Chiến lược marketing cho startup
Chiến lược marketing dưới đây sẽ giúp các startup có đủ nguồn vốn đầu tư – một trong những thử thách được coi là sống còn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp khi khởi nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Theo trang Entrepreneur.com chiến lược marketing dưới đây sẽ giúp các startup có đủ nguồn vốn đầu tư – một trong những thử thách được coi là sống còn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thông qua giới thiệu của khách hàng
Thực tế là ngày nay mọi người vẫn tin vào những lời giới thiệu cá nhân hơn bất cứ điều gì khác.
Một trong những cách tốt nhất để tiếp thị là tạo ra một hệ thống để khách hàng làm tiếp thị cho doanh nghiệp. Qua các cuộc nghiên cứu, kết quả cho thấy khách hàng có khả năng mua sản phẩm cao hơn nếu họ được một người bạn, người quen giới thiệu.
Hơn nữa, chi phí để thiết lập một chương trình tiếp thị qua lời giới thiệu của khách hàng thì không quá tốn kém. Tùy thuộc vào cách cấu trúc chương trình, nó có thể hoàn toàn không tốn phí. Chẳng hạn, doanh nghiệp dành cho khách hàng một mức chiết khấu, đổi lại họ sẽ giới thiệu một khách hàng mới.
SEO – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm
Nếu bạn dành thời gian để viết bài cho chiến dịch tiếp thị nội dung thì cũng nhớ đầu tư để cải thiện khả năng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm – SEO.
SEO dường như phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng nếu thực sự quan tâm và dành chút thời gian đọc thì chúng ta có thể hiểu được những điều căn bản. Thông qua việc sử dụng các công cụ trực tuyến để tìm từ khóa phù hợp sẽ thu hút đối tượng đến thăm trang web và tiếp tục cải thiện hiệu quả của trang. Ngoài ra các startup cũng cần điều chỉnh cấu trúc bài viết, đầu tư nội dung có chất lượng và có phong cách viết nhất quán. Việc này cần nhiều thời gian nhưng lợi ích lâu dài là rất lớn.
Tiếp thị truyền thông xã hội
Nếu được đầu tư thời gian, tiếp thị mạng xã hội là một kênh tốt, phù hợp cho nhà khởi nghiệp. Với truyền thông mạng xã hội, chúng ta không thể tiếp cận một cách thất thường, khi có khi không. Đầu tiên, hãy tạo hồ sơ về doanh nghiệp trên các kênh như Facebook, tiếp tục bổ sung, làm phong phú thông tin và bắt đầu cung cấp những nội dung mà đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp ưa thích. Hãy luôn giữ sự kết nối với đối tượng mục tiêu. Lượng người theo dõi trang sẽ tăng lên hàng ngàn và cũng sẽ là một nguồn truy cập đến trang web của doanh nghiệp.
Thông cáo truyền thông
Mọi người vẫn đọc tin tức thường xuyên và nếu doanh nghiệp có điều gì đó đáng để đưa tin thì sẽ có những đơn vị truyền thông chào đón thông tin này. Đây là cơ hội để thương hiệu được đề cập trên những kênh truyền thông lớn và thông tin có thể được chia sẻ, lan rộng từ một nguồn tin uy tín.
Nếu không có chi phí để thuê một công ty dịch vụ, doanh nghiệp có thể tự tìm hiểu danh sách những phóng viên, cây bút liên quan đến ngành kinh doanh của họ.
Thương hiệu cá nhân
Nhà khởi nghiệp có thể quảng bá hình ảnh và chuyên môn của chính họ qua truyền thông xã hội nhằm thu hút lượng người theo dõi và tạo ra nguồn khán giả riêng. Mọi người vẫn có xu hướng tin người khác hơn là tin một doanh nghiệp nào đó và một doanh nhân khởi nghiệp có thể cung cấp nội dung hoặc thu hút khách hàng mới từ lượng khán giả riêng này.
Diễn đàn và nhóm cộng đồng
Tại những nơi thế này, chúng ta có thể bắt gặp một câu hỏi của ai đó và có thể trả lời bằng chuyên môn của mình hoặc phát hiện một sự kiện nào đó, cũng là cơ hội có thể tận dụng để quảng bá sản phẩm. Nếu một công ty khởi nghiệp quá chật vật với ngân sách và buộc lòng tạm thời đưa tiếp thị ra khỏi bài toán tài chính thì vẫn nên tìm những cách sáng tạo để xây dựng sự nhận biết cho thương hiệu và sản phẩm.