Khơi dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo
Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 400 công ty khởi nghiệp sáng tạo thì đến năm 2019, con số này là hơn 3.000 (trong đó, TPHCM chiếm gần 50% startup trong nước).
Báo cáo về bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019, do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia công bố cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup).
Cụ thể, nếu năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 400 công ty khởi nghiệp sáng tạo thì đến năm 2019, con số này là hơn 3.000 (trong đó, TPHCM chiếm gần 50% startup trong nước).
Năm 2019 là một năm khá thành công trong việc gọi vốn của các doanh nghiệp startup. Tháng 1, ví Momo gọi thành công với 100 triệu USD từ quỹ đầu tư Warburg Pincus; tháng 3, Tiki gọi vốn thành công 75 triệu USD từ Northstar Group; tháng 11, Sendo tuyên bố đã huy động được là 61 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài; tháng 7, VNPay nhận 300 triệu USD từ quỹ startup Vision Fund (SoftBank) và GIC Pte…
Theo ước tính, năm 2019 các startup Việt Nam đã gọi được khoảng trên 800 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ ngoại. Dù đây là những con số không quá lớn nhưng đối với một thị trường nhỏ và mới phát triển mạnh về khởi nghiệp trong 5 năm gần đây, rõ ràng đó là một cú đột phá lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Công ty đầu tư mạo hiểm ESP Capital và Cento Ventures của Singapore, nửa đầu năm 2019 có khoảng 5,9 tỷ USD được đầu tư vào các startup Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm 17% (năm 2018 chỉ chiếm 5%), sau Indonesia (48%) và Singapore (25%). Điều này cho thấy Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư.
Trong lần trao đổi với phóng viên Báo SGGP gần đây, ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, cho biết, VinaCapital đã chuẩn bị nguồn vốn 100 triệu USD cho lĩnh vực công nghệ. VinaCapital không tập trung chuyên biệt vào một lĩnh vực mà đầu tư vào những startup có công nghệ, có thể giải quyết những yêu cầu mà cuộc sống đặt ra. Nếu các ý tưởng đưa ra xử lý được các vấn đề đó thì VinaCapital sẽ đầu tư và số tiền 500.000 USD hay 5 triệu USD không quan trọng.
Nhưng, bỏ qua các thống kê “hào nhoáng” nêu trên, vẫn phải nhìn nhận, các doanh nghiệp startup Việt Nam hiện còn phát triển manh mún, tự phát, chưa tiếp xúc được với kênh thông tin thực tế về thị trường và nguồn vốn… Chính vì thế, tại Chỉ thị số 09/CT-TTg mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp startup. Lý do là theo phản ánh của cộng đồng startup, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn, rào cản, kém sức cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. Một trong những nội dung quan trọng tại Chỉ thị 09/CT-TTg là Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp startup, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020-2021.
Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc xây dựng sàn chứng khoán dành riêng cho doanh nghiệp startup sẽ giúp kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đa dạng và dễ dàng hơn; giải quyết những khó khăn khi doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng (do độ rủi ro cao của các doanh nghiệp startup) hoặc chỉ phụ thuộc vào vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp muốn niêm yết hoặc phát hành chứng khoán ra công chúng thì phải đáp ứng các điều kiện khá nghiêm ngặt. Do đó, các startup khó có thể đáp ứng được những yêu cầu này. Chính vì thế, có thể xây dựng thị trường chứng khoán dành cho các doanh nghiệp startup dưới dạng thị trường không tập trung. Đây là loại thị trường dành cho các doanh nghiệp không cần báo cáo tài chính mà một số nước đang áp dụng. Thị trường này cần có các quy định về việc phải công khai, minh bạch những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải và là sân chơi dành cho các nhà đầu tư sẵn sàng chịu rủi ro khi giao dịch.
Song, mảnh đất lành để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm sự tham gia của nhiều tác nhân và định chế khác nhau thực hiện 1 trong 3 nhóm chức năng. Đó là khởi nghiệp (các doanh nghiệp mới thành lập, các startup); hỗ trợ (Chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức ươm mầm, chuyên gia cố vấn); và đầu tư (các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, tổ chức thúc đẩy kinh doanh).
Sự tương tác giữa các tác nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp là vô cùng quan trọng với sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong các định chế này, Chính phủ có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở tầm vĩ mô. Sự phát triển của các doanh nghiệp startup đến đâu là phụ thuộc vào chính sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành.