Startup hàng hiệu giá rẻ Leflair bị tố ôm nợ 2 triệu USD của 500 nhà cung cấp Việt
Leflair bất ngờ thông báo đến nhà cung cấp cũng như khách hàng về việc sẽ đóng cửa trang thương mại điện tử tại Việt Nam sau 4 năm hoạt động.
Leflair chưa kịp làm thị trường Việt Nam vơi bớt bất ngờ vì cú rút chân đầu tháng 2 thì mới đây, startup hàng hiệu giá rẻ này lại bị tố nợ tiền nhà cung cấp và không chuyển hàng dù khách đã thanh toán đầy đủ.
Vào đầu tháng 2 vừa qua, Leflair bất ngờ thông báo đến nhà cung cấp cũng như khách hàng về việc sẽ đóng cửa trang thương mại điện tử tại Việt Nam sau 4 năm hoạt động.
Trong thư gửi các đối tác cung cấp, lãnh đạo Lefair cho biết đã quyết định "tạm dừng hoạt động kinh doanh Lefair tại thị trường Việt Nam". Lý do cho quyết định nói trên là vì Lefair vừa chịu "áp lực nguồn vốn" vừa chịu "áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận" ngày càng lớn, trong bối cảnh xây dựng đầu tư vào thương mại điện tử đòi hỏi nguồn vốn lớn.
Tuy vậy, Leflair khẳng định vẫn "duy trì hoạt động Hàng Nhập khẩu phù hợp với chiến lược 2020, tập trung vào kinh doanh hàng xuất nhập khẩu". Hãng cũng cam kết sẽ giải quyết đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đối với đối tác.
Tuy nhiên theo nguồn tin từ Tuổi Trẻ, ngày 1/3, các nhà cung cấp phát hiện văn phòng của nhà bán lẻ trực tuyến này không còn hoạt động mà đã tạm thời đóng cửa.
Tuổi Trẻ cũng dẫn lời từ các nhà cung cấp, cho biết trong buổi làm việc với họ, đại diện Leflair nói ước số công nợ mà sàn thương mại điện tử này chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD, trong khi đó khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản chưa đến 50.000 USD. Với một số nhà cung cấp, khoản công nợ từ Leflair đã lên tới vài tỷ đồng.
Đáng nói hơn, ngoài bị tố nợ tiền hàng của nhà cung cấp, tiền lương nhân viên, Leflair còn "kẹt" tiền của khách hàng, những người đã đặt mua hàng trên trang web này và thanh toán xong nhưng chưa nhận được hàng.
Dù thông tin đóng cửa được công bố vào đầu tháng 2 nhưng suốt thời gian qua, fanpage Leflair vẫn liên tục cập nhật thông tin bán hàng và website vẫn hoạt động bình thường. Kết quả là nhiều khách hàng không biết và vẫn chuyển tiền mua hàng cho đơn vị này. Đến nay, họ đang đứng ngồi không yên vì hàng không được giao, tiền cũng không thể lấy lại.
Facebooker Bùi Ngọc Thanh Lan cho biết: "Mình đặt hàng và thanh toán ngày 27/2, thời điểm mình đặt hàng website vẫn hoạt động nên vẫn trừ tiền và gửi thông báo giao hàng. Thế nhưng, tới hôm nay mình mở lại thì website đã đóng cửa".
Tương tự, tài khoản Yo Milk viết: "Báo chí đăng tin từ đầu tháng mà phía Leflair không có bất kỳ thông tin nào cho khách hàng biết, vẫn hoạt động như bình thường. Mình cũng bức xúc vì chưa được hoàn tiền. Để xem họ xử lý như thế nào, nếu nhiều người cũng bị giống mình thì có thể tập hợp lại nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp".
Theo cập nhật mới nhất từ Tuổi Trẻ, trong thông báo gửi đến các nhà cung cấp ngày 2/3, đại diện Leflair cho biết sẽ sắp xếp một buổi đối thoại vào ngày 10/3 tới đây với đại diện một số nhà cung cấp, chứ không thể tất cả 500 nhà cung cấp. Thông báo cũng cho biết để đảm bảo công tác hòa giải, văn phòng công ty sẽ đóng cửa trong tuần này.
Leflair là trang TMĐT chuyên bán hàng hiệu giảm giá ra đời năm 2015 tại Việt Nam, sáng lập bởi 2 doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun.
Là dự án triển khai theo mô hình flash-sales đã khá thành công tại châu Âu và Trung Quốc, Leflair thường mang đến cho khách hàng các ưu đãi giảm giá lên tới 70% trong một khoảng thời gian có hạn. Đây được đánh giá là chiến lược khá thông minh của startup này bởi lẽ nó dường như khác biệt và có phần ngược lại với cách các đơn vị khác trên thị trường đang làm.
Theo số liệu mà Leflair công bố, công ty có hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hơn 8 con số USD (hàng chục triệu USD), duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường TMĐT Việt Nam.
Năm 2018, Leflair gây chú ý khi nhận được khoản đầu tư lên tới 3 triệu USD từ Capital Management Group, gấp 3 lần khoản đầu tư pre-series A mà công ty công bố vào tháng 12/2016.