Tào Tháo: Độc chiêu khởi nghiệp quan trường
Phải chăng ngay từ đầu Tào Tháo đã “gian hùng”? Ông ta muốn trở thành bề tôi giỏi (năng thần), một lòng phụng sự nhà Hán, nhưng cái gì đã cản đường ông ta, đẩy ông ta vào con đường “gian hùng”.
Quan lộ thuận lợi vì có ô dù
Như phần trên đã nói Hứa Thiệu bình luận về Tào Tháo: “Năng thần (bề tôi giỏi) thời bình, gian thần thời loạn”. Câu này có hai cách lí giải: Một, thời bình là bề tôi giỏi, thời loạn là gian thần. Hai, trị vì được thiên hạ thì là năng thần, làm loạn thiên hạ thì là gian thần. Vậy Tào Tháo chọn năng thần hay chọn gian thần?
Quả thực Tào Tháo muốn làm năng thần. Điều này đã được chứng minh trên thực tế.
Hán Linh đế Hy Bình năm thứ ba (174 sau công nguyên), Tào Tháo 20 tuổi, đắc cử Hiếu liêm, đảm nhiệm chức quan lang. Hiếu là hiếu với cha mẹ tổ tiên, liêm là liêm khiết với xã hội. Người nào được bầu Hiếu liêm, là đã có tư cách để ra làm quan, y như bây giờ có bằng cấp là có tư cách thi tuyển công chức.
Thời Hán, triều đình chọn một số thanh niên con nhà khá giả, tư cách đạo đức tốt, ngoại hình đẹp làm Lang. Lang có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là trẻ tuổi, nghĩa thứ hai là thị vệ. Làm Lang trong cung đình, thực tế là thị vệ của nhà vua. Lang được gần gũi nhà vua, được rèn luyện, biết nhiều chuyện, nên sau khi làm Lang thường được bổ nhiệm rất nhanh chức quan khác.
Đây là phương thức đào tạo bồi dưỡng quan chức thời Hán. Nhưng về sau thì không chính qui như vậy nữa: Quan Lang không nhất thiết phải là con cái nhà quyền quí, cũng không nhất thiết là thị vệ của vua, mà chỉ là một sự tập dượt cho quen việc, như “lớp kế cận”, “cán bộ dự bị” thời bây giờ.
Theo qui định, sau khi mãn nhiệm quan lang, có thể được bổ nhiệm làm cán bộ cấp huyện hoặc Huyện lệnh, Huyện thừa, hoặc Huyện úy. Có điều, đến cuối đời Đông Hán thì mọi việc tuyển lựa đề bạt chỉ làm chiếu lệ.
Tào Thào có người nhà trong triều. Ông nội Tào Đằng được phong làm Phí Đình Hầu; Bố là Tào Tùng, ở ngôi Tam Công. Vì vậy Tào Tháo chỉ làm Quan Lang ít lâu đã được bổ nhiệm Lạc Dương Bắc Bộ úy.
Úy là chức quan võ nắm cả quân sự lẫn hình sự. Hán thư. Bách quan công khanh biểu chú thích rõ: “Võ quan từ trên xuống dưới đều gọi úy”. Vậy nên huyện có Huyện úy, quận có Quận úy, triều đình có Thái úy, Trung úy, Đình úy, Vệ úy. Lạc Dương Bắc Bộ úy là Huyện úy.
Quan chế thời Hán, dưới Huyện lệnh có thừa, úy. Thừa phụ trách dân sự, úy phụ trách trị an. Có điều, Lạc Dương là kinh đô Đông Hán, là huyện lớn nhất, nên Huyện úy không chỉ một người, mà là 4 người, phụ trách 4 khu vực đông tây nam bắc.
Tào Tháo là úy khu vực Bắc Lạc Dương (Lạc Dương Bắc bộ úy), cấp bậc Huyện phó, phụ trách công an huyện, như Cục trưởng Công an huyện của Trung Quốc hiện nay.
Được bố của Tư Mã Ý tiến cử
Tiến cử Tào Tháo làm Lạc Dương Bắc Bộ úy là Tư Mã Phòng - bố Tư Mã Ý, khi đó là Thượng thư Hữu Thừa, tương đương Phó Bí thư cung đình. Có điều, Thượng thư đời Đông Hán, danh nghĩa là Ban Bí thư, thực tế là Tể tướng phủ.
Tư Mã Phòng giới thiệu, Tào Tháo lập tức được bổ nhiệm. Nghe nói khi ấy Tào Tháo không vui, vì ông ta rất muốn chức Huyện lệnh. Nhưng Tuyển bộ Thượng thư (tương đương chức Trưởng ban Tổ chức Chính phủ bây giờ) không quan tâm Tào Tháo có thích hay không, thành ra Tào Tháo buộc phải đến nhiệm sở nhận chức vụ nói trên.
Đó là chức quan đầu tiên trong đời, ấn tượng rất sâu đối với Tào Tháo. Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ, Bùi Tùng Chi chú dẫn Tào Man truyện, thì sau này Tào Tháo được Hán Hiến đế phong Ngụy vương, đã mời bằng được Tư Mã Phòng về Nghiệp Thành khoản đãi cực kỳ hậu hĩ. Rượu được ba tuần, Tào Tháo hỏi: “Ông thấy cô gia hôm nay có thể nhận chức Huyện phó phụ trách công an huyện được không?” Tư Mã Phòng nói: “Năm xưa, khi lão phu tiến cử thì Đại vương rất hợp với chức ấy”. Tào Tháo bật cười ha hả.
Cái cười của Tào Tháo không hoàn toàn là tiểu nhân đắc chí, mà là cái cười mãn nguyện. Tháo vốn không che giấu tình cảm, hễ đắc ý là biểu hiện trên nét mặt. Nhưng lần này, Tào Tháo đắc ý không chỉ vì được phong vương, cũng không chỉ vì chuyện bổ nhiệm trái ý khi xưa, mà vì một chuyện quan trọng khác có liên quan đến chức vụ này.
Đòn dằn mặt kinh hồn khởi nghiệp quan trường
Mọi người đều biết, Lạc Dương Bắc Bộ úy là chức quan không to, quyền không lớn, nhưng trách nhiệm cực kỳ nặng nề, rắc rối cũng không ít. Vì rằng nơi đây là đại bản doanh của triều đình, tầng lớp quyền quí nhan nhản. Bọn này không coi vương pháp ra gì, người đúng mực thì ít, kẻ phá phách thì nhiều mà không ai làm gì nổi. Vậy mà vấn đề trị an của kinh thành vẫn phải bảo đảm. Phải có một kẻ cao tay ấn, đủ mánh khóe trong khi thừa hành công vụ thì công việc mới không đổ bể.
Tào Tháo vừa gian vừa hùng, rất xứng với chức vụ này. Câu trả lời của Tư Mã Phòng không có ý chống chế, mà rất đúng với tính cách của Tào Tháo.
Mà quả vậy, Tào Tháo rất xứng với cương vị này. Vừa đáo nhậm, ông ta cho tu sửa nha môn như mới, sai làm một lô gậy sơn năm màu, mỗi bên cổng treo mười cây với dòng chữ: “Kẻ nào phạm pháp thì dù là cường hào cũng bị đánh đòn”.
Vài tháng sau, quả nhiên có kẻ tự tìm lấy cái chết. Đó là chú ruột của hoạn quan Kiển Thạc. Kiển Thạc rất được Linh đế sủng ái. Lão chú ruột Kiển Thạc cậy có cháu uy quyền lệch đất, ngang nhiên vi phạm lệnh cấm đi đêm của Tào Tháo. Không hề nể nang, Tào Tháo ra lệnh đánh chết tươi lão ta. Từ đó, cho ăn quả liều cũng không kẻ nào dám trái lệnh, trật tự trị an của kinh thành tiến bộ rõ rệt, tiếng tăm Tào Tháo nổi như cồn.
