Khởi nghiệp theo hướng doanh nghiệp tạo tác động xã hội cần gì?
Doanh nghiệp tạo tác động xã hội muốn đạt được mục đích trước hết cần tạo nguồn doanh thu và lợi nhuận. Muốn vậy, phải tạo ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong chương trình đào tạo khởi nghiệp Seeding Camp - do Seed Planter kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) tổ chức, các huấn luyện viên - những doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp có tác động xã hội đã chia sẻ với các học viên những yếu tố tạo nên một mô hình bài bản cho doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
Theo đó, bước đầu tiên và quan trọng nhất trong suốt quá trình xây dựng ý tưởng là thấu hiểu người tiêu dùng. Bỏ qua bước này, các mô hình dù có sáng tạo đến mức nào, nguy cơ thất bại sẽ cao gấp nhiều lần. Không chỉ dừng lại ở những câu hỏi về thông tin cá nhân, cần “bóc lớp vỏ hành” để hiểu đến tận cùng nhu cầu và động cơ đằng sau lời nói, hành động. Từ đó, những giải pháp tạo tác động mới tạo ra giá trị bền vững, và có thể nhân rộng.
Theo anh Văn Trần, Founder của Vexere cho hay: “Việc thấu hiểu người tiêu dùng là một điều vô cùng quan trọng. Những câu hỏi cần phải trả lời là: Sản phẩm đang nhắm đến đối tượng nào (bao nhiêu tuổi, mức thu nhập, vị trí địa lý)? Họ đang có hành vi như thế nào? Có thể tìm thấy họ ở đâu? Tại sao họ cần sản phẩm/dịch vụ? Sản phẩm/dịch vụ có điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh là gì?”.
Tiếp đến là tạo ra mô hình kinh doanh sơ bộ. Mô hình Lean Canvas là một trong những mô hình cơ bản cho thấy bức tranh tổng thể về người tiêu dùng, những vấn đề ý mà sản phẩm, dịch vụ được tạo ra để giải quyết, những lợi thế và bất lợi hiện có của ý tưởng, những nguồn lực sẵn có,... Liệt kê những yếu tố này một cách logic, các founder sẽ dễ dàng hình dung những bước hành động tiếp theo.
Cuối cùng, để biết sản phẩm, dịch vụ có đáp ứng được nhu cầu khách hàng không, thiết kế sản phẩm mẫu chính là bước để mô phỏng sản phẩm. Đó có thể là mô hình mẫu của sản phẩm, hoặc các bước trải nghiệm của khách hàng đối với dịch vụ. Việc thiết kế sản phẩm mẫu một cách nhanh chóng, đơn giản để khách hàng hình dung sẽ giúp chủ ý tưởng dễ dàng điều chỉnh khi ý tưởng đang có những lỗ hổng nhất định.
Hãy tư duy như một đứa trẻ
“Đừng vội nghĩ đến hướng giải quyết, hãy bắt đầu như một đứa trẻ, một tờ giấy trắng” – Chị Hồ Gia Anh Lê, Investor và Advisor Trường Mầm non Hoa Sen chia sẻ. Một trong những lỗi tư duy lớn nhất khi hình thành ý tưởng của các bạn trẻ là luôn nghĩ ý tưởng của mình là nhất. Điều này vô tình tạo nên những rào cản khiến các bạn không mở rộng góc nhìn, và tiếp nhận những ý kiến mới, làm bó hẹp ý tưởng. Tư duy như một đứa trẻ chính là mở rộng góc nhìn, đón nhận những ý tưởng mới, kiến thức mới. Từ đó thu thập, chọn lọc để phát triển ý tưởng của mình một cách hoàn thiện hơn.
“Khi tư duy như một đứa trẻ, bạn sẽ loại bỏ những nhận định mang tính cá nhân mà suy xét vấn đề có hệ thống, dựa trên những dữ liệu thực tế. Để làm được điều đó, bạn hãy học cách lắng nghe. Lắng nghe bằng sự thấu hiểu và tập trung sẽ giúp các bạn có thêm nhiều thông tin và hiểu rõ thông tin khách hàng đang truyền đạt” – anh Dũng Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và giảng dạy ATY chia sẻ.
Bạn Đoàn Xuân Hiển (TP.HCM), một học viên của Seeding Camp cho hay: “Sau khi ấp ủ ý tưởng startup trong 3 năm, hoàn thiện ý tưởng rồi đi tìm co-founder, để bây giờ đã tung dự án được 3 tháng, mình cứ ngỡ rằng mình giờ đã là một cái cây. Cho đến khi hoàn thành Seeding Camp, hàng loạt câu hỏi đánh sập suy nghĩ trên. Chân dung khách hàng một cách chi tiết của mình là ai? Lean Canvas là gì? Sản phẩm mẫu làm ra sao và nhằm mục đích gì? Lúc ấy, mình nhận ra mình chẳng biết gì cả, về doanh nghiệp lẫn thị trường giáo dục. Và lúc ấy mình nhận ra rằng mình vẫn chỉ là một hạt giống nhỏ xíu, cần thời gian tích lũy, học hỏi để có thể nảy mầm và phát triển hơn nữa”.
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Một nhận định chung từ những diễn giả của Seeding Camp cho biết: “Ngay cả những mô hình khởi nghiệp thông thường, chủ ý tưởng vẫn cần có ekip theo cùng để đảm bảo tính khả thi của mô hình. Khi giải quyết các vấn đề xã hội, là những vấn đề dài hơi với khối lượng công việc lớn càng cần một đội mạnh, mà các thành viên có thể bổ trợ nhau trong chuyên môn cũng như có thêm những góc nhìn khác nhau đối với ý tưởng chung”.
Vậy làm thế nào để có một đội cùng nhau đi xa?
Chủ ý tưởng cần biết bản thân mình muốn làm đồng đội với những người như thế nào. Đặc biệt, ngoài những giá trị chung cùng theo đuổi, đồng đội nên là những người bù trừ cho nhau trong các khoản chuyên môn, để cùng nhau tạo ra bức tranh tổng thể.
Đặt mục tiêu và cách giải quyết lên trên cái tôi cá nhân. Là đồng đội, mọi quyết định nên được cân nhắc dựa trên mục tiêu chung của dự án. Đặc biệt, với người lãnh đạo, điều này lại càng quan trọng. Tôn trọng ý kiến cá nhân để hướng đến mục tiêu chung chính là phương châm để có một đội mạnh. Cần tỉnh táo để biết rằng đâu là những tranh luận tìm ra giải pháp, đâu là những tranh luận chứng minh đúng sai. Và để có được những điều này, đòi hỏi người lãnh đạo phải lắng nghe một cách chủ động.
Hãy luôn thể hiện tinh thần theo đuổi đến cùng đối với dự án. Trong rất nhiều trường hợp, quá trình tìm co-founder hoặc người giúp đỡ không suôn sẻ như hình dung. Rất nhiều tình huống, chủ ý tưởng đã tìm được người có thể “chung hội chung thuyền” nhưng họ lại không muốn tham gia. Trong tình huống này, thay vì chấp nhận lời từ chối ngay, hãy tận dụng tối đa cơ hội khi gặp gỡ để lắng nghe thêm lời khuyên của họ về những điểm mù của mình, đào sâu ý kiến của họ, và thể hiện tinh thần “không bỏ cuộc”. Họ không là người đồng hành, nhưng có thể trở thành những người cố vấn rất tuyệt vời!