Startup cần chuẩn bị những gì? Shark Việt đưa ra lời khuyên: Trước nhất là kế hoạch, sau tới thái độ

Theo Trí Thức Trẻ 11/12/2019 08:35

Shark Việt chia sẻ, "Tôi mong muốn các bạn startup để ý đến thái độ của mình trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến cũng như trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh."

Một là câu chuyện “đẽo cày giữa đường”, ai góp ý cũng nghe rồi cuối cùng không làm được thành cái cày nào. Hai là quá tự tin vào mình, bỏ qua những lời khuyên và cuối cùng thất bại chỉ vì thái độ, không biết lắng nghe, không biết thấu hiểu.”, ông chỉ ra hai tình huống cần tránh.

Nếu là một fan của chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ, chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với vị "cá mập" được mệnh danh là "ông nội" hay "Mr. Wonderful" – Nguyễn Thanh Việt.

Ông Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1963 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh và hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom). Trước đó, ông từng có 16 năm làm việc tại công ty Sông Đà, nắm giữ nhiều chức vụ từ giám đốc xí nghiệp, phó giám đốc đến giám đốc công ty.

Tham gia từ mùa 2, Shark Việt nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả nhờ những câu triết lý nhẹ nhàng, hài hước mà rất sâu sắc và thực tế dành cho startup trẻ. Dù mùa 3 của Shark Tank Việt Nam đã chính thức khép lại được một thời gian nhưng ông vẫn thường xuyên có những chia sẻ cho doanh nhân, startup trẻ qua các buổi nói chuyện, tọa đàm và cả mạng xã hội.

Mới đây, Shark Việt đã có vài lời khuyên khá hữu ích về hành trang cần chuẩn bị khi khởi nghiệp.

"Điều đầu tiên cần chuẩn bị, đó là một kế hoạch kinh doanh. Để hoàn thiện kế hoạch kinh doanh thì cần những gì? Một số yếu tố cơ bản bao gồm công nghệ, nhân lực, thiết bị, tài chính và mô hình. Ngoài ra còn những thứ khác nữa. Bản thân mình phải hoàn thiện được kế hoạch kinh doanh ấy, đó là điều quan trọng nhất và cần chuẩn bị thật kỹ càng."

Một yếu tố quan trọng không kém khác mà Shark Việt chỉ ra trong hành trang khởi nghiệp chính là thái độ. "Suy nghĩ thật kỹ, thật sâu, về việc mình có nên làm hay không? Bên cạnh đó còn là thái độ đối với những lời khuyên. Nhiều bạn nghe lời khuyên của người khác nhưng thực chất lại không tập trung, không chú ý nên đến khi khởi sự lại tiếp tục mắc những lỗi đã được cảnh báo trước.", ông chia sẻ.

Vị chủ tịch Intracom nêu hai tính huống cần tránh: "Một là câu chuyện "đẽo cày giữa đường", ai góp ý cũng nghe rồi cuối cùng không làm được thành cái cày nào. Hai là quá tự tin vào mình, bỏ qua những lời khuyên và cuối cùng thất bị chỉ vì thái độ không biết lắng nghe, không biết thấu hiểu."

Có thể thấy đây là yếu tố rất được Shark Việt đề cao. Trong chính chương trình Shark Tank mùa 3, Mr. Wonderful cũng đã từng quyết định rót vốn cho một startup dựa trên thái độ - Dalat Foodie.

Ở tập 12, mô hình kinh doanh thực phẩm hữu cơ Farm to Table (từ nông trại tới bàn ăn) của bà mẹ bỉm sữa Đỗ Phan Hoàng Sương bị Shark Hưng và Shark Liên từ chối thẳng thừng vì cho rằng kết quả chưa đáng tin cậy, không có đủ niềm tin.

Nhưng ngược lại, nữ founder lại ghi điểm trong lòng Shark Việt. "Người ta bảo thần thái là quan trọng, nhưng thực ra là thái độ. Thái độ của em là nghiêm túc trong việc này, cho nên không có lý do gì anh lại không offer."

Sau khi giành được Hoàng Sương về đội của mình, ông chia sẻ thêm: "Mặc dù đề xuất của anh hấp dẫn hơn (của Shark Linh), nhưng em không đề cập về vấn đề tài chính khi lựa chọn. Riêng điều ấy của em đã là thắng lợi. Nếu hôm nay em chọn anh vì anh đề xuất nhiều tiền hơn, có khi anh lại từ chối đầu tư. Tiền không phải là tất cả, trong kinh doanh đạo đức là quan trọng."

Startup Dalat Foodie được nhận 5 tỷ đồng đầu tư từ Shark Việt nhờ thái độ tốt.

Startup Dalat Foodie được nhận 5 tỷ đồng đầu tư từ Shark Việt nhờ thái độ tốt.

Điều thứ ba mà Shark Việt khuyên các startup: giữ chữ tín. "Người thiên chúa giáo nói: "Chúa ở trong đức tin của bạn. Nếu bạn không có lòng tin vào người khác và không xây dựng được lòng tin của người khác vào mình, thì thất bại đã chờ sẵn ở trước cửa nhà."

Cuối cùng, ông nói: "Chúng ta hay có thói quen trễ hẹn và đổ cho lý do tắc đường, hỏng xe. Trễ trong một cuộc hẹn cũng như việc trễ trong kinh doanh, là do ta không tính đến những yếu tố rủi ro có thế xảy ra. Chì vì điều đó mà chúng ta mất rất nhiều cơ hội, mất bạn bè, đối tác và lớn nhất là sự thắng lợi."

"Tôi mong muốn các bạn startup để ý đến thái độ của mình trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến cũng như trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh."

Theo Trí Thức Trẻ