Cú ra đòn của Tào Tháo khiên thiên hạ choáng váng, không hiểu ông ta còn dám làm những gì nữa. Ai cũng biết, một thanh niên mới bước vào hàng ngũ quan trường mà dám đắc tội bọn quyền quí, chắc chắn sẽ không có kết cục tốt đẹp. Tào Tháo không phải không biết. Kiển Thạc uy quyền khuynh đảo triều đình, Tào Tháo cũng biết. Lại nữa, ông nội Tào Tháo cũng là thái giám (hoạn quan). Cháu của thái giám giết chú của thái giám khiến người ta không hiểu. Chuyện này chép trong Tào Man truyện - cuốn truyện này không ưa Tào Tháo, nên tin là có thật.
Người ta có thể đoán Tào Tháo muốn nổi danh bằng một chuyện động trời. Rất có thể là như vậy, qua một bằng chứng gián tiếp. Trong Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh, Tào Tháo có viết: “Cô đắc cử Hiếu liêm, tuổi trẻ, tự nghĩ mình không thuộc loại con ông cháu cha, dễ bị thiên hạ coi thường” (Cô thủy cử hiếu liêm, niên thiếu, tự dĩ lai phi nham huyệt chi danh chi sĩ, khủng vi hải nội chi sở kiến phàm ngu), do đó “chỉ muốn làm một viên quận thủ, giữ gìn chính giáo, tạo lập đôi chút uy tín, để người đời biết đến mình” (dục vi nhát quận thú, hảo tác chính giáo, dĩ kiến lập danh dự, sử thế sĩ minh tri chi).
Tự biến mình thành lính hầu vì tướng mạo xấu xí
Quả thật Tào Tháo lúc này rất trẻ, hai mươi tuổi, xuất thân không tốt, vì sinh trưởng trong một gia đình hoạn quan; hành trạng không tốt, bị coi là phóng đãng; uy tín không có gì, người đời coi là quái thai (thế nhân vị chi kỳ dã). Thậm chí tướng mạo có thể xấu xí (ta đọc Tam quốc chí, những người tướng mạo đẹp như Chu Du, Gia Cát Lượng đều được miêu tả rất kỹ, còn Tào Tháo thì không một chữ). Tam quốc chí coi Ngụy là chính thống, nếu Tào Tháo khôi ngô hùng vĩ, chắc đã tán tụng hết lời. Như vậy e rằng dung mạo Tào Tháo không có gì đáng nói.
Nhưng các sách khác đều có miêu tả. Ngụy thị xuân thu chép: “Võ vương người nhỏ bé, nhưng đầy sức sống” (Võ vương tư mạo đoản tiểu, nhi thần minh anh phát). Thế thuyết tân ngữ chép Tào Tháo muốn tiếp kiến sứ giả Hung Nô, “nhưng nghĩ mình xấu xí, không đủ oai với đất nước xa xôi” (tự dĩ hình lậu, bất túc hùng viễn quốc), bèn sai Thôi Diễm đóng thế, còn Tháo cầm gươm giả làm lính hầu, đứng bên giường. Thôi Diễm là con người tài mạo song toàn, sách chép ông ta “dáng người cao ráo, mi thanh mục tú, tiếng nói sang sảng, râu dài bốn thước, oai phong lẫm liệt”. Vậy mà sứ giả Hung Nô lại bình phẩm: “Ngụy vương là con người nho nhã khác thường, nhưng người cầm gươm đứng hầu mới là anh hùng”. Tháo nghe vậy, sợ lộ chuyện, liền giết sứ giả. Qua đó có thể thấy Tào Tháo tuy dung mạo bình thường, nhưng khí phách hơn người và cái tính nghi kỵ thì quả thực đáng gờm.
