Nhà sáng lập Tập đoàn Sơn Hà kể về những cú sốc khởi nghiệp
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, ngay từ khi mới thành lập doanh nghiệp vào năm 1998, Sơn Hà đã phải tự mày mò tìm hướng đi, tìm kiếm các phương thức sản xuất để có thể tồn tại.
Năm 2018 Tập đoàn Sơn Hà (SHI) kỷ niệm 20 năm thành lập, và năm 2019 vừa qua được coi là năm tập đoàn bước sang một trang mới. Nhà sáng lập tập đoàn, Chủ tịch HĐQT Lê Vĩnh Sơn đã có những chia sẻ về quãng thời gian khởi nghiệp tại Sơn Hà.
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, ngay từ khi mới thành lập doanh nghiệp vào năm 1998, Sơn Hà đã phải tự mày mò tìm hướng đi, tìm kiếm các phương thức sản xuất để có thể tồn tại.
Khi đã tìm ra con đường đi của mình, doanh nhân Lê Vĩnh Sơn và các cộng sự đã lập kế hoạch chiến lược cho Sơn Hà.
“Kể từ khi tìm ra con đường cho tới nay, càng về sau chúng tôi càng có kế hoạch rõ nét hơn cho Sơn Hà. Suốt 21 năm đó đã tạo ra Sơn Hà ngày hôm nay với hơn 10 nhà máy, tương ứng hơn 10 công ty thành viên.” – doanh nhân Lê Vĩnh Sơn chia sẻ.
Nhớ lại quãng thời gian 10 năm trước, khi Sơn Hà còn là một công ty gia đình và chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, cũng như chưa đầu tư ra nước ngoài như hiện nay, ông Lê Vĩnh Sơn nói:
“10 năm trước khi nhìn thấy các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, họ đầu tư rất bài bản, chuyên nghiệp và phát triển mạnh mẽ. Tôi cứ nghĩ, tại sao doanh nghiệp nước ngoài họ giỏi như vậy. Mọi người chia sẻ với nhau rằng, ở nước ngoài công nghệ của họ đi trước mình mấy chục năm, thậm chí cả trăm năm. Thế nhưng, đến nay Sơn Hà đã bắt đầu “làm nhiệm vụ” quốc tế giống như các công ty khác.”
Tất nhiên không chỉ có sự thành công, nhà sáng lập tập đoàn chia sẻ kể từ khi Sơn Hà được thành lập đến nay, bản thân ông và các cộng sự đã nếm trải không ít sự khốc liệt của thương trường. Có những giai đoạn rất gian truân, thậm chí có thể cảm nhận được sự mất mát, thua lỗ, thậm chí là thất bại.
“Những năm sau này, khi đã vượt qua rồi chúng tôi cảm thấy hướng đi ngày càng sáng. Kết quả kinh doanh của các công ty thuộc tập đoàn ngày càng tốt lên.”
Sơn Hà thành lập công ty con tại Myanmar được 3 năm, nhưng đã phải thay tới 4 Tổng Giám đốc. Điều đó cho thấy doanh nghiệp này đã gặp không ít khó khăn cho hành trình xuất ngoại.
Việc phải thay đổi nhân sự, theo ông Sơn, là bắt buộc và không còn lựa chọn nào khác. Điều may mắn là kết quả kinh doanh của Sơn Hà Myanmar ngày càng thuận hơn, và ông cảm nhận được mỗi một TGĐ sau lại làm tốt hơn người tiền nhiệm.
Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn tiết lộ một tin vui sẽ đến với tập đoàn ngay trong những ngày đầu xuân, đó là việc Sơn Hà đang hoàn tất mua lại một công ty ống thép có lịch sử 40 năm tại Ấn Độ. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong năm 2020.
“Mỗi một bước đi của Sơn Hà từ thị trường nội địa đến xuất khẩu đều có sự vững vàng hơn, khôn lớn hơn, hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó là sức mạnh cũng lớn dần lên.” – ông Lê Vĩnh Sơn trải lòng.
Nhìn lại để thấy chặng đường khởi nghiệp và phát triển của Sơn Hà có những thành công, nhưng theo ông Sơn, “không thể mong đợi vào một sự thuận lợi, dễ dàng trong khởi nghiệp, mà thực sự rất khó khăn”.
Đơn cử như việc đặt chân sang Myanmar là để vững vàng hơn cho kế hoạch tiến đến thị trường Ấn Độ. Và việc thành công ở Ấn Độ sẽ khiến Sơn Hà tự tin hơn với mục tiêu trở lại thị trường Mỹ bằng cách có thể sản xuất ngay trên đất Mỹ.
Điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nhập, và chỉ có sự chủ động, nỗ lực của chính doanh nghiệp mới giúp họ trụ vững được trên thương trường.
Trong năm 2019 vừa qua, ở mảng xuất khẩu ống inox, sản lượng xuất khẩu ống inox công nghiệp Sơn Hà đạt 11.773 tấn, doanh thu đạt 647 tỷ đồng và thị trường xuất khẩu tới 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thương hiệu Sơn Hà đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Ấn Độ, Nga, Braxin, Thổ Nhĩ Kì…
Tuy nhiên, một trải nghiệm không hề dễ dàng với Sơn Hà và các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Ấn Độ trong năm 2018 bởi vụ kiện chống trợ cấp đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Vụ kiện khiến cho hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc tại Ấn Độ lao đao, và cũng chỉ có 2/20 doanh nghiệp Việt Nam sống sót sau vụ kiện, trong đó có Sơn Hà.
Theo ông Sơn, điều may mắn cho ông là đã nhận được sự giúp đỡ, tư vấn của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, trong đó có Đại sứ Phạm Sanh Châu.
Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn mong mỏi một ngày nào đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lại đi khắp thế giới, như các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản hiện giờ.
Tuy nhiên, là người trải qua hơn 20 năm cạnh tranh gắt gao và sòng phẳng của nền kinh tế thị trường, Chủ tịch SHI hiểu rằng con đường của doanh nghiệp là vô cùng gian nan, vất vả.
Sơn Hà bây giờ đã đạt quy mô vài nghìn người và có những đóng góp nhất định cho xã hội. Nhưng ông Sơn tỏ ra chưa hài lòng với kết quả đạt được bởi đó chưa phải là điều mà BLĐ Sơn Hà mong muốn.
Trong số những vấn đề Sơn Hà đang gặp phải, doanh nhân Lê Vĩnh Sơn cho rằng rào cản lớn nhất là vấn đề tư duy.
“Chúng tôi tạm gọi tư duy của 20 năm vừa qua là tư duy cũ. Nếu vẫn giữ nguyên tư duy này thì 20 năm nữa không biết Sơn Hà sẽ đứng ở đâu. Thế nên chúng tôi phải thay đổi cách tiếp cận, lựa chọn con đường, lựa chọn lĩnh vực phát triển, lựa chọn cách làm và cách tư duy, để Sơn Hà đạt được quy mô như kỳ vọng.”
Mục tiêu Sơn Hà là trong top 90 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong vòng 10 năm tới. “Có thể chưa đến mốc 10 năm nữa chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình nhưng chúng tôi sẽ lại đặt ra những mục tiêu tiếp theo để phấn đấu.” – ông Lê Vĩnh Sơn chia sẻ.