Hướng đi dành cho các bạn trẻ xây dựng Startup từ con số 0
Những kinh nghiệm xương máu tôi đúc rút được trong suốt 3 năm xây dựng Startup từ con số 0.
Cảm ơn những người đồng đội đã cùng tôi vượt qua những giờ phút khó khăn nhất, cảm ơn những người thầy đã chỉ bảo tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Hand writing Start-up concept with black marker on transparent wipe board.
1. Startup không dành cho tất cả mọi người
99% startup thất bại, vì những người đó không thật sự hiểu rõ Startup là gì và điều gì đang chờ đợi họ khi startup, họ chỉ đơn giản là chạy theo phong trào. Đừng Startup nếu bạn không có 3 thứ sau:
- Một ý tưởng hay ho.
- Đam mê cháy bỏng với những gì mình làm.
- Một người đồng đội thật sự tin tưởng vào bạn.
Ý tưởng là cái giúp bạn có động lực để bắt đầu cuộc hành trình của mình. Đam mê cháy bỏng là cái giúp bạn vượt qua những giờ phút căng thẳng, những thất bại nặng nề nhất. Người đồng đội sẽ là người san sẻ vui buồn & là điểm tựa tinh thần lớn nhất của bạn. Ý tưởng là cái sẽ thay đổi, đam mê cũng sẽ có lúc nguội tắt, chỉ có người đồng đội tin cậy mới là người sẵn sàng đi với bạn tới cùng trời cuối đất, ở bên bạn khi khó khăn thất bại.
Đừng nhầm lẫn giữa “đam mê” với “cảm nắng”, tôi đam mê giáo dục nghĩa là tôi có trải nghiệm và hiểu biết về nó một cách sâu sắc. Tôi biết giáo dục Việt Nam hay cái gì, dở cái gì, tôi thừa hiểu làm giáo dục ở VN có gì khó khăn, vất vả, trở ngại, nhưng tôi chấp nhận tất cả và vẫn muốn làm nó. Còn “cảm nắng” chỉ là thấy ý tưởng này hay, thấy ý tưởng kia đặc biệt, nhưng thực sự bạn chẳng hiểu gì về nó, giống như là lướt qua 1 cô gái sexy khiến tim bạn đập nhanh mà thôi.
2. Đúng thời điểm
Một yếu tố quan trọng giúp Akira thành công là chọn đúng thời điểm. Nếu đi trước sóng thì bạn sẽ thành kể lót đường. Nếu đi sau sóng thì chỉ còn lại những phần xương xẩu.
3 năm trước khi tôi từ Nhật Bản về VN lập ra Akira, lúc đó cả HN chỉ có 5-6 nơi đào tạo tiếng Nhật. Còn hôm nay đã có khoảng 200 cơ sở đào tạo tiếng Nhật lớn nhỏ ở Hà Nội, sẽ thật sự không khôn ngoan nếu bây giờ bạn mới bắt đầu đi mở trung tâm tiếng Nhật.
2 năm trước khi Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về Edtech, thời điểm mà nói về MOOCs, M-Learning… là những thứ mà chẳng ai hiểu và đều cho rằng tôi bị điên. Ngày hôm nay thì nhà nhà nói về Edtech, và người người đổ xô đi làm Edtech, từ FPT, Viettel, Topica, Kyna, Edtech Hackathon…
1 năm trước khi thị trường Tiếng Nhật trở nên chật hẹp, Chúng tôi bắt đầu mở rộng thêm một mảng mới, thứ mà bây giờ mọi người đang rục rịch nói về nó, và tôi tin giờ này năm sau sẽ trở thành một xu hướng lớn. Tạm thời chưa thể công bố nhưng các bạn sẽ sớm biết thôi.
Với một Startup không có tiền, không có kinh nghiệm, không có đội ngũ nhân sự khủng, bắt đầu mọi thứ từ con số 0 thì “đúng thời điểm” là lợi thế duy nhất nhất để có thể bứt phá và sánh ngang với những tổ chức lớn.
3. Đừng cho tất cả mọi người lên thuyền
“Đi đâu và đi với ai?” Là 2 câu hỏi quan trọng khi startup. Tìm một nhân viên thì dễ, tìm một người đồng hành thì vô cùng khó. Muốn cùng nhau đi được xa, nhất định phải “hợp” nhau. Về tính cách, về quan điểm sống, về chí hướng. 100 người chỉ có 1 người hợp với bạn, nếu không chắc chắn về 1 ai đó, đừng vội đồng ý, hãy tiếp tục quan sát.
Kinh nghiệm khi xây dựng, chúng tôi cho thấy rằng những người mà ngay từ đầu tôi không cảm thấy chắc chắn thì thường không thể đồng hành cùng nhau. Nếu cố làm cùng nhau thì kiểu gì cũng đến lúc cãi vã và buộc phải chia tay. Khi đó thì còn mệt mỏi hơn. Vì vậy thà là tuyển dụng chậm lại 1 chút còn hơn là phải đau đầu khi cho họ nghỉ việc.
Một người thầy đã dạy tôi rằng: Hire slow, Fire fast!
Có 4 dấu hiệu để nhận biết một người đồng hành tốt:
- Người đến với mình lúc không có gì.
- Người ở lại với mình lúc khó khăn nguy khốn.
- Người cảnh báo mình lúc thành công rực rỡ.
- Người không bỏ mình ngay cả khi bị mình xua đuổi, phũ phàng.
4. Kiếm tiền hay làm gì?
Khi đặt nền tảng cho 1 startup, cần phải xác định mình làm vì mục đích gì? Để “giải quyết vấn đề xã hội”, để kiếm thật nhiều tiền, hay để thoả mãn bản thân?
Dù là con đường nào thì cũng tốt, vì ngay cả khi startup để kiếm tiền mà không đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì bạn cũng sẽ sớm phá sản. Nhưng bạn phải luôn biết con đường nào dành cho mình và đâu là thước đo cho sự thành công của mình. Đừng có gắng trở nên giống những người khác.
Tại sao chúng tôi không mở rộng ra nhiều tỉnh thành, không mở thêm nhiều chi nhánh, không franchise? Thương hiệu tốt thế mà không làm, mãi 3 năm mà vẫn lẹt đẹt như thế, đúng là dại dột kém cỏi. – Có lẽ là câu hỏi tôi thường nhận được nhất.
Sự khác biệt cơ bản giữa tư duy của 1 người làm giáo dục & 1 người làm kinh doanh nằm ở chỗ đặt cái gì lên trước. Nếu đặt yếu tố kinh doanh lên trước, tôi sẽ lựa chọn những gì tạo ra nhiều lợi nhuận nhất, mở 1 phát 4-5 cơ sở, đánh lướt sóng 2-3 năm, thu về vài tỷ đồng lợi nhuận xong đóng cửa trung tâm đi làm cái khác. Đấy là tư duy “chuẩn kinh tế”.
Chúng tôi được xây dựng từ mục đích đem lại ảnh hưởng đến xã hội và giúp ích cho nhiều người. Nên vấn đề không nằm ở việc có được bao nhiêu cơ sở hay thu được bao nhiêu tiền, mà là giúp ích được cho bao nhiêu học viên. Để thực hiện được sứ mệnh đó thì nhất thiết phải có tiền để xây dựng tổ chức, nhưng tiền không bao giờ được đặt lên hàng đầu và không bao giờ vì tiền mà đánh mất những giá trị cốt lõi của tổ chức.
Chúng tôi không tăng trưởng doanh thu nhanh, không có nhiều lợi nhuận như các tổ chức khác, nhưng chúng tôi tự hào về những gì mình làm được. Với tôi niềm vui và sự hài lòng với mỗi việc mình làm, quan trọng hơn nhiều những giá trị vật chất khác. Mỗi ngày sống & làm việc đều là một ngày vui và đầy ý nghĩa.
5. Tập trung vào việc mình làm & mặc kệ những thằng khác
Mặc kệ dư luận:
Đừng bận tâm bởi những lời khen chê của những người từ đẩu từ đâu mà có khi bạn còn chưa gặp bao giờ. Sự phát triển của Facebook và các mạng xã hội cho phép mọi người có thể chửi thẳng vào mặt bạn ngay cả khi họ chẳng hiểu gì về bạn.
Mình làm tốt việc của mình và mình biết mình làm tốt, thoả mãn sự đòi hỏi & yêu cầu cao của chính mình là đủ rồi. Ngay cả tổng thống Obama cũng chỉ được 49% người dân Mỹ ủng hộ.
Bơ đi đối thủ cạnh tranh:
Nếu bạn chưa chiếm được trên 5% thị phần thì chẳng cần quan tâm tới đối thủ cạnh tranh làm gì. Vì nếu bạn có thất bại thì là do sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn quá kém chất lượng chứ không phải do bị cạnh tranh. Khi mới startup, tất cả những gì bạn cần tập trung là đem lại sản phẩm & dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Khi xây dựng, Chúng tôi chưa bao giờ coi các trung tâm tiếng Nhật khác là đối thủ cạnh tranh, để thực hiện được mục tiêu phổ cập tiếng Nhật & văn hoá Nhật thì cần nhiều nhiều trung tâm khác nữa. Nên mình luôn sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm của mình với tất cả mọi người.
Đừng mất thời gian với những cuộc thi thố:
Tôi chưa từng thấy doanh nghiệp thành công nào đi lên từ những cuộc thi. Tôi chỉ thấy những doanh nghiệp chiến thắng trong những cuộc thi và thất bại khi vào thị trường thật. Được 1 vài người có vị thế ở trên sân khấu đánh giá cao không có nghĩa là thị trường cũng sẽ ủng hộ bạn. Khách hàng mới là Ban giám khảo thật sự, hãy làm tất cả để đem lại giá trị cho họ thay vì cố gắng show-off để lấy điểm với một số người.
6. Gập sách lại và đi tìm cho mình một người thầy
Tôi là một người thích đọc sách và đã đọc rất nhiều sách. Đến khi khởi nghiệp tôi mới nhận ra rằng 99% các sách ở Việt Nam được dịch từ sách Âu Mỹ và hoàn toàn không hợp với Việt Nam. Cách tư duy về thị trường, con người, sản phẩm… của Việt Nam hoàn toàn khác với Thế giới. Triết lý từ NewYork best seller về Việt Nam là mất điện ngay.
Tôi cũng từng áp dụng một số lý thuyết & quan điểm giảng dạy của Nhật Bản vào các kinh nghiệm hồi mới thành lập. Bài học xương máu là áp dụng nguyên si những gì ở nước ngoài vào VN thì chắc chắn thất bại. Phải học từ những người Việt đã thành công, chứ không phải học từ sách vở Âu Mỹ. Tìm một người thầy giỏi bằng đọc vạn quyển sách. Người thầy giỏi sẽ chỉ cho bạn biết bạn đang ở đâu và cần làm gì, cái gì là cái phù hợp với bạn ở mỗi giai đoạn khác nhau. Điều mà không quyển sách nào có thể nói cho bạn. Tôi từng làm việc không lương trong nhiều năm tháng để được học từ những người giỏi nhất.
7. Đừng đú theo tổ chức lớn
Tôi từng nghiên cứu mô hình tổ và cách thức vận hành của rất nhiều tổ chức lớn, như Google, Facebook, Apple, Viettel, FPT, Topica… từng thử áp dụng rất nhiều thứ vào Akira và đa số đều thất bại.
Mỗi tổ chức có nền tảng và lợi thế khác nhau, những con người và văn hoá khác nhau, cố gắng chạy theo bên khác chẳng khác nào mặc quần áo của người khác. Mình phải hiểu rõ tổ chức & con người trong tổ chức mình, biết mình là ai, mình cần gì và điều gì tốt cho mình. Từ đó xây dựng chiến lược phát triển và cách thức vận hành riêng, thế mới lớn mạnh được.
Tổ chức nhỏ phải được vận hành theo cách của tổ chức nhỏ, dập khuôn theo các tổ chức lớn là tự chuốc lấy rắc rối.
8. Tướng tài không tự nhiên mà có. Người tài không tự nhiên mà đến.
Khi tôi bắt đầu xây dựng Akira, những người đầu tiên đồng hành cùng tôi không có gì đặc biệt xuất sắc. Lúc đó tôi vừa từ Nhật Bản trở về, mang trong người toàn mơ mộng và ảo tưởng, đội ngũ nhân sự là các bạn sinh viên còn đang đi học, manager mới vừa tốt nghiệp Đại học. Chúng tôi là một tập thể trẻ & vô cùng thiếu kinh nghiệm, kỹ năng. Nhưng cùng với sự phát triển của Akira, mọi người dần dần trở nên giỏi hơn. Trải qua nhiều khó khăn, nhiều thăng trầm, chúng tôi không ngừng được rèn luyện và thử thách, nhờ đó mà trưởng thành, bản lĩnh hơn từng ngày. Những người còn đồng hành cùng tôi từ thời điểm đó, đến giờ đều trở thành những tướng lĩnh trụ cột của Akira.
Những điều 1 leader luôn phải ghi nhớ:
Muốn có nhân sự giỏi, bản thân mình phải giỏi trước. Không ai muốn làm việc với 1 người lãnh đạo kém cỏi.
Muốn có tướng tài, phải biết cách đào tạo và phát triển nhân sự.
Nếu một ngày tổ chức ngừng phát triển, những người giỏi sẽ ra đi vì họ cảm thấy ở đây không còn phù hợp với họ nữa.
Cách tốt nhất để giữ những người giỏi ở bên bạn, là chính mình không ngừng nỗ lực để giỏi lên và đưa ra những tầm nhìn mới thúc đẩy tổ chức tiến về phía trước. Tôi nhớ môt câu nói của Chú Mạnh Hùng – TGĐ Viettel: Không có ai bẩm sinh đã vĩ đại, được làm những việc vĩ đại tạo nên những con người phi thường.
9. Thế hệ kế cận
Khác với những tổ chức khác, Akira từ khi thành lập đã rất chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ kế cận. Ở Akira, không ai được dừng lại ở một vị trí quá lâu. Khi một người đã thành thạo công việc của mình thì họ phải đào tạo một người kế cận để tiếp quản công việc hiện tại và chuyển sang một công việc mới. Cơ chế này vừa thúc đẩy mỗi thành viên của Akira (ngay cả tôi) phải không ngừng học hỏi vươn lên, vừa tạo ra nhiều cơ hội cho những thế hệ kế cận.
Niềm vui và niềm tự hào lớn nhất của tôi chính là đội ngũ nhân sự Akira hiện tại – những người sẽ dẫn dắt Akira đi tới tương lai. Các bạn giỏi hơn tôi rất nhiều và chắc chắn sẽ đưa các giá trị của Akira vươn tới những chân trời mới.