Trường hợp Tào Tháo cho ta một bài học: Đừng trông mặt mà bắt hình dong. Đương nhiên, Tào Tháo khi mới bước vào chốn quan trường, chưa có dịp biểu lộ tính cách, vốn liếng chính trị chưa có để trụ vững. Vì vậy muốn để thiên hạ biết đến mình, Tháo phải làm một việc động trời: Giết chú ruột Kiển Thạc.
Điều phỏng đoán thứ hai, Tào Tháo muốn xây dựng pháp chế. Điều này cũng rất có lý. Lỗ Tấn nói, đặc điểm rõ nhất về chính trị của Tào Tháo là “chuộng hình danh”, tức chủ trương pháp trị, thậm chí sử dụng hình phạt tàn khốc để duy trì pháp luật. Quả thật Tào Tháo cực kỳ nghiêm minh trong việc lập pháp và chấp pháp, không hề chùn tay trong việc giết kẻ phạm pháp. Điều này do tình thế bắt buộc và cũng do tính cách của ông ta.
“Thiên hạ đệ nhất chí công”
Tào Tháo rất xuề xòa trong sinh hoạt. Ông ta ăn không cầu kỳ, mặc không cầu kỳ, thường xuyên hành quân dã ngoại, với phụ nữ cũng gặp chăng hay chớ, không khó tính. Thậm chí có người bảo ông ta là con người sống ẩu. Thực ra Tào Tháo lúc này không ẩu và rất ghét những kẻ sống ẩu.
Ông từng viết thư cho Khổng Dung, nói: “Ta tuy không thể thực thi giáo hóa, thay đổi phong tục, chưa vinh danh về nhân đức để tập hợp đồng liêu. Nhưng ta nuôi dưỡng quân lính, vì nước quên thân, không nương tay với bọn tiểu nhân xa hoa phù phiếm, kết bè kéo cánh để mưu lợi riêng (phù hoa giao hội chi đồ. Tam quốc chí. Võ đế kỷ). Và những biện pháp để trừng trị chúng thì có nhiều”. Có thể nói, giữa xã hội nhiễu nhương loạn lạc ấy, ai có ví von Tào Tháo là “Thiên hạ đệ nhất chí công” chắc cũng không sợ quá lời nhiều lắm.
Qua đó, có thể thấy Tào Tháo căm ghét bọn mọt dân, bọn xa hoa phù phiếm, đã vậy thì ông ta không thể là kẻ xa hoa phù phiếm. Ông ta mặc thường phục, cười nói tự nhiên, nghe hát nghe nhạc, là một cách thư giãn khi mệt mỏi vì công việc, cũng là biểu hiện thế giới nội tâm của ông ta, và cũng có thể là tung hỏa mù để kẻ thù của ông ta mất cảnh giác. Ông ta viết văn, hành sự và dùng người không cẩu thả chút nào. Đánh chết tươi chú ruột Kiển Thạc, tính cách Tào Tháo đã bộc lộ ý chí của ông ta khi mới bước vào quan trường.
Nhưng cũng có thể Tào Tháo giết chú Kiển Thạc chỉ là trường hợp ngẫu nhiên. Vì rằng, Tào Tháo khi ấy ngựa non háu đá, chưa hiểu nông sâu, chưa biết thế nào là trời cao đất dày. Ông ta chỉ nghĩ đã làm quan thì phải là quan tốt, phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ phạm pháp để răn đe thiên hạ mà không ngờ kẻ dính đòn lại là mộ con sói gộc – chú ruột Kiển Thạc. Nước đã đổ đi khó mà bốc lại, đành giết gà để dọa khỉ. Mặc dù vậy, chuyện cũng không đơn giản. Vì vậy có thể nói Tào Tháo đã trình diện quan trường bằng một độc chiêu.