định về triển vọng ngành thẩm định giá, ông Phạm Văn Bình bày tỏ lạc quan trong 5 – 10 năm tới cơ hội rất rộng mở với sinh viên và các doanh nghiệp, quan trọng phải nắm bắt được.
Để ngành thẩm định giá phát triển, đại diện doanh nghiệp, bà Lịch kiến nghị cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra giám sát quá trình thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đề nghị Cục quản lý giá nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu giá thị trường đưa vào khai thác, sử dụng.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá; Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ của thẩm định viên theo hướng thực hành thẩm định giá chuyên sâu. Tổ chức nhiều buổi hội thảo, thảo luận chuyên đề, chuyên sâu về từng lĩnh vực thẩm định giá trong thời gian phù hợp nhằm nâng cao chất lượng.