Gỡ vướng pháp lý cho startup
Nhiều startup đang phải hoạt động trầy trật do thiếu khung pháp lý với quy định phù hợp cho những loại hình kinh doanh mới.
hiếu những quy định phù hợp đã vô tình trở thành rào cản khi startup gia nhập thị trường và các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tham gia hỗ trợ khởi nghiệp.
Startup phải “cõng” thuế nhiều hơn thực thu
Thành lập từ năm 2016, khởi nghiệp trong ngành logistics, startup Log Lag đặt mục tiêu tổng giá trị giao dịch sẽ đạt 41 triệu USD, doanh thu là 2,85 triệu USD vào năm 2021. Startup này cung cấp giải pháp xây dựng ứng dụng đặt xe trong ngành vận tải, với ba dịch vụ chính: xe ghép, xe nguyên chuyến và xe xuất nhập cảng. Ứng dụng của Log Lag chạy trên nền tảng khai thác dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, từ đó có phần mềm quản lý đội điều xe thông minh giúp chủ hàng có thể theo dõi suốt chuyến thông qua thời gian thực.
Đã hoạch định được chiến lược đường dài của doanh nghiệp, nhưng Log Lag đang gặp khó khăn về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này. Theo đó, Log Lag phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo doanh nghiệp vận tải, doanh thu phải hoạch toán theo tổng giá trị giao dịch của chuyến hàng, với con số lớn hơn nhiều so với mức phí mà doanh nghiệp thực thu trong vai trò kết nối.
Thấu hiểu khó khăn của startup, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans tại Việt Nam cho biết, do khung pháp lý thiếu đồng bộ hoặc không theo kịp đã tạo ra các rào cản về mặt thể chế. Điều này khiến nhiều nhà khởi nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác phải thành lập pháp nhân tại nước ngoài để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư.
Lo ngại về hiện tượng startup ra nước ngoài đăng ký hoạt động đã được nhắc đến trước đây và cũng đã có đại biểu Quốc hội không khỏi băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) đã thẳng bày tỏ trước Quốc hội rằng, có những startup không đăng ký hoạt động ở Việt Nam mà chuyển sang quốc gia khác đăng ký hoạt động, do những lo ngại về an toàn pháp lý. Cũng theo đại biểu Công, để xảy ra tình trạng này là do khung khổ pháp lý, nhất là các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, kinh tế chia sẻ,… vẫn chưa được quan tâm và ban hành kịp thời, đầy đủ.
Nghị định trễ với thực tiễn
Với nhiều năm nghiên cứu chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Thịnh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, quy định và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang ngày càng được hoàn thiện, nhưng nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có, dẫn đến tình trạng khó triển khai các quy định và chính sách trên thực tế.
Ông Thịnh dẫn chứng, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định cụ thể các nội dung hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hai vấn đề ảnh hưởng tới tính khả thi của các chính sách hỗ trợ tài chính, đầu tư là tiêu chí lựa chọn và sự phối hợp của các cơ quan nhà nước vẫn còn rất hạn chế.
Đồng tình với quan điểm này, TS Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), hệ thống thể chế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện nay vẫn thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho các loại hình kinh doanh mới. Đây là rào cản lớn khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khó tiến cận vốn và hoạt động.
Cụ thể như, nhiều mô hình mới ra đời như tiền kỹ thuật số, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho công nghệ tài chính (FinTech), kinh tế chia sẻ…, đến nay, vẫn chưa có khung pháp lý ở cấp nghị định quy định về các vấn đề này, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực tiễn hoạt động.
Chính vì vậy, Đại biểu Công kiến nghị, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, sớm có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy các công nghệ ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Ông Phan Đình Quân - GĐ Công ty TNHH Tiếp vận EZ shipping:
Tôi cho rằng, khởi nghiệp không chỉ có tư duy, hoài bão, mà quan trọng cần có thêm dũng khí và can đảm dám vượt qua thử thách, đứng dậy sau thất bại thì đó mới chính là giá trị cốt lõi giúp các startup khởi nghiệp thành công.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics còn nhiều gian nanỞ góc độ của doanh nghiệp đang hoạt động tôi cho rằng các startup khởi nghiệp ở lĩnh vực này là không khó. Tuy nhiên, để thành công được đòi hỏi các startup phải trang bị kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như; kiến thức về vận tải, thủ tục xuất nhập khẩu, ngoại ngữ và các giải pháp công nghệ thông tin cho ngành logistics...
Do vậy, đối với các sinh viên thì logistics được coi là một nghề được cho là khá mới mẻ. Bởi vốn kiến thức chưa nhiều, kinh nghiệm còn thiếu khiến hành trang cho các startup về logistics còn nghèo nàn.
Để khởi nghiệp thành công từ lĩnh vực này, tôi có lời khuyên đối với các startup trẻ tại Việt Nam, hãy trao dồi thêm những bài học, kinh nghiệm của người đi trước để có thể tích luỹ thêm vốn kiến thức cho riêng mình. Chẳng hạn như ngoài những kỹ năng hiểu biết về thương mại thì các startup phải hiểu được tầm quan trọng của logistics.
Trong đó, logistics và quản trị chuỗi cung ứng (SCM) đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Nó giúp nhà sản xuất nắm bắt được kịp thời, chính xác các nhu cầu của khách hàng, từ đó giúp thúc đẩy dòng lưu thông hàng hoá, dòng tiền, thông tin từ nhà cung cấp, nhà máy sản xuất, nhà vận tải, kho bãi qua các kênh phân phối sỉ, phân phối lẻ đến tay người tiêu dùng. Lợi ích của dịch vụ này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí, thỏa mãn nhu cầu khách hàng, mở rộng thị phần logistics mà quan trọng hơn là góp phần tăng trưởng của ngành xuất khẩu.
Tuy nhiên, đến nay kinh doanh ngành dịch vụ vận tải logistics còn gặp khá nhiều khó khăn về hạ tầng và cơ chế chính sách.
Do vậy, nhằm hỗ trợ cho các startup logistics khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững, tôi đề xuất Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa tới ngành logistics Việt Nam. Thực hiện hoá các chỉ đạo của Thủ tướng như chỉ thị 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Ông Phan Văn Hưng- Giám đốc Học viện kinh tế sáng tạo:
Hỗ trợ khởi nghiệp - kinh nghiệm từ Hàn QuốcĐa phần các ý tưởng các cá nhân khởi nghiệp đều là các bạn trẻ có trình độ, đôi khi cả các bạn du học nước ngoài về nhưng khi bắt tay vào thành lập các bạn đều gặp khó khăn về các vấn đề như: thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuế, bảo hiểm... Tất cả đều vướng mắc nhưng rất ít khi được các cơ quan liên quan hỗ trợ. Đa phần tự tìm tòi và tự học hỏi. Điều này àm cho tiến trình dự án chậm, và có thể ảnh hướng tới chất lượng.
Là người du học từ Hàn Quốc về và cũng là doanh nghiệp kết nối với các đối tác của Hàn Quốc, tôi được biết ở Hàn Quốc người ta tìm những cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động đăng ký triển khai dự án hoặc chủ động đề xuất dự án tới văn phòng Thủ tướng. Nếu các dự án được duyệt Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án này.
Hàn Quốc xây dựng các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo ở từng địa phương để hỗ trợ các dự án cũng như các chương trình khởi nghiệp. Họ tạo ra không gian khởi nghiệp cho từng địa phương. Đặc biệt hơn nữa, họ tạo ra rất nhiều mô hình để dạy cho học sinh, sinh viên, xây dựng các ước mơ cho các bạn nhỏ, học sinh tiểu học, trung học được thực hành, ví dụ như các mô hình thành nhà khoa học, thiên văn, cơ khí sáng tạo … tất cả các mô hình này được các bạn học sinh thực tập .
Theo tôi, nên có các trung tâm khởi nghiệp ở từng địa phương, một mặt tạo cơ hội cho các bạn trẻ địa phương tiếp cận dễ dàng hơn với các nhà đầu tư, các starup, để có thể giới thiệu mô hình sản phẩm của mình tại các trung tâm này.
Lê Tuấn – Nguyễn Thànhghi